Kỳ 1: Mẹ ơi! Các bạn chê con béo
Chị N.H.G (quận Long Biên, Hà Nội) vừa đỗ xe ở cổng trường thì bé H.L - con gái chị chạy ra ôm mẹ, khóc nức nở. Sau một hồi gặng hỏi lý do, bé L nói: Các bạn chê con là: Con béo như heo, con mũi tẹt. Con càng chạy các bạn càng đuổi theo chê con.
Miệt thị ngoại hình trong trường học - “thuốc độc” tàn phá tâm hồn trẻ thơ:
Con béo, con mũi tẹt,…
Theo lời chị G, đây không phải lần đầu con gái bị chê bai. Trước đó, một số học sinh trong lớp chê bé L béo, có lần bé L đang ăn trưa cũng bị hội học sinh lớp trên tiến gần và chê “mũi tẹt”. Tuy con chị có phản ứng lại bằng cách nói rằng việc chê người khác là sai, là xấu tính thì lần sau, nhóm học sinh này vẫn lặp lại hành động chê bai bé. Những học sinh này thường lợi dụng khi giáo viên không ở trong lớp hoặc giờ ra chơi trêu L.
Mặc dù là một cô bé sống lạc quan nhưng thời gian gần đây bé L hay buồn, khép mình hơn. Dù hát khá hay và thích tham gia các chương trình văn nghệ của trường, lớp nhưng bé L không dám đăng ký đi múa, hát. Hỏi thì bé bảo: “Con sợ con tham gia sẽ làm xấu đội hình”. Có lần, L còn bảo với mẹ không muốn đến trường vì sợ bạn trêu.
Những năm tháng học THCS và lớp 10 đối với Đ.P (Hưng Yên) là quãng thời gian đau lòng mà em không bao giờ muốn nhắc tới. P thường bị một số bạn trong lớp mang ra làm “trò cười” với những câu nói thẳng mặt và sau lưng: “Răng nó sao cứ chìa ra thế nhỉ?”; “Bộ nhá xấu thế”, “Mày giống bố hay mẹ mà răng “vời” ra thế?”, thậm chí P còn bị gắn với biệt danh “P vổ” một thời gian dài.
Chị N.T.H - mẹ của P không giấu nổi những giọt nước mặt khi chia sẻ về câu chuyện của con gái. Chị kể: “Hồi bé, răng cháu nhìn khá bình thường. Càng lớn, răng cháu càng bị nặng hơn. Tôi nghĩ có thể do di truyền. Một số lần cháu kể với mẹ việc bị bạn chê nhưng tôi không quan tâm lắm, chỉ nói rằng, có thể do các bạn trêu đùa chút thôi mà không nghĩ đến cảm nhận, tổn thương của cháu. Có thời gian, ngày nào đi học về cháu cũng buồn bã, nhốt mình trong phòng, ít trò chuyện với thầy cô, bạn bè và cả bố mẹ. Lực học của cháu cũng giảm sút nghiêm trọng”.
Đến khi đọc báo, xem ti vi về vấn nạn miệt thị ngoại hình, chị H mới tá hỏa về những gì con gái phải trải qua trong một thời gian dài. Chị động viên cháu nhiều hơn, cũng nhờ cô giáo can thiệp, những người bạn tốt của con gần gũi, chia sẻ để con lấy lại tinh thần. Dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng chị H quyết định chắt chiu tiền cho con đi làm răng. Theo chị H, đó là một trong những cách giúp con gái chị bớt đi những tự ti, mặc cảm.
“Tôi rất buồn về việc con mình bị “bắt nạt” tinh thần. Con tôi chắc chắn sẽ càng buồn khổ hơn vì hàng ngày phải đối diện với những lời chê bai như vậy. Tôi nghĩ nếu chúng ta càng nghĩ rằng những lời chê bai là bình thường thì nó đương nhiên sẽ càng xảy ra nhiều hơn. Xã hội vì thế sẽ càng có nhiều người giống như con gái tôi, phải chịu những tổn thương không đáng có. Con tôi không đáng bị đối xử như thế”, chị H chia sẻ.
Năm 2021, các giảng viên của khoa Xã hội học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM đã thực hiện một nghiên cứu tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và hệ quả của miệt thị ngoại hình trong môi trường ĐH từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021. Kết quả khảo sát đối với các sinh viên của trường cho thấy, miệt thị ngoại hình xảy ra ngày càng nhiều qua việc dùng những hành vi, cử chỉ, lời nói khiếm nhã để chỉ trích ngoại hình của người khác hay là hành vi phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình.
Đối tượng thường bị miệt thị ngoại hình là những người không theo “chuẩn” của xã hội, người thừa cân hay thiếu cân, người khuyết tật, người đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ và thậm chí là những người thuộc cộng đồng LGBT. Hình thức miệt thị ngoại hình biểu hiện trực tiếp bằng lời nói, cử chỉ, hành động như đánh đập, bạo lực học đường đối với học sinh, sinh viên và gián tiếp thông qua truyền thông và MXH.
Thế nào là miệt thị ngoại hình?
Hành vi “body-shaming” thường được hiểu là việc một cá nhân sử dụng ngôn ngữ, hành vi để chê bai hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình của người khác. Điều này khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương tâm lý. Ngoài ra, “body-shaming” cũng bao gồm hành vi tự miệt thị ngoại hình bản thân, tức là bản thân cảm thấy tự ti với ngoại hình của chính mình.
Một số kiểu “body-shaming” thường gặp như miệt thị về thân hình, số đo 3 vòng; miệt thị về màu da, làn da; miệt thị về khuôn mặt; miệt thị về cân nặng,… Trong đó, miệt thị về thân hình là hình thức rất phổ biến. Miệt thị thân hình, vóc dáng: chỉ vào các khiếm khuyết như béo, lùn, gầy của người khác, thậm chí còn so sánh những người này với động vật hay đồ vật,… Những câu nói miệt thị phổ biến như “béo như heo”, “chân như cái cột đình”,…
Với miệt thị làn da, nạn nhân của dạng này thường là những người có da quá đen, da nhiều mụn, da bị nám tàn nhang, đặc biệt dễ gặp ở phụ nữ hay những người đang trong độ tuổi dậy thì dễ bị mụn. Miệt thị màu da hay nói chính xác hơn chính là phân biệt chủng tộc, là phân biệt giữa người da đen và da trắng, da vàng chính ra nguồn gốc gây ra rất nhiều cuộc chiến về chủng tộc ở nhiều quốc gia. Face – shaming tức là chê bai các đường nét trên khuôn mặt người khác, chẳng hạn mặt quá to, mắt quá bé, mũi tẹt, miệng rộng, răng hô,…
Những người thường dễ trở thành nạn nhân chính là người vượt ngoài “quy chuẩn vô hình” mà xã hội tự đề ra, chẳng hạn da đen, mập, gầy, lùn, quá cao, mũi thấp, mắt một mí, tóc xoăn… Đặc biệt, nhiều người có các khiếm khuyết nghiêm trọng, chẳng hạn chân đi cà nhắc, mắt lệch, thiếu tay hay chân lại càng rơi vào nạn miệt thị ngoại hình nghiêm trọng hơn.
Những cụm từ, câu nói về ngoại hình được đánh giá là body shaming không mang tính chất góp ý, chia sẻ hay khuyên nhủ về việc người đó nên thay đổi, chăm sóc hơn cho bản thân mà mang tính công kích, hạ nhục và miệt thị một cách rõ ràng. Những người chuyên miệt thị ngoại hình người khác thường coi những hành vi của mình là niềm vui, cảm thấy vui sướng khi chỉ trích hay khiến người khác cảm thấy xấu hổ với khuyết điểm của chính mình.
Ngày nay, với sức lan tỏa rộng khắp của mạng xã hội, hành vi miệt thị ngoại hình không chỉ xảy ra trong trường, lớp mà còn được nhiều học sinh, sinh viên đưa hình ảnh của người khác lên nhóm rồi thản nhiên chê bai, bàn tán, chia sẻ qua MXH.
(Còn nữa)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-me-oi-cac-ban-che-con-beo-322326.html