Kỳ 2: Còn nhiều 'điểm nghẽn'
Cần phải khẳng định, kinh tế làng nghề nghề thủ công không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên, việc đánh giá, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề chưa bao giờ đơn giản; công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực làng nghề vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cuối năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Hiện có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý.
Hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang - xiên và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, khi các làng nghề truyền thống bước vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết thì tình trạng ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng.
Có thể kể đến như các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai (thuộc huyện Hoài Đức), dịp cuối năm hối hả tất bật hơn. Bình quân, mỗi ngày sản xuất từ 80 - 100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50 - 70 tấn bã thải và hàng nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.
Đơn cử như tại làng nghề sản xuất miến, mạch nha, chăn nuôi và giết mổ gia cầm xã Cát Quế (một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường làng nghề), thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Cát Quế không những không giảm, mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Thừa nhận vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Cát Quế ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong Phương án bảo vệ môi trường làng nghề xã Cát Quế, đại diện UBND xã Cát Quế đề cập, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường chủ yếu là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Sau khi sản xuất, các chất thải chưa qua xử lý được người dân xả trực tiếp vào các ao, hồ, hoặc đổ ra mương rãnh công cộng. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xử lý chất thải còn thiếu, chưa đồng bộ...
Hay như tại làng nghề Minh Khai, không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh. Theo người dân, hiện nay ở làng giờ khói bụi hơn, vì ống khói có nhưng không xử lý khói thoát ra, nên ô nhiễm làng nghề vẫn tồn tại.
Trở lại với xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, việc giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn là câu hỏi cần sự chung tay của cả chính quyền địa phương và người dân. Ông Trang Văn Viễn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Quảng Phú Cầu, cho biết, công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực làng nghề vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, việc di dời các hộ, cơ sở sản xuất tại các làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các làng nghề có hoạt động sản xuất gắn liền với nơi sinh sống, cư trú. Dù đã được hỗ trợ, song các cơ sở di dời phải nộp tiền thuê đất, đầu tư cơ sở vật chất với mức phí cao so với lợi nhuận thu được nên không đủ điều kiện để di dời.
Theo ông Đỗ Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm về môi trường là do công tác tuyên truyền, giáo dục về lĩnh vực này hiện còn bất cập. Mặt khác, nhận thức về pháp luật của người dân và chủ các cơ sở sản xuất chưa cao; sản phẩm sản xuất chủ yếu phục vụ cho tầng lớp có đời sống bình dân nên có lợi nhuận thấp, khó cạnh tranh trên thị trường, vì vậy, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải không được các cơ sở quan tâm thực hiện…
Theo các chuyên gia, việc đánh giá, khắc phục ô nhiễm làng nghề chưa bao giờ đơn giản. Nó liên quan từ công nghệ, không gian sinh kế của người dân và quan trọng nhất là kinh phí. Nhiều nơi áp dụng đưa làng nghề vào cụm làng nghề nằm bên cạnh các làng nghề, nhưng tại đó công nghệ vẫn còn lạc hậu, cũ kỹ, nên việc ô nhiễm không thể xử lý tận gốc.
Mặt khác, kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, tình hình thực tế, chưa đảm bảo tỷ lệ chi cho làng nghề tổng chi về môi trường theo quy định. Một số cụm công nghiệp làng nghề đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung nhưng đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải.
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, ý thức, nhận thức về chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các hộ sản xuất tại làng nghề còn nhiều hạn chế, còn tập trung vào phát triển kinh tế; mặc dù đã được cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn, xử phạt vi phạm về môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong khu vực làng nghề còn hạn chế như: đội ngũ cán bộ về môi trường tại các cấp còn mỏng, chưa đủ nhân lực để bố trí kiểm tra toàn diện triệt để; nhiều nội dung khó triển khai đối với các cơ sở quy mô nhỏ, đặc biệt là các hộ sản xuất trong làng nghề; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khó áp dụng đối với các hộ sản xuất gắn liền với sinh hoạt hoặc có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, số liệu tổng hợp cập nhật năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 24 cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động. Hiện có 6/24 cụm công nghiệp làng nghề đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, 18/24 cụm công nghiệp làng nghề chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng; có 12/24 cụm có trạm xử lý nước thải, 7 cụm chưa có trạm xử lý nước thải và 5 cụm đang đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải.
Các huyện đang từng bước thực hiện việc di dời các hộ sản xuất trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp làng nghề để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo mặt bằng sản xuất, cụ thể: huyện Thường Tín hiện có 604 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã di dời vào hoạt động tại 5 cụm công nghiệp làng nghề; huyện Đan Phượng đã di dời 665 hộ sản xuất; số cơ sở đã di dời toàn bộ vào cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn huyện Ứng Hòa là 26 cơ sở, 85 hộ sản xuất tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, đăng ký di dời điểm tái chế rác thải nhựa vào cụm công nghiệp Cầu Bầu (đạt trên 50% số hộ), số hộ còn lại sẽ được di dời vào Cụm công nghiệp Xà Cầu giai đoạn II; huyện Thanh Oai đã di dời 35 cơ sở trên địa bàn vào Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy; UBND quận Hà Đông đã phê duyệt và giao đất 261 nhóm hộ nhằm di dời các cơ sở vào cụm điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc...
Minh Phương
(Còn nữa)
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-2-con-nhieu-diem-nghen-168403.html