Thầy giáo dân tộc Raglai vượt hơn 80km mỗi ngày 'gieo chữ' cho học trò vùng cao
Câu nói 'đường đời là chiếc thang không có nấc chót, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng' luôn là kim chỉ nam cho thầy Minh Trí theo đuổi ước mơ.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Minh Trí (sinh năm 1991) là 1 trong 60 giáo viên tiêu biểu được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Thuận xét chọn tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Thầy Nguyễn Ngọc Minh Trí hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 3A kiêm tổ trưởng chuyên môn phụ trách khối lớp 1,2,3 tại Trường Tiểu học Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Ngoài ra, thầy còn là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Mỹ Thạnh (tỉnh Bình Thuận) khóa VI, nhiệm kỳ 2019 – 2024 và khóa VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Trong quá trình công tác, nam giáo viên đã gặt hái được rất nhiều thành tích xuất sắc như: danh hiệu giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi năm học 2022 – 2023 cấp tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận trao tặng; bằng khen của Hội đồng Đội tỉnh Bình Thuận với danh hiệu cá nhân xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2020 – 2021 cấp tỉnh; giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam với danh hiệu Lao động tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ngành giáo dục từ năm 2015 đến năm 2024;...
Không ngại làm nương rẫy, làm thuê làm mướn để có tiền theo đuổi ước mơ
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Minh Trí cho biết, nghề giáo từ lâu đã là một ước mơ to lớn của thầy. Nam giáo viên luôn lấy câu châm ngôn “Đường đời như chiếc thang không có nấc chót, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng” làm kim chỉ nam cho hành trình theo đuổi đam mê và lý tưởng của mình. Dẫu vậy, trên hành trình ấy, thầy Minh Trí đã phải đối mặt với không ít thử thách kể từ những bước khởi đầu của sự nghiệp.
Nam giáo viên sinh ra trong một gia đình đông anh em với sáu người con, cha mẹ đều làm nghề nông, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Trong một cơn bạo bệnh, cha của nam giáo viên bất ngờ bị tai biến, liệt nửa người, mẹ của thầy Trí trở thành lao động chính nuôi các con ăn học. Nhìn mẹ vất vả, thầy Trí quyết tâm vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập, góp phần trang trải cuộc sống cho gia đình. Chính nhờ những ngày tháng gian truân đó, người giáo viên vùng cao luôn biết ơn và trân trọng những gì mà gia đình cũng như bản thân đã vượt qua.
“Năm 2014, khi Sở Nội Vụ tỉnh Bình Thuận tổ chức thi tuyển viên chức ngành Giáo dục, tôi đã không ngần ngại đăng ký tham gia và quyết định chọn Trường Tiểu học Mỹ Thạnh làm điểm khởi đầu cho sự nghiệp của mình. Thời điểm ấy, tôi vừa tốt nghiệp cử nhân tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, "chân ướt chân ráo" bước vào đời còn nhiều bỡ ngỡ và lo lắng.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không có phương tiện di chuyển nên việc học tập và ôn thi viên chức trở nên vô cùng gian nan. Tôi thường phải lặn lội bắt xe buýt hoặc mượn xe máy từ người quen để di chuyển; có khi không ai cho mượn tôi lại lủi thủi tự đi bộ một mình. Đồng thời, kinh phí ôn tập và lệ phí thi cũng trở thành gánh nặng đối với tôi.
Để có thêm chi phí, tôi tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng cách đi làm thuê làm mướn, làm nương rẫy hoặc bất kỳ công việc hợp pháp nào khác miễn là có đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày trong thời gian ôn tập”, thầy Minh Trí chia sẻ.
May mắn thay, sau thời gian dài ôn thi và chờ đợi kết quả, chàng trai ấy đã đỗ viên chức ngành Giáo dục. Ngày lên Sở Nội Vụ tỉnh Bình Thuận nhận quyết định trúng tuyển là ngày thầy Trí cảm thấy vô cùng hạnh phúc, tự hào và biết ơn vì những nỗ lực của chính mình.
Mỗi ngày vượt 80km "gieo chữ" cho học trò vùng cao
Ngày 1/4/2015, thầy Nguyễn Ngọc Minh Trí bắt đầu công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Mỹ Thạnh. Đây là ngôi trường vùng cao khó khăn của xã Mỹ Thạnh, cách trung tâm huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận hơn 46km.
Học sinh nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn.
"Là một giáo viên vùng cao và cũng là người dân tộc Raglai, tôi thấu hiểu những khó khăn về kinh tế đã tác động không nhỏ đến việc học tập cũng như lối sống của các em học sinh. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm rằng phải nỗ lực mang tri thức đến với các em.
Tôi không ngừng khích lệ các học trò, nhắc nhở các em cần cố gắng học tập thật tốt vì chỉ có tri thức mới giúp chúng ta vượt qua nghèo khó. Mỗi lời động viên của tôi đều hướng đến việc khơi dậy ước mơ và khát khao vươn lên trong cuộc sống của các em học sinh, giúp các em nhận ra rằng học tập chính là chìa khóa mở ra tương lai tươi sáng hơn”, nam giáo viên bày tỏ.
Hàng ngày, cha mẹ học sinh vùng cao nơi đây phải băng rừng, vượt núi để kiếm cái ăn, cái mặc, vì thế các em học sinh phải tự lo liệu mọi việc sinh hoạt trong gia đình như nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc em nhỏ, chăn trâu, bò... Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn hơn buộc phải trở thành lao động chính, mỗi ngày đều vào rừng hái măng, đào củ mì, củ sắn, mót ngô còn sót lại sau mùa vụ để phụ giúp gia đình. Thời gian của các em phần lớn dành cho việc kiếm sống, ít có điều kiện đến trường.
“Khi được thầy, cô giáo và chính quyền địa phương vận động đến lớp, một số em học sinh chủ yếu đến trường “lấy lệ” để nhận hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Vì vậy, các em thường không tập trung học và không hào hứng tham gia các hoạt động chung. Điều này cũng chính là nỗi trăn trở lớn nhất của tôi rằng làm thế nào để các em biết yêu thương, đoàn kết, có ý thức trách nhiệm và chấp hành nội quy trường, lớp một cách nghiêm túc.
Để gắn kết các học trò hơn, ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, tôi tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Đây là những hoạt động thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh.
Bên cạnh đó, tôi thường xuyên trò chuyện để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em, hỗ trợ kèm cặp các em trong học tập, đặc biệt là khả năng giao tiếp lưu loát tiếng Việt cho các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tôi cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nhà hảo tâm để trao học bổng và quà tặng, tạo điều kiện cho các em đến trường”, thầy Minh Trí cho hay.
Bên cạnh những khó khăn trong công tác giảng dạy, nam giáo viên còn phải đối mặt với nhiều trở ngại khác trên hành trình “gieo chữ”. Đối với thầy Minh Trí – một giáo viên đã lập gia đình và hiện đang sinh sống tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, con đường đến trường dài hơn 80km là một thử thách lớn.
Mỗi ngày, nam giáo viên phải dậy từ tờ mờ sáng để kịp giờ đến lớp, chiều dạy xong lại quay ngược 80km về nhà. Có những hôm Trường Tiểu học Mỹ Thạnh tổ chức hoạt động ngoài giờ hoặc sắp xếp giáo viên đi tập huấn, thầy phải ở lại nhà công vụ dành cho giáo viên và có khi cả tuần mới được về nhà.
Ngoài ra, quãng đường từ nhà đến trường xa xôi cộng thêm đường sá, hạ tầng giao thông xuống cấp khiến việc đi lại của thầy Minh Trí trong mùa mưa bão trở nên đặc biệt gian nan. Khi nước lũ dâng cao, thầy phải chờ nước rút hoặc nhờ người dân hỗ trợ khiêng xe qua suối để kịp giờ đến lớp. Vào mùa khô, thầy trò vùng cao lại chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt dù đã có nhà máy cung cấp nước. Với đặc thù ở huyện Hàm Thuận Nam, xã Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận, mỗi khi đến mùa khô, các hoạt động sinh hoạt đều phụ thuộc vào lịch bơm nước từ nhà máy.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thầy Trí vẫn ngày ngày bền bỉ đến lớp, mang tri thức đến với các học trò nhỏ. Tình yêu dành cho học sinh cùng lòng nhiệt huyết với nghề đã giúp nam giáo viên vượt qua mọi thử thách. Đặc biệt, thầy Minh Trí luôn có sự ủng hộ từ người vợ là hậu phương vững chắc, chỗ dựa tinh thần tiếp thêm động lực để thầy kiên trì theo đuổi đam mê nghề giáo.
Được biết, vợ nam giáo viên cũng là một nhà giáo nên rất thấu hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Sự cảm thông từ gia đình cùng với lòng yêu nghề, khát khao mang tri thức tới học trò vùng cao đã trở thành động lực giúp thầy Minh Trí hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đồng thời đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm và Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 1,2,3; Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Mỹ Thạnh.
Theo thầy Trí, sứ mệnh của người giáo viên không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn là giáo dục cách sống và đạo lý làm người cho các em học sinh. Mục tiêu của thầy Trí là giúp các em học sinh trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội, cống hiến cho quê hương và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
“Gửi đến các thầy cô giáo, mặc dù cuộc sống mỗi người có thể gặp vô vàn những thử thách nhưng hãy giữ cho ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim luôn bùng cháy. Hãy kiên trì, gắn bó với nghề và không ngừng gieo mầm tri thức cho những thế hệ học sinh, bởi chính họ sẽ là tương lai rạng rỡ của đất nước. Sự tận tâm và nỗ lực của các thầy cô không chỉ thay đổi cuộc đời của từng học trò mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”, thầy Nguyễn Ngọc Minh Trí bày tỏ.