Kỳ 1: Nhiều chợ đầu tư tiền tỷ đìu hiu

Tình trạng chợ truyền thống được đầu tư xây dựng quy mô lại thưa thớt tiểu thương đang ngày càng phổ biến tại nhiều tỉnh, thành ở miền Tây.

Trong khi đó, những chợ “chồm hổm” lại xuất hiện tràn lan, không chỉ gây mất vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Một góc chợ cổ Cần Thơ.

Một góc chợ cổ Cần Thơ.

CHỢ XÃ HỘI HÓA VẮNG TIỂU THƯƠNG

Chính sách phát triển chợ theo hình thức giao doanh nghiệp quản lý (còn gọi là xã hội hóa) với mong muốn xây dựng các chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra đây là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất và tiêu dùng. Từng là nơi nhộn nhịp buôn bán, nhiều chợ truyền thống tại miền Tây đã được xã hội hóa với hy vọng thu hút đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại: nhiều chợ chỉ còn là những gian hàng trống, thậm chí bỏ hoang.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số chợ tại các quận của TP.Cần Thơ được xã hội hóa thì về hạ tầng đã được đầu tư mới, nâng cấp theo tiêu chuẩn về phân loại chợ dựa trên các chợ đã được quy hoạch trước đây. Hiện tại, quận Ninh Kiều có tổng cộng 16 chợ, trong đó có 8 chợ do doanh nghiệp quản lý.

Một trong những chợ trên là chợ nhà lồng 2 - Trung tâm thương mại Cái Khế, đây là chợ hạng 2 do Công ty TNHH thương mại An Nghiệp Phát (thuộc Tập đoàn đầu tư Mekong) quản lý, khai thác từ năm 2010 với diện tích hơn 2.948m2dựa trên sửa chữa, xây dựng thêm trên nền chợ cũ trước đây. Chợ này ra đời với mục đích phát triển, nâng cấp thành trung tâm mua sắm, dịch vụ giải trí ăn uống. Sau nhiêu năm đầu tư và khai thác thì đến nay có khoảng 60% tiểu thương tại khu này đã bỏ trống lô thuê, số tiểu thương còn lại chỉ buôn bán cầm chừng, tình trạng xuống cấp về hạ tầng khiến nơi đây mất dần lợi thế của một chợ trung tâm.

Bà Thu Hương (69 tuổi, tiểu thương của chợ nhà lồng 2 – Trung tâm thương mại Cái Khế) chia sẻ: “Dù ế ẩm nhưng tôi vẫn mở cửa buôn bán với hy vọng kiếm được đồng nào hay đồng đó, bởi vốn liếng đã đổ vào hết cho lô sạp này, muốn tìm công việc khác cũng khó”.

Phần lớn tiểu thương nhà lồng 2 đều kinh doanh lâu năm, có kinh nghiệm. Thế nhưng họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trước và sau đại dịch Covid-19, vì sức mua giảm sút, doanh thu tụt dốc. Những khoản đầu tư ban đầu để có quyền kinh doanh tại các lô sạp cùng với chi phí duy trì hàng tháng trở thành gánh nặng của họ.

Tương tự, chợ Xuân Khánh (quận Ninh Kiều) và chợ An Thới (quận Bình Thủy) được UBND TP.Cần Thơ giao cho Công ty cổ phần đầu tư chợ Cửu Long đầu tư xây dựng, khai thác quản lý đã nhiều năm nay dựa trên chợ cũ. Đa số các tiểu thương tại 2 chợ này đều gắn bó lâu dài nhưng cũng gặp tình cảnh khó khăn tương tự. Hiện nay, chỉ còn các lô sạp tiếp giáp mặt đường hoạt động, tại tầng trệt và tầng 1 của chợ Xuân Khánh chỉ còn vài lô trụ lại. Xung quanh là các lô được khóa cửa suốt thời gian dài.

Bà Hằng (55 tuổi, tiểu thương của chợ Xuân Khánh) buồn bả nói: “Tôi buôn bán từ lúc mới ra trường cho đến nay, giờ vắng và ế khách lắm! Chợ thì xây các lô chỉ có 1,5m2, diện tích rất nhỏ đâu có thể trưng bày gì được. Nhìn thấy lô vậy chứ chỉ có vài chủ thuê thôi, một người thuê nhiều lô để làm kho chứa. Giờ tôi lớn tuổi rồi bán buôn cầm chừng cho khách quen mua chứ đâu có khách vãng lai”.

Tại chợ An Thới, có nhiều ki-ốt gỉ sét, tường nứt nham nhỡ, lối đi chất đầy hàng hóa, mạng nhện bám đầy xung quanh, không khí yên ắng.

Nhiều ki-ốt tại chợ nhà lồng 2 của Trung tâm thương mại Cái Khế cửa đóng then cài.

Nhiều ki-ốt tại chợ nhà lồng 2 của Trung tâm thương mại Cái Khế cửa đóng then cài.

CHỢ HOANG GIỮA LÒNG ĐÔ THỊ

Tại các tỉnh vùng ĐBSCL, việc nâng cấp, xây mới hệ thống điện, đường, trường và nhất là chợ nhằm phục vụ nhu cầu giao thương, mua sắm tại các khu dân cư mới là hết sức cần thiết trong sinh hoạt cũng như điều kiện nâng cao giá trị cho nhà đầu tư. Đối với cư dân thị thành, dù có sống trong đô thị sầm uất thì việc có một nơi để đi chợ cũng là một nét văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của họ. Thế nhưng nhiều khu chợ tiền tỷ được đầu tư khang trang rồi lâm cảnh hoang tàn, khiến người dân xót xa vì lãng phí.

Công trình chợ trung tâm H.Bình Đại (Bến Tre) được Sở Xây dựng tổ chức nghiệm thu và chính thức đưa vào sử dụng tháng 6/2022. Mặc dù nhà đầu tư đã hoàn thiện các hạng mục như san lấp mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện, nước, xây dựng vỉa hè và đường giao thông khá kỹ lưỡng, nhưng chợ vẫn không có tiểu thương đến buôn bán, dẫn đến sự hoang phế, xuống cấp. Kèm theo đó dự án chỉnh trang khu dân cư đô thị và chợ trung tâm H.Bình Đại cũng đang trong tình trạng hoang vắng, cỏ mọc um tùm. Nhiều hạng mục đã xây dựng hiện có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Chung số phận với chợ trung tâm H.Bình Đại là khu chợ Phường 4, TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Chợ mới Phường 4 thuộc khu tái định cư tập trung giai đoạn 2 của phường được đầu tư xây dựng với quy mô 160 lô, với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Chợ này được xây dựng với mục đích di dời chợ tự phát trên đường Lâm Thành Mậu về nơi tập trung được quy hoạch. Tuy nhiên gần 3 năm đã trôi qua vẫn trong tình trạng gần như bỏ hoang vì không có tiểu thương kinh doanh.

Chợ tự phát ven QL80 ở xã Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang)

Chợ tự phát ven QL80 ở xã Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang)

CHỢ TỰ PHÁT BỦA VÂY

Trong khi các khu chợ truyền thống đang trải qua giai đoạn chuyển mình khó khăn thì trái lại là cảnh tấp nập người buôn bán ven lề đường, gây ra nhiều vấn đề, nhất là trong duy trì trật tự an toàn giao thông.

Khoảng 5 giờ, tại chợ An Khánh (quận Ninh Kiều) chỉ còn ít tiểu thương hoạt động, trong khi khu vực bốn mặt giáp chợ đã ồn ào tiếng trao đổi qua lại của người mua, người bán. Ngay cổng chính của chợ, hàng loạt quán bán thực phẩm phục vụ ăn sáng của người dân với đủ loại món ăn hấp dẫn bày biện kín cả khu mặt tiền. Bên phải chợ là đường đi lại trở thành điểm buôn bán với đầy đủ các mặt hàng tươi sống (thịt cá, hải sản…). Đối diện là các quầy sạp của người dân có nhà mặt giáp đường buôn bán tấp nập không kém. Tại khu vực mặt sau và mặt bên trái chợ là các dãy nhà dân kèm tiểu thương bán trên vỉa hè với đầy đủ các mặt hàng đồ tiêu dùng, rau củ quả, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống… Đông đúc hơn là khu chợ tạm gần đó với đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của gia đình.

Chị N.T.T (36 tuổi, bán rau quả) cho biết: “Chợ này họp sớm lắm nên phải chuẩn bị đầy đủ để bán cho tới khoảng 10 giờ là thưa khách rồi! Ở đây gần chợ chính và vị trí thuận tiện trên đường nên cũng thuận lợi. Dù vậy cũng bị nhắc nhở di dời khỏi lòng đường đảm bảo an toàn giao thông nhưng cũng lén lút bán…”.

Nằm ở vị trí thuận lợi, chợ Tân An (quận Ninh Kiều) được xem như chợ trung tâm đầu mối chuyên cung cấp giá sỉ ngành nông - thủy sản. Ngoài khuôn viên trung tâm chợ, dọc tuyến đường là các điểm bán đầy đủ rau, củ, quả, thủy hải sản… san sát, hình thành từ nhiều năm nay. Đường sá xuống cấp, nước thải ứ đọng khắp nơi, sự lưu thông trở nên khó khăn.

Không buôn bán theo chợ hiện hữu, khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Ninh Kiều, cặp bờ kè Cái Khế) là chợ An Nghiệp cũ (hay còn gọi chợ Mít Nài). Mặc dù, chợ An Nghiệp đã bị giải tỏa khi mở đường xây bờ kè dọc bờ rạch Cái Khế nhưng hiện tại những nhà ven đường và nhiều người dân khác vẫn họp chợ tự phát trên vỉa hè nhộn nhịp như trước. Các loại nông sản, rau quả, thủy hải sản, hàng tiêu dùng thiết yếu được cung cấp tại chợ tạm này phong phú không khác gì một chợ truyền thống nằm trong quy hoạch.

Bà Nguyễn Thị Tám (72 tuổi) chia sẻ: “Tôi bán chợ này mấy chục năm rồi! Chợ ngày xưa nhỏ hẹp muốn vào chợ cũng khó khăn. Được cái xưa bán đông khách lắm! Từ ngày giải tỏa chợ tuy đường sá đẹp hơn trước, rộng hơn nhưng bán chậm lại. Chỗ tôi bán bị giải tỏa nên tận dụng bán cho khách quen…”.

Nhiều người cho rằng các quầy hàng vỉa hè thường có giá rẻ hơn so với bên trong chợ do không phải chịu các chi phí như thuê mặt bằng, phí dịch vụ hay các loại thuế. Điều này tạo ra một tâm lý “giá rẻ, mua ngay” ở nhiều khách hàng, khiến họ ưu tiên chọn mua tại các điểm bán lấn chiếm vỉa hè.

(Còn tiếp...)

Nguyễn Nhân - Trọng Nguyễn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/ky-1-nhieu-cho-dau-tu-tien-ty-diu-hiu_166989.html