Kỳ 1: Người dân điêu đứng khi 'mất trắng' vụ đào dịp Tết
LTS: Làng đào Nhật Tân, Phú Thượng và quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) là biểu tượng đặc trưng của mùa Tết Hà Nội. Năm nay, do ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 3 (Yagi), nước sông Hồng dâng cao khiến hơn 105 ha trồng đào của người dân quận Tây Hồ bị nhấn chìm trong biển nước, người dân có nguy cơ mất trắng. Cơn bão đi qua, lớp phù sa bồi đắp ven sông dần che phủ màu tan hoang, mất mát nhưng để hồi sinh những gốc đào, người dân làng nghề đang bắt đầu một hành trình mới... Từ số này, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận.
Hồi sinh làng hoa Tết Hà Nội sau mùa lũ
Hơn 20 ngày sau cơn bão lịch sử đổ bộ vào Hà Nội, làng đào Nhật Tân, Phú Thượng hiện nay giống như một đại lâm trường với những ngổn ngang về công tác tái sản xuất, gieo trồng vụ hoa mới.
Cơn lũ lịch sử gần như “xóa sổ” làng đào
Những gốc đào cách đây hơn nửa tháng còn bao phủ màu xanh tươi tốt nhưng giờ đây là hình ảnh cành cây khô khốc, trơ trụi lá. Một màu héo úa, tan hoang lan rộng cả một vùng ven cầu Nhật Tân. Nơi mà mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sắc đào đỏ thắm khoe sắc, lấp lánh hương Xuân cùng không khí nhộn nhịp của những thương lái đến đặt đào dịp cận Tết.
Thế nhưng, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão khiến mực nước sông Hồng dâng cao có thời điểm lệnh báo lũ vượt trên cấp độ 2, lũ tràn về nhấn chìm hoàn toàn vùng trồng đào phường Nhật Tân và Phú Thượng. Một màu trắng xóa, mênh mông, người trồng đào điêu đứng nhìn những gốc đào tuổi đời 20-30 năm bị thối rễ, cháy lá trước sự tàn phá khắc nghiệt của thiên tai. Do nước lũ dâng nhanh, rút chậm và kéo dài nhiều ngày nên những gốc đào vốn chịu nước kém khó có thể trồng mới.
Theo đánh giá của các hộ trồng đào Nhật Tân và Phú Thượng, đợt lũ vừa qua là đợt lũ lịch sử nhất kể từ năm 1996. Những ngày nước lũ về, các chủ vườn làng đào Nhật Tân và làng đào Phú Thượng đứng ngồi không yên nhìn dòng nước lũ dâng cao, nhanh và không thể xoay xở kịp. Thời điểm đó, các nhà vườn chỉ kịp di tản phần nào những cây đào chậu, vật dụng sản xuất tại các lều, máy bơm nước để tránh lũ. Lũ rút, người dân nhanh chóng xuống vườn chủ động tái sản xuất.
Ông Trịnh Văn Lâm (Tổ dân phố số 15, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chia sẻ, gia đình ông có hơn 1.000m2 trồng đào bị mất trắng hoàn toàn. Tiếc công, tiếc của, ông Trịnh Văn Lâm xót xa khi phải chặt hạ từng gốc đào chết rễ để tái sản xuất. Những gốc đào xanh tốt ngày nào, đã đủ ngày tháng chăm sóc chỉ chờ đến ngày tuốt lá, đơm nụ đợi mùa Tết thì sau cơn lũ lớn chỉ còn là những cành cây khô khốc, trơ trụi. Mỗi mùa Tết, vườn đào của gia đình ông Trịnh Văn Lâm đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng, năm nay thì mất trắng hoàn toàn.
Gia đình bà Mai Thị Vân (Tổ dân phố số 16, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) cũng có hơn 1.000m2, những gốc đào được trồng 16 năm qua phải chặt hạ, đốt củi để đưa máy ủi đất làm luống, chuẩn bị mùa vụ mới.
Vừa chặt cành đào, bà Mai Thị Vân rưng rưng nỗi niềm: “Khác với làng đào Nhật Tân nổi tiếng với đào phướn, đào chậu thì làng đào Phú Thượng người dân thường bán đào cành. Nhìn những gốc đào được trồng gần 20 năm bị chết rễ xót xa vô cùng. Bao công sức, tiền của trôi theo dòng nước lũ”.
Những thiệt hại nặng nề
Đợt lũ lịch sử vừa qua, làng đào Nhật Tân chịu thiệt hại nặng nề. Thống kê trên địa bàn quận Tây Hồ có 105 ha trồng đào bị ngập lụt, thiệt hại hơn 85 tỷ đồng. Riêng phường Nhật Tân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 80ha bị ngập úng.
Ghi nhận tại chủ vườn đào Dũng Thủy (phường Nhật Tân) của gia đình ông Hàn Trung Dũng, do nước lũ dâng lên quá nhanh, gia đình ông chỉ kịp chạy lũ số ít các cây đào chậu. Sau lũ, vườn đào rộng khoảng 2ha, chịu thiệt hại khoảng 70% cây trồng, số tiền ước tính khoảng 1 tỷ đồng.
Từ thông tin nước lũ dâng cao, nhiều chủ vườn Nhật Tân “đội mưa” huy động lực lượng di dời các gốc đào chậu nhằm tránh các thiệt hại. Tuy nhiên, đối với cây đào trồng dưới đất, người dân đành bất lực đứng nhìn, chỉ mong lũ rút nhanh để cứu vãn những gốc đào còn sót lại.
Chủ vườn Đào Nga của gia đình bà Đinh Thị Nga (phường Nhật Tân) chịu chung số phận. Vườn đào gia đình bà Đinh Thị Nga có 600 gốc đào gần như bị “xóa sổ” hoàn toàn sau cơn bão, ước tính thiệt hại gần 800 triệu đồng.
Theo số liệu tạm tính của làng đào Phú Thượng, hầu hết 90% các nhà vườn có nguy cơ mất trắng hoàn toàn. Số lượng cây đào còn sống, sót lại sau bão khó có thể khôi phục sớm. Tính toán của các hộ trồng đào trên địa bàn quận Tây Hồ, để có mùa hoa đào Tết phải mất 3-4 năm nữa, đây cũng là thử thách đối với những người sống bằng nghề trồng đào. Bao năm qua, mọi vốn liếng đổ dồn cho vườn đào thì giờ đây vườn đào bị ngập úng, mất trắng, thiệt hại khó có thể đo đếm được. Với tinh thần “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, vượt qua bão lũ, những hộ dân trồng đào bày tỏ quyết tâm sẽ vực dậy thương hiệu làng nghề trồng đào Hà Nội.
Lũ rút, theo chỉ đạo của chính quyền người dân khẩn trương công tác dọn dẹp, khắc phục ảnh hưởng của bão lũ để tổ chức canh tác lại cây ngắn ngày nhằm đảm bảo cuộc sống. Đứng trên cầu Nhật Tân hướng về ven sông nơi bạt ngàn những vườn đào khoe sắc đỏ trong những ngày cận Tết, chỉ còn lại màu vàng múa, trơ trụi. Sau lũ, hương phù sa đang dần che phủ những cánh đồng ven sông, một không khí tái sản xuất nhộn nhịp để đón đợi vụ mùa mới tốt tươi.
(Còn nữa)