Kỳ 2: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng
Đầu tháng 11 này, gia đình ông Trần Văn Thinh, người Công giáo thuộc diện hộ nghèo ở xóm 7, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn vui mừng vào lớp vôi áo, hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho căn nhà mới khang trang. Bản thân ông Thinh bị bệnh phổi mãn tính, tháng nào cũng phải đi bệnh viện, không có sức lao động; 3 người con trai có vóc dáng nhỏ bé, không có việc làm ổn định và chưa lập gia đình. Thu nhập của cả gia đình trông chờ vào nghề đan lát của vợ ông Thinh với ngày công tối đa là 150.000 đồng/ngày.
“Được thông báo tham dự đầy đủ các buổi họp nên các công việc chung của xóm liên quan đến hỗ trợ về nhà ở, tôi đều nắm bắt kịp thời. Những ý kiến đóng góp của tôi và bà con trong xóm đều được cán bộ ở xóm, ở xã tiếp thu để triển khai. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại được ở nhà có mái bằng, nền lát gạch men và có công trình vệ sinh sạch sẽ như thế này. Lúc đầu, gia đình tôi cũng lo lắm vì không đủ tiền để xây nhà mới. Nhưng được bà con trong xóm, các cháu thanh niên hỗ trợ ngày công, mấy cửa hàng cho mua chịu vật liệu, cuối năm trả dần nên tôi cũng thấy yên tâm và vui vì sắp có nhà mới. Các anh lãnh đạo xã tuần nào cũng xuống xem công trình hoàn thành đến đâu rồi, còn chỉ cho thợ cách soi phào nổi chuẩn đẹp. Tôi ơn Nhà nước nhiều lắm, những người Công giáo chúng tôi thấy được sự quan tâm nên rất phấn khởi. Chúng tôi gọi những nhà được sửa chữa và xây mới ở xóm theo sự hỗ trợ của HĐND tỉnh là những “ngôi nhà 43”-ông Thinh xúc động cho biết.
Với đặc thù là huyện còn nhiều khó khăn và có đông đồng bào Công giáo của tỉnh, Kim Sơn xác định việc thực hiện Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh là một trong những công tác trọng tâm của năm 2023-2024 bởi đây là một chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với hộ nghèo. Trăn trở với câu hỏi, làm thế nào để đảm bảo sự công khai, minh bạch, để người dân đồng thuận trong thực hiện Nghị quyết, huyện Kim Sơn xác định, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2023-2025 một cách kịp thời; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chỉ đạo, theo dõi và phụ trách các thôn/xóm/tổ dân phố trong việc triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở.
“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo huyện Kim Sơn, chúng tôi đã xuống từng xóm để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, lấy ý kiến về việc xây mới, sửa chữa nhà của bà con. Sau đó, triển khai rà soát hộ nghèo, hướng dẫn các gia đình làm đơn đề nghị hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa. Khi đã có danh sách, chúng tôi lập tổ thẩm định, xuống gia đình, kiểm tra thực tế theo nguyện vọng của người dân, tiêu chí của Nghị quyết, có những tư vấn dựa trên nguyện vọng của gia đình. Ví dụ những ngôi nhà đã quá xuống cấp, tổ thẩm định động viên gia đình cố gắng xây mới, bởi nếu chỉ sửa chữa cũng rất tốn kém, mà không đảm bảo sự kiên cố, an toàn. Được tỉnh phê duyệt danh sách, chúng tôi mời các hộ được phê duyệt lên triển khai cụ thể. Hộ nào quá khó khăn, xã sẽ làm việc với các đoàn thể của xã để có nguồn nhân lực hỗ trợ ngày công. Trong quá trình xây mới và sửa chữa, cán bộ xã xuống “3 cùng” với người dân: Cùng làm, cùng kiểm tra, cùng giám sát chất lượng công trình. Điều quan trọng trong quá trình triển khai, để người dân tham gia, bày tỏ nhu cầu thì mình phải biết được người dân mong muốn điều gì, cần điều gì, như thế nào thì đáp ứng được đúng và trúng nguyện vọng của người dân...”- anh Phạm Văn Kiểm, công chức văn hóa-xã hội xã Ân Hòa (huyện Kim Sơn) chia sẻ.
Đồng chí Trần Văn Ngọ, Trưởng xóm 7, xã Ân Hòa (huyện Kim Sơn) cho biết: “Để thực hiện chính sách này, ban đầu chúng tôi thống nhất trong chi bộ, trưởng các tổ chức, đoàn thể của xóm, sau đó mời bà con lên họp xóm. Nếu bà con có điều gì chưa đồng thuận, xóm sẽ họp nhiều lần để có được sự nhất trí của 100% hộ dân. Một số hộ đi làm ăn xa, chúng tôi cũng thông tin đầy đủ để người dân nắm được chủ trương này. Không chỉ riêng đối với Nghị quyết 43, mà nghị quyết nào chúng tôi cũng triển khai như vậy. Khi nào Nhân dân đồng thuận cao, chúng tôi mới triển khai. Nếu Nhân dân chưa thực sự đồng thuận, chúng tôi tiếp tục họp bàn để đi đến thống nhất cao”.
Gần dân, sát dân, để người dân tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện Nghị quyết 43, nên mặc dù là xã còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và mức sống của người dân không đồng đều, nhưng nhờ biết cách khơi thông sức mạnh của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, tính đến tháng 11/2024, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 12/12 hộ nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, trong đó, có 8 hộ gia đình là người Công giáo.
Tại thời điểm ban hành Nghị quyết 43 (năm 2023), đây là năm thứ 2 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự cân đối ngân sách, nguồn ngân sách dành cho các hoạt động an sinh xã hội chưa nhiều, nên để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả của Nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND đã bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng để quyết định các mức hỗ trợ, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hỗ trợ, xếp loại thứ tự ưu tiên, tiêu chuẩn, chất lượng nhà ở sau khi xây dựng, sửa chữa… Thường trực HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh rất trăn trở và cân nhắc, phải làm sao khi đã ban hành được quyết sách nhân văn, thì đồng tiền hỗ trợ phải thật ý nghĩa.
Chia sẻ về công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đồng chí Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Khi triển khai Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh, chúng tôi nhận được sự quan tâm sâu sát, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh; sự hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm của các sở, ngành liên quan. Đối với địa phương, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện chính sách. Đơn cử, đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, UBND cấp xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận thống nhất phân công các đoàn thể, đề nghị cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và người dân trong khu dân cư cùng hỗ trợ. Đối với nhiều hộ khó khăn về nhân công, neo người thì hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị-xã hội trong xã tham gia giúp đỡ. Bà con không chỉ hỗ trợ về tiền mặt mà còn đóng góp ngày công lao động để cùng xây dựng ngôi nhà mới... Người dân bàn bạc, tự bảo nhau thực hiện tốt việc xây dựng, sửa chữa nhà ở theo đúng thiết kế, đạt chất lượng, bảo đảm sự tiết kiệm và hiệu quả cho công trình.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa trong toàn tỉnh là 921 hộ (trong đó có 651 hộ xây mới và 270 hộ sửa chữa), với tổng kinh phí là 78,6 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, Ninh Bình hỗ trợ 495 hộ (trong đó có 328 hộ xây mới và 167 hộ sửa chữa), với tổng kinh phí là 41,15 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh quyết định phê duyệt hỗ trợ cho 426 hộ (trong đó có 324 hộ xây mới và 102 hộ sửa chữa), với tổng kinh phí là 37,5 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2024, Ninh Bình đã hỗ trợ cho 293 hộ nghèo và cận nghèo, với tổng kinh phí 25,2 tỷ đồng. Ninh Bình là một trong những tỉnh đón đầu chủ trương “xóa nhà tạm, nhà dột nát” của Chính phủ. Khi Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu này trong năm 2024.
Có thể khẳng định, các nghị quyết, chính sách được ban hành “do dân, vì dân”, xuất phát từ thực tiễn thì sẽ có sức sống và hạn chế được những vướng mắc, khó khăn khi đưa nghị quyết vào cuộc sống. Việc đưa cuộc sống của người dân vào nghị quyết là nguyên tắc bất biến trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng. Với hai nghị quyết là Nghị quyết 43 và Nghị quyết 105 HĐND tỉnh ban hành trong thời gian qua đã chứng minh điều đó.
Đối với Nghị quyết 105, Ninh Bình luôn xác định lấy người dân là trung tâm trong mọi hoạt động, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân để phát triển du lịch; khuyến khích sự tham gia của người dân để họ được hưởng lợi, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Chia sẻ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 105 trên địa bàn huyện, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoa Lư cho biết: Các xã, thị trấn trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết thông qua các văn bản chỉ đạo, hội nghị quán triệt và trang thông tin điện tử. Dựa theo các nhóm chính sách hỗ trợ của Nghị quyết, chúng tôi cũng đẩy mạnh rà soát các điều kiện để làm hồ sơ xin hỗ trợ cho người dân. Việc thực hiện Nghị quyết bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Nhận thức của người dân về việc phát triển du lịch không mang tính chất ồ ạt, cần gìn giữ được nét truyền thống. Ở các xã trong vùng lõi di sản, khi muốn sửa chữa nhà ở hoặc xây mới, phát triển các sản phẩm du lịch của hộ gia đình, bà con đều xin ý kiến của chính quyền, chứ không làm tự phát như trước kia.
Song song với đó, lãnh đạo huyện Hoa Lư cũng chỉ đạo, phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức du lịch. Ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, ngoài nghề nông và nghề thêu ren truyền thống, hiện nay, người người, nhà nhà đều làm du lịch. Bà Nguyễn Thị Nghiêm, thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư chia sẻ: “Trước kia, tôi luôn nghĩ làm du lịch rất khó, vì mình vốn quen với nghề nông nghiệp, thực sự chưa hiểu biết và không có kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Sau khi tham gia lớp học, được tiếp xúc với khách du lịch, tôi tự tin hơn và nhận thấy làm du lịch không khó như mình nghĩ...”.
Các chính sách hỗ trợ về du lịch trong Nghị quyết 105 của HĐND tỉnh đã góp phần thúc đẩy và thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và các khu, điểm du lịch khác. Các địa phương trong vùng Di sản Tràng An đã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc vào phục vụ ở các khu, điểm du lịch và duy trì, nâng cấp một số lễ hội văn hóa dân gian nhằm đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Du khách khi đến nơi đây không chỉ được đắm mình giữa thiên nhiên hữu tình mà còn được trải nghiệm những dịch vụ cao cấp trong hoạt động cắm trại như: Ngủ lều cao cấp, ẩm thực phong phú, chương trình đốt lửa trại, rạp chiếu phim ngoài trời, chăm sóc ngựa, làm nông gieo trồng củ quả, di chuyển bằng xe đạp hoặc xe điện ven sông nước Tràng An… Hiện nay, các xã trong huyện Hoa Lư đang dự kiến phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp, những người con quê hương hỗ trợ các gia đình phát triển mô hình du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoa Lư nhấn mạnh thêm: “Trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 105, chúng tôi luôn nhất quán phương châm “đúng” và “trúng”. Vì vậy, Nghị quyết đã và đang dần hiện hữu ở Hoa Lư, ở từng ngôi nhà, từng hộ gia đình và mỗi người dân. Sức sống mạnh mẽ của chính sách chỉ có thể tồn tại nếu chúng ta sâu sát với nhân dân, làm việc gì cũng bàn với dân thì mọi việc sẽ luôn trôi chảy”.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Túc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, để ban hành nghị quyết, HĐND tỉnh thường có 3 căn cứ để lựa chọn. Thứ nhất là yêu cầu thể chế hóa, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên. Thứ hai là xuất phát từ kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, hoạt động tiếp xúc cử tri... của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND. Thứ ba là do UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành chuyên môn đề nghị.
“Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi nhận thấy, trong thời gian qua, khi ban hành Nghị quyết ở Ninh Bình, HĐND tỉnh ưu tiên, lựa chọn những vấn đề “mắt thấy, tai nghe” từ kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, hoạt động tiếp xúc cử tri. Nghị quyết 105 và Nghị quyết 43 thể hiện rất rõ điều này. Đặc biệt, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh đã tập trung triển khai ngay các nghị quyết của HĐND tỉnh theo thẩm quyền, “không để lãng phí về cơ hội, thời gian, nguồn lực và năng lực” theo tinh thần chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm. Các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt quan điểm chỉ đạo mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vừa qua. Đó là, đẩy mạnh tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tạo điều kiện tối đa để chủ động triển khai chính sách, giải quyết kịp thời các vấn đề tại địa phương. Trong đó, đặt lợi ích chung, lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên trên hết và trước hết”-đồng chí Nguyễn Thanh Túc nhấn mạnh.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chính là tiền đề cơ bản, tiên quyết để Ninh Bình huy động nguồn lực trong nhân dân thực hiện các nghị quyết của tỉnh, đặc biệt là 2 nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh là Nghị quyết 43 ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 và Nghị quyết 105 về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030. Khi đó, niềm tin của người dân đối với Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên; mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Chính quyền với Nhân dân ngày càng khăng khít, bền chặt.
Kỳ 3: Để Ninh Bình vươn mình bước vào kỷ nguyên xanh
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-quyet-sach-vi-dan-331062.htm