Kỳ 1: Sáng kiến mô hình 'Đổi rác lấy quà'

Thực hiện chủ trương, kế hoạch của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện mô hình 'Quản lý, phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn năm 2024', thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị quận Hoàn Kiếm đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm (Urenco Hoàn Kiếm) tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận, tự giác thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đặc biệt là sáng kiến mô hình 'Đổi rác lấy quà' được người dân tích cực ủng hộ tham gia.

Hà Nội quyết tâm trên mặt trận phân loại rác tại nguồn

LTS: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề thách thức của các đô thị lớn. Ước tính, Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, đứng thứ hai cả nước sau TP Hồ Chí Minh. Là địa phương đi đầu trong việc phân loại rác tại nguồn, từ ngày 1/6/2024, Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn đến 23 phường thuộc 5 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm). Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường. Sau thời gian thí điểm đã nhận được sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của người dân, là tiền đề phân loại rác mở rộng đồng loạt trên địa bàn TP Hà Nội.

Người dân tích cực hưởng ứng mô hình “Đổi rác, lấy quà” tại điểm tập kết phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Trịnh Thanh Phi

Người dân tích cực hưởng ứng mô hình “Đổi rác, lấy quà” tại điểm tập kết phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Trịnh Thanh Phi

Hiệu quả ngày đầu triển khai

Từ ngày 1/7/2024, thực hiện theo Phương án phân loại chất thải rắn sinh hoạt số 981/PA-UBND ngày 30/5/2024 của UBND quận Hoàn Kiếm, 18/18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tổ chức ra quân tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Ghi nhận từ 8h sáng thứ 7 (ngày 6/7/2024), tại điểm thu gom rác thải hè phố Phùng Hưng (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một số hộ dân sinh sống trên địa bàn các tuyến phố Cửa Đông, Đường Thành, Nguyễn Văn Tố, Lý Nam Đế phấn khởi đem rác tái chế đến đổi quà.

Cách đó ít ngày, người dân trên địa bàn phường Cửa Đông được các cán bộ Tổ trưởng tổ dân phố đến tận nhà hướng dẫn, tuyên truyền về phân loại bỏ rác sinh hoạt và chất thải rắn sinh hoạt từ ngày 1/7/2024 cùng ký bản cam kết thực hiện. Với trách nhiệm công dân, ủng hộ chủ trương của quận Hoàn Kiếm nói riêng và TP Hà Nội nói chung, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, người dân tích cực hưởng ứng trong ngày đầu thí điểm “Đổi rác, lấy quà”.

Đến 10h, hàng chục túi rác tái chế được sắp xếp gọn gàng tại điểm tập kết phố Phùng Hưng. Theo kết quả tổng hợp của Urenco Hoàn Kiếm, về rác tái chế, phường Cửa Đông có 11 hộ tham gia đổi được 50kg, phường Hàng Gai có 30 hộ tham gia đổi được 600kg các loại. Kết quả tích thể hiện sự quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các cấp hội, đoàn thể, đưa công tác tuyên truyền phân loại rác là vấn đề trọng tâm tuyên truyền.

Từ ngày 1/7/2024, Hội Phụ nữ phường Hàng Gai đã phát động đợt thi đua hưởng ứng phân loại rác tại nguồn, đổi rác lấy quà, các chi hội phụ nữ đăng ký thi đua có số hội viên tham gia đông, hiệu quả cao.

Công nhân Công ty Urenco – Chi nhánh Hoàn Kiếm chuẩn bị gian hàng quà để đổi rác. Ảnh: Trịnh Thanh Phi

Công nhân Công ty Urenco – Chi nhánh Hoàn Kiếm chuẩn bị gian hàng quà để đổi rác. Ảnh: Trịnh Thanh Phi

“Xóa sổ” nạn vứt trộm rác thải cồng kềnh

Đối với loại rác thải cồng kềnh, giường, nệm, đệm, sa lon, ghế sopha… từng là bài toán nan giải của người dân tại các đô thị lớn thì đến nay đã có lời giải. Theo phương án phân loại chất thải rắn sinh hoạt số 981/PA-UBND ngày 30/5/2024 của UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – chi nhánh Hoàn Kiếm đã thống nhất với UBND 18 phường bố trí các điểm thu gom rác thải cồng kềnh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Urenco Hoàn Kiếm) vào sáng thứ 7 hàng tuần.

Cụ thể, trong ngày thứ 7 (ngày 6/7/2024), Urenco Hoàn Kiếm đã bố trí 15 điểm thu gom rác thải cồng kềnh từ 7h – 10h sáng, sau đó Urenco Hoàn Kiếm sẽ bố trí xe chuyên trách đi thu tại các điểm trên.

Trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện, tại một số điểm đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của người dân. Nhiều người dân đã mang rác thải cồng kềnh như: sofa, ghế, tủ… bỏ tại các điểm thu gom. Với hai hình thức tiếp nhận miễn phí hoặc phí dịch vụ theo thỏa thuận, ghi nhận thực tế, trong ngày 6/7 đã có 11 hộ dân thỏa thuận phí dịch vụ với nhân viên vệ sinh môi trường, tiếp nhận 10m3 vật dụng phế thải, trong đó phường Cửa Đông có 6 hộ với khối lượng 5m3 và hai phường Hàng Bồ, Hàng Gai có 5 hộ, tiếp nhận 5m3.

Chất thải cồng kềnh được công nhân vệ sinh môi trường tiếp nhận miễn phí ngày thứ 7 hàng tuần tại điểm tập kết phố Phùng Hưng. Ảnh: Ảnh: Trịnh Thanh Phi

Chất thải cồng kềnh được công nhân vệ sinh môi trường tiếp nhận miễn phí ngày thứ 7 hàng tuần tại điểm tập kết phố Phùng Hưng. Ảnh: Ảnh: Trịnh Thanh Phi

Hình thức thu chuyển phế thải cồng kềnh với phí dịch vụ thỏa thuận này được người dân ủng hộ vì mang tính chất công khai, minh bạch. Cùng với đó, “xóa sổ” hình thức xả trộm rác từng là nỗi ám ảnh của công nhân vệ sinh môi trường, gây mất mỹ quan đường phố.

Công nhân Nguyễn Thị Huê, Tổ trưởng Tổ 6 thu gom rác chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm đánh giá, ngày đầu thực hiện mô hình “Đổi rác, lấy quà” nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân. Đặc biệt việc tiếp nhận rác thải cồng kềnh mang lại thuận tiện cho người dân và được đánh giá cao.

Theo quy định, chất thải được phân thành 4 nhóm: chất thải có khả năng tái chế; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy cơ và chất thải sinh hoạt còn lại. Việc đẩy mạnh mô hình thu gom rác thải cồng kềnh nằm trong kế hoạch triển khai phương án quản lý, phân loại thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 18 phường của quận Hoàn Kiếm năm 2024.

Thời gian đầu triển khai, người dân đã chủ động phân loại rác, trong đó tập kết rác thải cồng kềnh theo hướng dẫn của UBND quận Hoàn Kiếm và Công ty Urenco – Chi nhánh Hoàn Kiếm, nhiều hộ gia đình chủ động mang rác thải tới nơi quy định, hoặc thỏa thuận với bộ phận phụ trách, lực lượng thu gom để đưa rác tới nơi tập kết.

(Còn nữa)

Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương phải phân loại rác tại nguồn. Công nhân môi trường sẽ từ chối thu gom rác không phân loại. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt 500.000 – 1.000.000 đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cơ sở, thí điểm phân loại rác tại nguồn sẽ đạt thành công, hướng tới thực hiện Đề án “Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn đồng loạt trên toàn TP trong năm 2026.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-sang-kien-mo-hinh-doi-rac-lay-qua-387460.html