Kỳ 2: Các mô hình an toàn PCCC tại cơ sở được nhân rộng và phát huy hiệu quả
Mùa hè nắng nóng, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất lớn. Trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), yếu tố quan trọng là mỗi người dân phải có ý thức, kiến thức, kỹ năng trước mọi tình huống cháy nổ. Việc triển khai các mô hình PCCC ở cơ sở là biện pháp thiết thực, đã và đang phát huy hiệu quả, tích cực vai trò của người dân trong công tác PCCC và CNCH.
Trang bị kỹ năng cho người dân từ những mô hình phòng cháy tại cơ sở
Huy động sức mạnh của toàn dân trong PCCC
Theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể; đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết. Do vậy, các đơn vị phải huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và Nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Với phương châm “4 tại chỗ”, nhiều mô hình an toàn PCCC trong khu dân cư trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đảm bảo an toàn cháy nổ ngay tại cơ sở, đặc biệt trong thời điểm mùa nắng nóng đang đến gần.
Phường Thanh Xuân Nam hiện có 16 mô hình Tổ liên gia PCCC và 62 Điểm chữa cháy công cộng, có 10 đội dân phòng về PCCC tại các tổ dân phố đang hoạt động rất hiệu quả. Công an phường thường xuyên kiểm tra, rà soát phối hợp với hệ thống chính trị các khu dân cư, tổ dân phố tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân thực hiện ngay việc cắt, mở các ô thoát nạn tại khu vực làm “chuồng cọp”…
Ông Nguyễn Hoàng Điệp – Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam cho biết, công tác PCCC và CNCH cần được chú trọng triển khai quyết liệt hơn nữa. Lực lượng công an tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, chủ động, tích cực tham mưu cho UBND phường các nội dung liên quan đến công tác PCCC và CNCH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH để nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ cho người dân… Nhân rộng mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư.
Tại phường Thanh Xuân Trung, là phường có nhiều ngõ sâu, nhỏ hẹp, tập trung nhiều cơ sở, dịch vụ, nhà ở kết hợp kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp với UBND phường Thanh Xuân Trung triển khai nhiều mô hình an toàn PCCC.
Trong đó, tổ dân phố số 5 có 12 Điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu và 4 Tổ liên gia PCCC, được trang bị đầy đủ đầy đủ các thiết bị PCCC và CNCH, bộ sơ cấp cứu ban đầu; 100% các hộ dân đều có bình chữa cháy trong nhà. Tổ dân phố số 11 mô hình Khu dân cư an toàn về PCCC được xây dựng và duy trì, người dân thường xuyên được tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật PCCC, kỹ năng thoát nạn…, đội dân phòng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và được cấp “Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC”. Do đó, mô hình này đã phát huy sức mạnh tại chỗ của người dân, cán bộ và công an cơ sở.
Theo Trung tá Vũ Văn Quân – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân, hiện quận có 375 tổ liên gia an toàn PCCC, 1.176 Điểm chữa cháy công cộng và mô hình Khu dân cư an toàn PCCC. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các phường, tổ dân phố để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn quận.
Các mô hình an toàn PCCC được nhân rộng và phát huy hiệu quả
Quận Hoàng Mai, Hà Nội có 14 phường, hiện có 74.414 hộ gia đình, 5.659 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh. Đến nay, quận đã thành lập được hàng trăm Tổ liên gia an toàn PCCC và nhiều Điểm chữa cháy công cộng với tiêu chí đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”.
Các hộ dân ở Tổ liên gia an toàn PCCC, ngoài việc được lực lượng chức năng tập huấn đầy đủ kỹ năng PCCC, còn tự mua sắm đầy đủ các thiết bị chữa cháy. Khi nhà nào có cháy lập tức gõ kẻng cho các hộ dân trong khu vực được biết để cùng nhau chữa cháy. Tại các Điểm chữa cháy công cộng được trang bị thiết bị chữa cháy, cứu nạn hiện đại. Khi xảy ra cháy nổ, từ kinh nghiệm đã được tập huấn, người dân có thể sơ tán các thành viên gặp nạn, rồi cùng nhau khống chế đám cháy.
Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội là một trong những địa bàn phức tạp, có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, bởi nhiều hộ kinh doanh các sản phẩm dễ cháy, nổ. Mô hình Tổ liên gia PCCC được thành lập thí điểm ở tổ dân phố phố Huyện và nay trở thành điểm sáng trong PCCC ở Quốc Oai.
Theo lãnh đạo Công an thị trấn Quốc Oai, mô hình Tổ liên gia PCCC gồm 10 hộ gia đình đều có chứng chỉ PCCC, lắp chung hệ thống chuông báo cháy. Tủ trung tâm sẽ đặt ở một hộ chính, các hộ còn lại mỗi nhà đều có chuông trong, chuông ngoài, đều được trang bị 2 bình chữa cháy, 1 dụng cụ thô sơ.
Các thành viên sẽ thực hiện việc đảm bảo công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thành viên, gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện tốt các quy định về lĩnh vực PCCC; tham gia các buổi tập huấn, diễn tập phương án PCCC và CNCH do cấp có thẩm quyền tổ chức. Mô hình này được người dân hưởng ứng nhiệt tình, tự nguyện đóng góp chi phí triển khai và mang lại hiệu quả cao.
(Còn nữa)