Kỳ 2: Cấm thuốc lá làm nóng có đem lại lợi ích cho người hút thuốc?

Theo các chuyên gia, nếu đề xuất cấm thuốc lá làm nóng được thông qua, điều tất yếu thị trường chợ đen sẽ phát triển với nhiều biến tướng khôn lường.

Trong Kỳ 1 Thuốc lá làm nóng: Định nghĩa và sự phổ biến toàn cầu được đăng tải ngày 19/8, Người Đưa Tin đã chỉ ra khái niệm về thuốc lá làm nóng đồng thời nói xu hướng dịch chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng trên toàn cầu hiện nay.

Nhiều năm gần đây, tranh luận giữa các bộ ngành về đề xuất quản lý hay cấm thuốc lá làm nóng (TLLN) và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) vẫn chưa đến hồi kết.

Theo các chuyên gia, đề xuất cấm này hiện đang chưa cân nhắc đến những người đang hút thuốc lá hiện nay. Do vậy, nếu đề xuất được thông qua, điều tất yếu thị trường chợ đen sẽ phát triển với nhiều biến tướng khôn lường.

Biết rõ nguy cơ từ hàng lậu nhưng vẫn xài

Gần 10 năm qua, TLLN và các sản phẩm TLTHM khác giao dịch và lưu hành công khai trong nước thông qua nguồn hàng xách tay, nhập lậu. Nếu thuốc lá điếu phải tuân thủ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) thì TLTHM "hiển nhiên" quảng cáo trên mạng đến với người dùng.

Việc mua bán được xây dựng dựa trên "niềm tin" và kiến thức tự có của người dùng thay cho các nhãn mác bảo chứng nguồn gốc, xuất xứ, kiểm nghiệm từ các cơ quan chức năng như các sản phẩm thuốc lá khác.

Là người dùng TLLN lâu năm, N.Đ.T (40 tuổi, Quận 1, TP.HCM) chia sẻ, dù TLLN chưa được nhà nước cho phép nhưng anh dễ dàng mua từ các chợ thuốc lá, mạng xã hội, hàng xách tay, hoặc nhờ người quen ở nước ngoài mang về. Mỗi tháng anh T. chi khoảng 2,5 – 3 triệu đồng cho sản phẩm này.

Tuy nhiên, vì là hàng không chính ngạch nên theo anh T cho biết, vấn đề dễ gặp phải là TLLN lậu có thể bị cũ, ẩm mốc. Lí do phần lớn từ việc người bán phải giấu thuốc kín ở nhiều nơi không đủ tiêu chuẩn bảo quản. Anh đã từng mua phải thuốc ẩm mốc và bị viêm họng nhiều ngày chỉ sau vài lần hút.

Gần 10 năm qua, TLLN và các sản phẩm TLTHM khác giao dịch và lưu hành công khai trong nước thông qua nguồn hàng xách tay, nhập lậu.

Gần 10 năm qua, TLLN và các sản phẩm TLTHM khác giao dịch và lưu hành công khai trong nước thông qua nguồn hàng xách tay, nhập lậu.

Mặc dù vậy, anh T. vẫn quyết định chuyển đổi từ thuốc lá đi sang TLLN, bất chấp giá cả, độ khan hiếm, và nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Theo anh T. "xài xong TLLN rồi không thể chịu nổi mùi thuốc lá điếu khi quay lại".

Chưa tính đến dấu hiệu ho giảm đáng kể sau khi chuyển đổi, chỉ riêng độ "sạch sẽ" và không gây khó chịu cho người xung quanh, anh T. cho biết khi sử dụng TLLN giải quyết được các vấn đề trên so với khi hút thuốc lá điếu.

Về đề xuất cấm TLLN anh T. cho biết đối tượng sử dụng các sản phẩm này thuộc nhóm "có điều kiện" do vậy họ sẽ không thiếu nguồn cung. Nên theo anh T., dù có cấm thì thị trường vẫn sẽ có kẻ hở để phát triển.

Đồng tình với quan điểm trên, anh H.D. (35 tuổi, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Trước nay TLLN ở Việt Nam vẫn là hàng lậu, theo lý vẫn như là cấm. Cho nên nếu có cấm thật thì tôi vẫn có thể mua từ nước ngoài về và dùng bình thường như hiện nay."

Khi được hỏi về khả năng biến tướng của TLLN như thêm phụ gia, chất cấm tương tự trường hợp của thuốc lá điện tử (TLĐT), anh D. bác bỏ, "việc này gần như không xảy ra". Theo lý giải của anh, điếu thuốc đặc chế của TLLN cũng cần được giữ khô ráo giống như điếu thuốc truyền thống, vì giống nhau ở nguyên liệu thuốc lá.

Thuốc sẽ dễ mốc, hư hỏng ngay nếu có bơm, tẩm dung dịch hay chất bột vào, thậm chí là không dùng được với thiết bị điện tử đi kèm.

Chưa kể 1 gói TLLN có giá hơn 100.000 đồng, nên nếu muốn biến tướng sử dụng thì chọn cái gì rẻ, dễ xài hơn. "Nếu muốn sử dụng thuốc lá chứa ma túy, chất cấm trá hình, có lẽ người ta sẽ dùng thuốc lá điếu truyền thống cho rẻ, chứ không cần dùng tới TLLN này vì giá cao mà còn có khả năng thiết bị sẽ không hoạt động vì điếu thuốc quá ẩm," anh D. chia sẻ thêm.

Tư duy "quản không được thì cấm": Rào cản thay đổi hành vi hút thuốc

Vấn đề quản lý TLLN và các sản phẩm TLTHM khác không phải được nêu lên gần đây. Theo đó, việc thảo luận giữa các bộ ngành đã diễn ra gần 10 năm nay kể từ chỉ đạo lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ năm 2017.

Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng đề xuất cấm các sản phẩm này khi cho rằng đây đều là những sản phẩm gây hại, nhưng còn hàm lượng bao nhiêu so với thuốc lá điếu là một chính sách khiêng cưỡng.

Bởi nếu lấy giới trẻ làm trung tâm của mọi chính sách cũng như xác định sản phẩm nào gây hại đều cần phải cấm thì ngoài TLTHM còn có thức ăn nhanh, nước ngọt, bánh kẹo, đường, bột, v.v. Do vậy, nếu chỉ dùng định tính "gây hại" làm cơ sở để cấm TLLN và các sản phẩm TLTHM khác là chưa toàn diện, và có phần chủ quan.

Ngày 1/8 vừa qua, tại tọa đàm "Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá", ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, thông tin: "Để có được quyết định cấm hay không thì khi Quốc hội xem xét phải có đề xuất của Chính phủ.

Và đề xuất của Chính phủ phải dựa trên nghiên cứu đầy đủ từ cơ sở pháp lý, chính trị, khoa học để đánh giá tác động cụ thể đối với chính sách, con người, môi trường, và hệ thống pháp luật."

Đồng thời, phương án quản lý còn cần cân nhắc đến quyền được tiếp cận đến những sản phẩm mà có thể giảm được độc hại hơn của những người đang hút thuốc.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

Cũng tại tọa đàm nêu trên, nhìn nhận từ góc độ cơ quan hữu trách bảo vệ người dùng, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, dù cấm thì mặt hàng này vẫn được sử dụng, vẫn lưu hành trên thị trường lậu. Tương tự như cách ứng xử với thuốc lá điếu, việc quản lý TLTHM sẽ giúp kiểm soát về mặt chất lượng của sản phẩm lẫn mức độ độc hại đưa vào cơ thể người dùng.

Đồng thời, việc cấm sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và không đảm bảo công bằng với các sản phẩm thuốc lá khác.

Thực tế cho đến nay, không quốc gia nào nói rằng TLLN và các sản phẩm TLTHM khác là an toàn, vô hại. Tuy nhiên, khi đặt TLLN lên bàn cân so với thuốc lá điếu, các dữ liệu khoa học đang chứng minh hàm lượng các chất độc hại trong TLLN giảm hơn so với thuốc lá điếu.

Còn đứng trên đánh giá cảm tính người dùng, việc sử dụng các sản phẩm này "sạch sẽ" và không làm cho người xung quanh khó chịu như khi dùng thuốc lá điếu.

Do vậy, bà Liên đề xuất các cơ quan Nhà nước sớm có quan điểm cụ thể để đưa quản lý TLTHM vào khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Theo đó, quan điểm này cần hài hòa giữa các yếu tố của quyền lợi người tiêu dùng, yếu tố của phát triển thị trường, yếu tố của hội nhập quốc tế và đảm bảo phát triển của các sản xuất đối với các mặt hàng này, bà Liên kết luận.

Mời quý độc giả đón theo dõi "Kỳ 3 Việt Nam: Nước còn lại của ASEAN chưa có khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới" nói về thực tiễn chính sách quản lý hoặc cấm TLTHM tại các nước trong khu vực.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-2-cam-thuoc-la-lam-nong-co-dem-lai-loi-ich-cho-nguoi-hut-thuoc-204240822151821476.htm