Kỳ 1: Lối mở trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện

Việc hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án không chỉ giúp giải quyết triệt để mâu thuẫn hay tranh chấp, mà còn tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan, hạn chế khiếu nại, tranh chấp kéo dài, tránh gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và giảm bức xúc trong dân.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ra đời là một bước tiến lớn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; góp phần rất lớn vào việc giảm tải áp lực cho ngành Tòa án; tạo điều kiện cho các bên tranh chấp lựa chọn hình thức giải quyết phù hợp, tránh được việc kéo dài vụ, việc tranh chấp.

Hòa giải viên trao đổi công việc với lãnh đạo TAND huyện Tân Biên.

Hòa giải viên trao đổi công việc với lãnh đạo TAND huyện Tân Biên.

Bà Lê Thị Thu Trang- Chánh án TAND huyện Tân Biên cho biết, hòa giải, đối thoại tại Tòa án là chế định mới được pháp luật quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Mục đích ban hành là tạo sự tự nguyện, hòa giải, đồng thuận dựa trên nguyên tắc để các đương sự ngồi lại với nhau cùng đưa ra hướng giải quyết mà vẫn duy trì được mối quan hệ giữa các bên. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa và hạn chế được một lượng án mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức của các bên.

Ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của TAND tối cao, TAND tỉnh về việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đơn vị triển khai đến toàn thể đội ngũ thẩm phán, thư ký, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật. Đơn vị tổ chức tuyển chọn và đề nghị TAND tỉnh xem xét, bổ nhiệm 5 hòa giải viên. Tất cả hòa giải viên đều tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại. Các hòa giải viên là những người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu pháp luật, khả năng giao tiếp, phân tích tốt.

TAND huyện chủ động bố trí cơ sở vật chất phục vụ công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, niêm yết quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, danh sách hòa giải viên tại trụ sở. Các vụ việc hòa giải đều bảo đảm giải quyết đúng tiến độ, đạt kết quả rất tốt, không có trường hợp hồ sơ hòa giải, đối thoại quá thời hạn.

Năm 2023, TAND huyện nhận 1.281 đơn khởi kiện, yêu cầu; trong đó, số lượng vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án 857 vụ (hòa giải thành, đối thoại thành 467 vụ việc; ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành 466 vụ việc; số vụ việc chấm dứt hòa giải do đương sự rút đơn 199 vụ; không tiến hành hòa giải, đối thoại, chuyển sang thụ lý theo tố tụng 173 vụ việc). “Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các ban, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người dân; chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng, bổ nhiệm thêm hòa giải viên”- một lãnh đạo TAND huyện Tân Biên chia sẻ.

Theo TAND huyện Châu Thành, thời gian đầu, kể từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực, đơn vị thực hiện còn nhiều khó khăn do các hòa giải viên chưa có nhiều kinh nghiệm; đa số người dân chưa hiểu được những mặt thuận lợi khi lựa chọn thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Để giải quyết khó khăn, đơn vị triển khai, quán triệt nghiêm túc đến thẩm phán, thư ký nghiên cứu kỹ Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thông tư, chỉ thị của Chánh án TAND tối cao và các văn bản hướng dẫn thi hành; nắm vững quy trình tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; các thủ tục về hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thông qua công tác tiếp dân, nhận đơn và quá trình tố tụng giải quyết vụ việc tại Tòa án, thẩm phán, thư ký tích cực tuyên truyền để người dân hiểu hơn ý nghĩa của Luật. Hiện nay, nhiều người dân đã tự nguyện lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Hiện TAND huyện có 4 hòa giải viên tham gia công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đội ngũ hòa giải viên có kinh nghiệm, kỹ năng, hiểu biết về đời sống, xã hội, có uy tín trong nhân dân, am hiểu quy định của pháp luật và có phương pháp hòa giải phù hợp từng vụ việc tranh chấp, có thể thuyết phục, động viên các bên đi đến thống nhất. Qua đó, giúp các bên tự thỏa thuận giải quyết vụ việc và yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Bên cạnh đó, TAND huyện thường xuyên phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ và khích lệ tinh thần của các hòa giải viên đối với hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhờ vậy, số lượng các vụ án chuyển sang hòa giải đối thoại trong năm 2023 của TAND huyện tương đối cao, đạt kết quả giải quyết nhất định.

Trong năm 2023, có 1.350 đơn người khởi kiện đồng ý tiến hành thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong đó, chấm dứt hòa giải do người khởi kiện rút đơn khởi kiện 139 vụ việc; chấm dứt hòa giải chuyển thủ tục tố tụng 816 vụ (không tiến hành hòa giải đối thoại được 20 vụ việc; hòa giải, đối thoại không thành 796 vụ việc); hòa giải thành 395 vụ việc (gồm 370 vụ việc được Tòa án ra quyết định công nhận, 25 vụ hôn nhân đoàn tụ đương sự không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận); số vụ còn lại chuyển sang năm 2024 tiếp tục giải quyết 43 vụ việc.

Một phiên hòa giải được tổ chức tại TAND huyện Tân Biên.

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, những năm gần đây, số lượng các loại vụ việc mà Tòa án hai cấp phải thụ lý, giải quyết gia tăng hơn so với năm trước, với tính chất, mức độ ngày càng đa dạng, phức tạp. Do đó, nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện bằng hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một giải pháp căn cơ. Tòa án hai cấp đã chủ động bố trí phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị; tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Hiện nay, TAND hai cấp đã bổ nhiệm được 47 hòa giải viên (cấp tỉnh: 2, cấp huyện: 45) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn được quy định trong luật và được tập huấn các khóa do TAND tối cao tổ chức. Năm 2023, TAND hai cấp xem xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2.839/3.396 vụ việc có yêu cầu (cấp tỉnh 4/4 vụ việc; cấp huyện 2.835/3.392 vụ việc); ra quyết định công nhận kết quả hòa giải 2.836 vụ việc; không công nhận 3 vụ việc (tỷ lệ giải quyết 83,6%).

Hiện nay, người dân khá quan tâm về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, lợi ích của việc lựa chọn hình thức này để giải quyết tranh chấp của mình. Nhiều đương sự đã lựa chọn hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án giải quyết đơn khởi kiện của mình sau khi được cán bộ Tòa án tuyên truyền về Luật. Bên cạnh đó, TAND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp cho các hòa giải viên, thẩm phán trong Tòa án hai cấp trao đổi kinh nghiệm, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.

“Việc hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án không chỉ giúp giải quyết triệt để mâu thuẫn hay tranh chấp, mà còn tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan, hạn chế khiếu nại, tranh chấp kéo dài, tránh gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và giảm bức xúc trong dân. Khi lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các bên có quyền lựa chọn hòa giải viên cho vụ việc của mình; có thể chủ động sắp xếp thời gian, địa điểm, hình thức hòa giải, đối thoại phù hợp; được bảo mật thông tin”- Phó Chánh án TAND tỉnh chia sẻ.

Thiên Di

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-1-loi-mo-trong-giai-quyet-tranh-chap-khieu-kien-a173121.html