Kỳ 1: Quảng Bình: Ẩn họa từ 'điểm đen' đường ngang cắt qua đường sắt

Tại Quảng Bình có hàng trăm đường ngang dân sinh, lối đi tự mở cắt ngang đường sắt luôn là mối hiểm họa rình rập người dân. Tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu người và phương tiện tham gia giao thông thiếu quan sát khi tàu chạy qua.

Những vụ tai nạn không đáng có

Vào khoảng 7 giờ 30 ngày 11/3/2023, tại khu vực đường ngang dân sinh thuộc thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, người dân địa phương phát hiện ông Phan Văn Kh. (SN 1966) trú tại thôn Phúc Tự Tây, xã Đại Trạch điều khiển xe máy BKS 73F1-016.67 đi từ hướng Quốc lộ 1A qua đường. Do thiếu chú ý quan sát, xe ông Kh. đã va chạm với tàu SE1, chạy theo hướng Bắc-Nam. Vụ va chạm đã khiến ông Kh. tử vong tại chỗ, xe máy bị tàu hỏa kéo văng ra hơn 100m.

 Ngày 11/3/2023, tại khu vực đường ngang ở thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch xảy ra vụ tai nạn khiến ông Phan Văn Kh. tử vong tại chỗ

Ngày 11/3/2023, tại khu vực đường ngang ở thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch xảy ra vụ tai nạn khiến ông Phan Văn Kh. tử vong tại chỗ

Theo lãnh đạo UBND xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, ông Kh. và một số người dân có ruộng nằm phía đường đối diện nên thường xuyên phải băng cắt qua khu vực đường sắt để đi ra ruộng. Trước mắt, chính quyền địa phương đã khuyến cáo đến người dân cẩn thận, tập trung quan sát khi đi qua khu vực này, bởi đoạn đường ngang dân sinh tại thôn Phúc Tự Đông, nơi xảy ra vụ tai nạn không có gác chắn.

Trước đó, vào khoảng 8 giờ 45 ngày 12/2/2022, trên tuyến đường sắt Bắc- Nam, đoạn qua địa phận thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Xe ô tô mang BKS 43A-244.77 do anh Trần Đình Chiến (SN 1957, trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cầm lái. Trong lúc băng qua đường sắt do thiếu quan sát nên xe đã va chạm với tàu hàng số hiệu VNR D18E-606 chạy hướng Nam - Bắc. Tàu hỏa tông mạnh khiến ô tô con bị kéo lê hàng chục mét, biến dạng và bẹp dúm. Tài xế xe con bị thương ở phần đầu, phải đưa đi cấp cứu. Được biết, vị trí xảy ra vụ tai nạn này là khu vực trước đây cũng hay xảy ra tai nạn tàu do phương tiện vượt ẩu qua đường sắt.

 Xe ô tô băng qua đường sắt thiếu quan sát, bị tàu hỏa tông bẹp dúm, kéo đi hàng chục mét ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa,

Xe ô tô băng qua đường sắt thiếu quan sát, bị tàu hỏa tông bẹp dúm, kéo đi hàng chục mét ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa,

Mặc dù dư luận những năm qua đã nhiều lần phản ánh, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Quảng Bình cũng đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhưng những vụ tai nạn giao thông đường sắt không đáng có vẫn xảy ra. Qua 2 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, gây thương vong về người nói trên, một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trong thời gian tới.

Nguy hiểm luôn rình rập với lối đi tự mở

Theo đánh giá, phần lớn các vụ tai nạn đường sắt là do các lối đi tự mở. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở điểm giao cắt đường bộ - đường sắt, ở các lối đi người dân tự mở băng qua đường ray tại những nơi không gác chắn. Nhiều con đường băng qua đường sắt ban đầu là đường tự mở, lâu ngày trở thành lối đi học, đi làm chính của cư dân gần đó...

Theo Ban ATGT tỉnh Quảng Bình, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 6 người, bị thương 1 người. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 174,5 km đường sắt Bắc – Nam đi qua, ở các huyện Tuyên Hóa, TX Ba Đồn, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Trong đó trên toàn tuyến hiện có 217 đường ngang băng qua đường sắt. Tuy nhiên, chỉ có 75 đường ngang hợp pháp (có gác chắn và người gác), 142 lối đi là do bà con tự mở. Trong đó nhiều nhất là ở huyện Tuyên Hóa với khoảng 82 lối đi tự mở phân bổ nhiều ở xã Kim Hóa, thị trấn Đồng Lê, Sơn Hóa. Do đó, nguy cơ xảy ra tai nạn từ những lối đi này luôn hiện hữu. Ngành đường sắt cũng như chính quyền địa phương từng rào chắn lại, xử lý những lối đi này và cảnh báo nguy hiểm... nhưng các biện pháp này dường như không mang lại hiệu quả lâu dài. Với suy nghĩ đơn giản, chỉ vì thuận tiện cho việc đi lại, người dân cố tình không chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông đường sắt, thậm chí tự tiện phá bỏ hệ thống rào chắn, cột giới hạn an toàn đã được xây dựng để “đi tắt đón đầu” mà coi nhẹ tính mạng con người.

 Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra ở điểm giao cắt đường bộ - đường sắt, ở các lối đi người dân tự mở băng qua đường ray tại những nơi không gác chắn

Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra ở điểm giao cắt đường bộ - đường sắt, ở các lối đi người dân tự mở băng qua đường ray tại những nơi không gác chắn

Anh Phan Văn Nam ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho biết: Trên địa bàn đang có nhiều lối đi tự mở qua đường sắt, đường ngang do người dân tự ý tháo dỡ rào chắn phòng vệ. Nhiều đường ngang không có hệ thống đèn, tín hiệu cảnh báo, người gác... là những nguyên nhân luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt. Nhiều đường ngang dân sinh đã trở thành những "điểm đen" về tai nạn giao thông.

Ngoài ý thức của người dân, công tác quản lý cũng như hoạt động tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế; Vấn đề quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng phát sinh đường ngang trái phép, tồn tại các đường ngang không có tín hiệu, không có gác chắn... Đặc biệt, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các lối đi tự mở qua đường sắt hiện nay còn bất cập khiến nguy cơ tai nạn tại các vị trí giao nhau giữa đường sắt với đường bộ vẫn xảy ra.

Do đó, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị chức năng, thì điều quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông qua những điểm giao cắt với đường sắt. Chừng nào người dân vẫn còn chưa chủ động trong việc phòng tránh tai nạn giao thông, cố tình tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật như: Tự ý mở lối đi dân sinh; lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để xây dựng công trình, tụ tập buôn bán, đổ rác thải bừa bãi… thì ẩn họa tai nạn giao thông vẫn sẽ tiếp tục thường trực.

 Chỉ vì thuận tiện cho việc đi lại, người dân không chấp hành quy định pháp luật về ATGT đường sắt để “đi tắt đón đầu”, mà coi nhẹ tính mạng con người.

Chỉ vì thuận tiện cho việc đi lại, người dân không chấp hành quy định pháp luật về ATGT đường sắt để “đi tắt đón đầu”, mà coi nhẹ tính mạng con người.

Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT giữa đường sắt với các phương tiện đường bộ, nhưng tập trung chủ yếu vào ba nguyên nhân sau: Thứ nhất, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều bất cập: Có quá nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt diễn ra phổ biến; Thứ hai, ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt chưa được thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Thứ ba, các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, sự phối giữa các cơ quan liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt chưa thường xuyên, liên tục.

Qua phân tích của các các lực lượng chức năng trong các vụ TNGT đường sắt đã xảy ra tại các địa phương trong nhiều năm qua, ông Lê Văn Thủy, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Bình cho rằng, địa phương nào quan tâm chỉ đạo tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT trên các đường ngang như: Xóa bỏ các đường ngang bất hợp pháp, tổ chức cảnh giới tại các đường ngang không có người gác nhưng có mật độ tham gia giao thông cao, nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn thì TNGT đường sắt giảm sâu. “Công bằng mà nói rằng, nếu địa phương không làm tốt, không tổng hòa được các yếu tố để làm giảm nguy cơ TNGT thì không bao giờ có chuyện tình hình TNGT sẽ giảm", ông Thủy chia sẻ thêm.

Hiện nay, ngành đường sắt đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tổ chức thu hẹp các lối đi tự mở, cắm biển chú ý tàu hòa tại 142/142 lối đi tự mở. Kết quả là đã giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra, ngành đường sắt năm 2019 đã bàn giao lối đi tự mở cho địa phương quản lý theo nghị định 56/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trần Phong

Kỳ 2: Đồng bộ giải pháp hạn chế tai nạn giao thông đường sắt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-1-quang-binh-an-hoa-tu-diem-den-duong-ngang-cat-qua-duong-sat-post257920.html