Kỳ 2: Cuộc sống ấm no - Gia đình hạnh phúc

Những ngày tháng tăm tối, đói nghèo ở bản Pan Khèo dần lui vào dĩ vãng, khói thuốc phiện chỉ còn trong ký ức của mỗi người dân. Cuộc sống no ấm đã hiện diện, giúp mỗi gia đình có thêm nhiều niềm vui, tiếng cười và hạnh phúc nhân đôi.

Kỳ 1: Giã từ “nàng tiên nâu”

Về bản vùng cao Pan Khèo hôm nay, dễ dàng nhận thấy nhất là những thửa ruộng bậc thang lúa đã chín vàng; trên nương, cây chè, sa nhân phủ màu xanh ngát và cây dong riềng đang được bà con tất bật thu hoạch. Trong mỗi nếp nhà, nơi góc bếp luôn được giữ ấm bởi bếp lửa hồng, bữa cơm đủ đầy thành viên gia đình sau giờ làm việc vất vả. Người Mông ở Pan Khèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế khi chủ đề trong câu chuyện của họ xoay quanh cây chè, dong riềng, nuôi gia súc, gia cầm và cách làm giàu từ chính mảnh đất đã từng một thời khốn khó.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hảng A Vư kể về quá khứ tăm tối và những nỗ lực, quyết tâm của bản thân cũng như dân bản để có được cuộc sống ấm no như hôm nay. Ông Vư bộc bạch: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm, cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Khi đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, tôi tích cực tham gia với các đoàn thể của bản, xã Thèn Sin tiến hành phá nhổ cây thuốc phiện; động viên gia đình chăm chỉ, tập trung phát triển kinh tế. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi được nhận giống chè, phân bón để tạo sinh kế. Với hơn 7.000m2 chè, mỗi lứa cho thu hoạch đều đặn từ 7 - 9 tạ chè búp tươi. Thực hiện chủ trương của xã về trồng đào chín sớm, năm 2007, gia đình tôi chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng hơn 200 gốc đào. Thu từ bán cành và quả trên 50 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, những năm gần đây, gia đình tôi còn trồng 1ha dong riềng; duy trì nuôi 6 con trâu, 6 con lợn thương phẩm/lứa, trừ các khoản chi phí thu lãi trên 130 triệu đồng. Có nguồn thu bền vững, gia đình tôi xây dựng nhà ở kiên cố, mua xe máy phục vụ đi lại, cho các con học tập. Cuộc sống hôm nay ngỡ như mơ, cảm ơn Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều lắm”.

Nhân dân bản Pan Khèo tích cực bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân bản Pan Khèo tích cực bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Giàng A Cháng - nguyên Trưởng bản Pan Khèo hồ hởi khoe với chúng tôi: “Trước đây cả vụ lúa mỗi nhà trong bản chỉ thu được vài bao thóc, đây là hệ lụy của cây thuốc phiện. Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giống lúa mới, cán bộ chuyên môn của xã đến hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, dân bản có thêm điều kiện, tự tin mở rộng diện tích lúa nước, năng suất ngày một nâng lên. Cùng với đó, bản được hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế như: chè, cây ăn quả ôn đới, con giống trâu, ngựa, dê sinh sản; một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình… có thêm sinh kế, thu nhập cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao. Riêng gia đình tôi trồng 7.000m2 lúa, 1ha sa nhân đỏ, 3.000m2 dong riềng, chăn nuôi gia cầm, cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm”.
Câu chuyện cai nghiện ma túy, phá nhổ cây thuốc phiện và vươn lên trong phát triển kinh tế của ông Cháng hay ông Vư ở bản Pan Khèo là những điển hình để các hộ dân trong bản học tập và làm theo. Pan Khèo hôm nay đang dần “thay da đổi thịt”, con đường từ trung tâm xã tới bản được bê-tông hóa, giúp việc đi lại, giao thương của người dân thuận tiện hơn. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang ngày một nhiều; đồng bào Mông nơi đây xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế như: trồng chè, sa nhân, dong riềng, chăn nuôi trâu, lợn, dê theo hướng hàng hóa. Hiện, toàn bản có 4ha chè, 30ha lúa, 18ha ngô, 10ha dong riềng, hơn 300 con gia súc, hơn 600 con gia cầm các loại.
Cùng với đó, nhân dân tích cực xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cúng bái, mê tín dị đoan; rút ngắn thời gian tổ chức lễ cưới, lễ tang. Chung sức xây dựng nông thôn mới, người dân thường xuyên tổ chức vệ sinh đường ngõ bản sạch sẽ; sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp; không thả rông gia súc, gia cầm… Nhiều năm nay, bản Pan Khèo được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa; năm 2024 có 62/65 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; đồng bào tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền.
Sự đổi thay hiển hiện trên từng nếp nhà, khuôn mặt rạng rỡ của bà con ở Pan Khèo. Điều này được đồng chí Nguyễn Văn Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Sin chia sẻ rõ hơn: “Thành công lớn nhất trong sự đổi thay của Pan Khèo là xóa bỏ cây thuốc phiện, người nghiện giã từ “nàng tiên nâu”, vươn lên phát triển kinh tế. Nhiều chương trình, dự án của Nhà nước tạo tiền đề giúp bà con thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với trình độ, tập quán và điều kiện sản xuất tại địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nhiều năm nay, bản Pan Khèo duy trì bản không ma túy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững; phát triển, khởi sắc ở tất cả các lĩnh vực”.

Phương Thanh - Phan Lâm

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/k%E1%BB%B3-2-cu%E1%BB%99c-s%E1%BB%91ng-%E1%BA%A5m-no-gia-%C4%91%C3%ACnh-h%E1%BA%A1nh-ph%C3%BAc