Kỳ 1: Nhiều đề tài KH&CN phát huy hiệu quả tích cực

Thời gian qua, nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ (KH&CN) đã được tỉnh Bắc Kạn triển khai, áp dụng vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp ở các địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn xây dựng kế hoạch của Bộ KH&CN và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở KH&CN thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất, đặt hàng các đề tài, dự án KH&CN, trong đó định hướng một số nội dung cần tập trung thuộc các lĩnh vực và yêu cầu việc đề xuất, đặt hàng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

 Kiểm tra mô hình phục tráng giống lúa nếp Tài tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể.

Kiểm tra mô hình phục tráng giống lúa nếp Tài tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể.

Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2017 đến nay, đối với đề tài, dự án cấp tỉnh có tổng số 508 đề xuất, đặt hàng (trong đó, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đề xuất, đặt hàng 207 đề tài, dự án; các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh đề xuất, đặt hàng 301 đề tài, dự án). Trong tổng số 508 đề tài, dự án cấp tỉnh do các tổ chức, cá nhân đề xuất, đặt hàng, có 72 đề tài, dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục và có 60 đề tài, dự án đã được triển khai. Số đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh được lựa chọn ít so với số đăng ký đặt hàng, do nguồn kinh phí không đáp ứng, phải ưu tiên lựa chọn những đề tài, dự án thật sự cần thiết để bảo đảm tổ chức thực hiện.

 Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Dự án "Ứng dụng KH&CN sản xuất cây lê" tại thôn Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể).

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Dự án "Ứng dụng KH&CN sản xuất cây lê" tại thôn Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể).

Thực tế, phần lớn các đề tài, dự án được triển khai tại các địa phương đã đem lại hiệu quả tích cực, từng bước mang lại giá trị kinh tế. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng kết quả đề tài, dự án KH&CN vào sản xuất đã mang lại hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Lê địa phương và lê VH6 qua trồng thử nghiệm ở thôn Nà Pài, xã Yến Dương cho thấy cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Lê địa phương và lê VH6 qua trồng thử nghiệm ở thôn Nà Pài, xã Yến Dương cho thấy cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

 Anh Triệu Hữu Thành ở thôn Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể) thu hoạch quả lê.

Anh Triệu Hữu Thành ở thôn Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể) thu hoạch quả lê.

Năm 2024 cũng là năm thứ 2 gia đình anh Triệu Hữu Thành ở thôn Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể) được thu hoạch và có thu nhập từ cây lê sau 6 năm trồng và chăm sóc theo mô hình của Dự án khoa học “Ứng dụng KH&CN sản xuất lê tại Bắc Kạn” được triển khai thực hiện từ tháng 1/2017 - 12/2021. Anh Triệu Hữu Thành cho biết, gia đình thực hiện mô hình với diện tích 0,6ha, trồng được 160 cây lê địa phương và lê VH6.

Quá trình thực hiện, gia đình anh Thành luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật được chuyển giao nên cây phát triển tốt. Năm 2022, cây lê bắt đầu ra hoa, bói quả nhưng được ngắt bỏ để dưỡng cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Năm 2023, cây lê cho quả nhiều hơn, quả to, ngọt, mọng nước và gia đình có thu nhập bước đầu từ cây trồng này. Tới năm 2024, gia đình được thu hoạch và xuất bán ra thị trường 300kg quả lê, đem lại một khoản thu nhập khá.

Trong phạm vi dự án, mô hình trồng lê tại xã Yến Dương được thực hiện tại thôn Nà Pài với 08 hộ tham gia, diện tích thực hiện 3,8ha. Quá trình thực hiện, các hộ dân được hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thâm canh cây lê, cách phòng trừ sâu bệnh, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, tất cả các hộ đều có thu nhập ổn định từ cây trồng này, góp phần nâng cao đời sống.

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã và đang triển khai 17 đề tài, dự án KH&CN. Là một trong các hộ tham gia dự án "Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu theo chuỗi giá trị tại Bắc Kạn", anh Nguyễn Tiến Thới ở thôn Nà Lại, xã Đại Sảo cho biết, củ cây hoài sơn được tiêu thụ khá tốt. Vì thế, với kiến thức, kinh nghiệm đã có, dù không còn được hỗ trợ nhưng gia đình vẫn duy trì một phần diện tích.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Chợ Đồn cho biết: Từ quá trình thực hiện các đề tài, dự án KH&CN, hằng năm, UBND huyện đều chỉ đạo tổ chức duy trì, nhân rộng kết quả các nhiệm vụ KH&CN đã được nghiệm thu. Thực tế, đã có nhiều đề tài, dự án được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả thiết thực, như: Dự án "Ứng dụng KHCN tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc"; Dự án "Nghiên cứu đặc điểm sinh học và kỹ thuật gây trồng chè hoa vàng (Camellia spp) tại tỉnh Bắc Kạn"; Dự án "Phát triển sản xuất một số cây trồng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ tại huyện Chợ Đồn"…

 Dù không còn trong thời gian được hỗ trợ theo dự án, nhưng gia đình anh Nguyễn Tiến Thới ở thôn Nà Lại, xã Đại Sảo (Chợ Đồn) vẫn duy trì trồng hoài sơn do được tiêu thụ khá tốt.

Dù không còn trong thời gian được hỗ trợ theo dự án, nhưng gia đình anh Nguyễn Tiến Thới ở thôn Nà Lại, xã Đại Sảo (Chợ Đồn) vẫn duy trì trồng hoài sơn do được tiêu thụ khá tốt.

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND TP. Bắc Kạn, trong số 08 đề tài, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn, có 03 đề tài, dự án đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; 01 đề tài nghiên cứu chỉ dừng ở mức khuyến cáo, tham khảo, chưa tổ chức ứng dụng, nhân rộng; 01 đề tài không có tính chất đánh giá về hiệu quả kinh tế (xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị) và 03 đề tài, dự án do mới nhận bàn giao, chưa nhân rộng. Qua việc ứng dụng, nhân rộng các đề tài, dự án đã xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, tạo thành hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân (sản xuất rau công nghệ cao, trồng cây mơ vàng).

Qua thực tế triển khai các đề tài, dự án KH&CN trên phạm vi toàn tỉnh cho thấy, việc ứng dụng, nhân rộng các đề tài đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số sản phẩm của tỉnh đã trở thành hàng hóa, có thương hiệu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (như: Quýt, hồng không hạt, miến dong…); một số sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu tập thể (Gạo Bao thai Chợ Đồn; Gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn; Chè Shan tuyết Bằng Phúc huyện Chợ Đồn).

Việc ứng dụng, nhân rộng một số đề tài, dự án KH&CN thời gian qua đã từng bước mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường (cây thuốc lá, bí thơm, dong riềng, gạo nếp Khẩu nua lếch, mơ vàng, lê…). Điều này không chỉ góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./. (Còn nữa)

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ky-1-nhieu-de-tai-khcn-phat-huy-hieu-qua-tich-cuc-post65544.html