Kỳ 2: Để KH&CN trở thành động lực cho sản xuất nông, lâm nghiệp

Việc ứng dụng, nhân rộng các đề tài, dự án KH&CN vào thực tế sản xuất đã mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên để KH&CN thực sự trở thành động lực cho sản xuất nông, lâm nghiệp còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

 Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện dự án ứng dụng KH&CN vào sản xuất tại xã Nguyên Phúc (Bạch Thông).

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện dự án ứng dụng KH&CN vào sản xuất tại xã Nguyên Phúc (Bạch Thông).

Trong tổng số có 51 đề tài, dự án được nghiệm thu đạt yêu cầu trở lên, có 49 đề tài, dự án đã được chuyển giao cho đơn vị, địa phương để ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn. Tuy vậy, thông qua hoạt động giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, việc chuyển giao một số đề tài, dự án sau khi được nghiệm thu còn chậm; công tác phối hợp nghiệm thu, bàn giao hồ sơ, một số địa phương phản ánh bàn giao còn chậm và chưa đầy đủ.

Đánh giá chung cho thấy, phần lớn các đề tài, dự án đã được ứng dụng, nhân rộng trong thực tế sản xuất và phát huy hiệu quả tích cực; đã và đang giúp các địa phương, các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận và ứng dụng thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Những đề tài, dự án này đang được duy trì, áp dụng và nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Thông qua đó, một số sản phẩm của tỉnh đã trở thành hàng hóa, có thương hiệu, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; một số sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu tập thể.

 HTX Minh Anh ở phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng nấm dược liệu Linh chi, Vân chi tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao.

HTX Minh Anh ở phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng nấm dược liệu Linh chi, Vân chi tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao.

Theo chị Nông Thị Biệt, Giám đốc HTX Minh Anh ở phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn), việc áp dụng kỹ thuật từ "Dự án ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình nuôi trồng nấm dược liệu Linh chi, Vân chi từ nguyên liệu ngọn, cành, mùn cưa cây keo tại tỉnh Bắc Kạn", đem lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt. Nấm linh chi áp dụng công nghệ mới có hoạt chất dược liệu cao, năng suất cao hơn so với cách trồng thông thường. Quá trình sản xuất thân thiện với môi trường, giá thể sau khi trồng nấm được tận dụng làm phân bón hữu cơ, làm chất đốt.

 Ứng dụng KH&CN vào mô hình thâm canh hồng không hạt LT-1 giúp gia đình ông Hoàng Văn Việt ở thôn Phiêng Cuôn, xã Sơn Thành (Na Rì) đạt năng suất, hiệu quả cao.

Ứng dụng KH&CN vào mô hình thâm canh hồng không hạt LT-1 giúp gia đình ông Hoàng Văn Việt ở thôn Phiêng Cuôn, xã Sơn Thành (Na Rì) đạt năng suất, hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc ứng dụng, nhân rộng các đề tài, dự án KH&CN cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Một số đề tài, dự án không được duy trì, ứng dụng, nhân rộng trong thực tế sản xuất. Trong đó, có thể kể đến những đề tài, dự án, như: “Khảo nghiệm tuyển chọn một số giống lúa chất lượng cao, năng suất khá, phù hợp với điều kiện tỉnh Bắc Kạn tại huyện Chợ Mới", “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thử nghiệm cá chày tại tỉnh Bắc Kạn”; "Xây dựng mô hình trồng thuốc lá vụ thu - đông trên địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn"...).

Chia sẻ của người dân về hiệu quả của cây hồng không hạt LT-1.

Việc đề xuất, đặt hàng một số đề tài, dự án KH&CN chưa thực sự sát với nhu cầu thực tiễn của ngành, địa phương. Thời gian thực hiện một số mô hình trồng thử nghiệm ngắn, dẫn đến chưa thể khẳng định được tính hiệu quả, tính thực tiễn của các đề tài, dự án. Bên cạnh đó, các dự án KH&CN chủ yếu mới chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm ở dạng thô để bán ra thị trường theo mùa vụ, chưa ứng dụng vào khâu bảo quản, chế biến sâu tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị và tính cạnh tranh cao... Những điều này dẫn đến khó khăn trong ứng dụng, nhân rộng hoặc khiến cho các đề tài, dự án không phát huy hết hiệu quả, chưa trở thành động lực cho sản xuất nông, lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Điệp, Giám đốc Sở KH&CN nhận xét về mô hình thâm canh hồng không hạt LT-1 ở Sơn Thành (Na Rì).

Có nhiều nguyên nhân khiến các đề tài, dự án không duy trì, nhân rộng được, cụ thể như: Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thử nghiệm cá chày tại tỉnh Bắc Kạn” được xác định do hiện nay các tỉnh miền Bắc không có cơ sở cung cấp con giống, trong khi đây là loại sinh trưởng chậm, kích cỡ cá thương phẩm nhỏ, giá thành cao nên không cạnh tranh được về giá so với các loại cá khác, dẫn đến người dân không tiếp tục duy trì, nhân rộng. Đối với đề tài, dự án "Xây dựng mô hình trồng thuốc lá vụ thu - đông trên địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn", do từ năm 2018 Công ty Cổ phần Hoàng Liên Sơn dừng, không đầu tư và bao tiêu sản phẩm thuốc lá trên địa bàn huyện Chợ Mới, nên người dân không sản xuất, nhân rộng dù cho sản phẩm không thua kém vụ đông - xuân.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN để ứng dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng sản phẩm. Công tác chủ trì, phối hợp giữa các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Một số địa phương chưa giao cho đơn vị cụ thể ứng dụng, nhân rộng sau khi được chuyển giao và chưa bố trí kinh phí để ứng dụng các đề tài, dự án KH&CN trong thực tế sản xuất.

 Lãnh đạo tỉnh và huyện Na Rì thăm mô hình trồng hồng không hạt LT-1 ở thôn Phiêng Cuôn, xã Sơn Thành.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Na Rì thăm mô hình trồng hồng không hạt LT-1 ở thôn Phiêng Cuôn, xã Sơn Thành.

Cùng với đó, việc không có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khi không còn được hỗ trợ kinh phí nên nhiều người quay lại theo phương thức sản xuất cũ, không tuân thủ các quy trình kỹ thuật được chuyển giao... cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều đề tài, dự án không được duy trì, nhân rộng hoặc hiệu quả phát huy thấp.

Để các đề tài, dự án KH&CN thực sự trở thành động lực cho sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, Sở KH&CN cần định hướng, hướng dẫn việc đề xuất, đặt hàng, lựa chọn, triển khai các nhiệm vụ KH&CN sát với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, đôn đốc ngay từ khâu đề xuất đặt hàng, đăng ký chủ trì, chủ nhiệm đề tài, dự án do địa phương đề xuất, triển khai thực hiện, nghiệm thu, tiếp nhận và ứng dụng trong thực tiễn. Đẩy mạnh thu hút các tổ chức, cá nhân đăng ký, đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong chế biến sâu một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Những nhiệm vụ của KH&CN trong phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, khi xét duyệt, tham mưu phê duyệt danh mục dự án KH&CN phải căn cứ vào đặc tính của từng loài để phê duyệt thời gian thực hiện phù hợp, bảo đảm nghiệm thu phải là sản phẩm cuối cùng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Các sở, ngành, địa phương khi lựa chọn nội dung để đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cần tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết. Đồng thời, thực hiện tốt Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế ứng dụng, nhân rộng đề tài, dự án KH&CN; chủ động cân đối, bố trí kinh phí, lồng ghép các nguồn vốn để ứng dụng, nhân rộng kết quả các đề tài, dự án KH&CN trong thực tiễn sản xuất./.

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ky-2-de-khcn-tro-thanh-dong-luc-cho-san-xuat-nong-lam-nghiep-post65556.html