Kỳ 2: giữ người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội

Làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong người lao động (NLĐ) thời gian qua có xu hướng gia tăng. Điều này dẫn đến nguy cơ với hệ thống an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững. Để hạn chế tình trạng này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất gia tăng quyền lợi, thêm sự lựa chọn để NLĐ ở lại hệ thống BHXH.

Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

Người lao động đang thi công từng công đoạn tại làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Người lao động đang thi công từng công đoạn tại làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Làn sóng rút bảo hiểm xã hội 1 lần và nguy cơ phá vỡ an sinh

Sau biến động bởi dịch Covid-19, ghi nhận người rút BHXH 1 lần ở mức rất cao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 665.000 người rút BHXH một lần, bình quân mỗi tháng có hơn 110.000 người rút BHXH một lần. Đây là con số rất đáng lo ngại vì hiện cả nước mới chỉ có 17,48 triệu người tham gia BHXH, tương đương khoảng 37,5% lực lượng lao động.

Trong khi đó, việc phát triển mạng lưới người tham gia BHXH mới rất khó khăn, số người sau khi rút BHXH một lần quay trở lại tham gia BHXH không cao, chỉ khoảng 28%. Làn sóng rút BHXH một lần cho đến nay hầu như vẫn chưa hạ nhiệt mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc giảm bớt con số này bằng nhiều cách như: hỗ trợ NLĐ và DN gặp khó khăn, sửa đổi Luật BHXH...

Lý giải việc này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, bên cạnh nguyên nhân NLĐ bị mất việc làm, cần có một khoản tiền chi trả cho cuộc sống trước mắt thì còn có nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến tình trạng này, đó chính là nhận thức về ý nghĩa, trách nhiệm tham gia BHXH của một bộ phận NLĐ vẫn còn chưa đúng, chưa đầy đủ.

Theo đại biểu, trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức của NLĐ về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả, biểu hiện ở con số NLĐ rút BHXH một lần cũng như những định kiến sai lệch về BHXH còn tồn tại khá phổ biến.

Rào cản tâm lý khiến NLĐ chưa hiểu rằng việc đóng BHXH không chỉ để bản thân người đóng nhận lương hưu và các chế độ BHXH khác mà còn để xây dựng chế độ an sinh xã hội chung cho tất cả mọi người. Vì thế, NLĐ thường tính toán việc đóng BHXH sẽ bị thiệt ra sao so với việc gửi tiết kiệm hoặc mua các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Nhiều NLĐ chưa nắm được về các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế khác.

Bên cạnh đó không thiếu NLĐ lo lắng chế độ, chính sách BHXH sẽ có nhiều thay đổi bất lợi, sự trượt giá... dẫn đến việc mai sau họ được hưởng mức lương hưu thấp hoặc không có lương hưu. Vì vậy, họ thấy rút được tiền sớm ngày nào thì có lợi được ngày đó nên không muốn tham gia lâu dài…

Công nhân thi công phố đi bộ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Công nhân thi công phố đi bộ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Cách để người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội?

Để hạn chế tình trạng lao động rút BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất gia tăng quyền lợi, thêm sự lựa chọn để NLĐ ở lại hệ thống BHXH.

Trong đó có việc giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Điều này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.

Cùng với đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích NLĐ lựa chọn tham gia, bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ tuổi nghỉ hưu hàng tháng. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này cho phép NLĐ được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, sự khác biệt lần này là nếu NLĐ lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung…

Góp ý vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV nhiều đại biểu đều đồng tình với việc cần có những quy định thấu đáo để ngăn chặn NLĐ rút bảo hiểm 1 lần. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần có thêm các nhóm giải pháp đồng bộ để hỗ trợ NLĐ.

Theo đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ bày tỏ quan điểm, đa phần những người tham gia BHXH tự nguyện đều có khó khăn trong cuộc sống. Do đó, họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt. “Vì vậy tôi cho rằng, để giữ chân người tham gia BHXH và hạn chế được tình trạng rút bảo hiểm một lần, dự thảo Luật cần thiết kế thêm chế độ để người tham gia bảo hiểm tự nguyện yên tâm hơn khi có khó khăn trong cuộc sống” - đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cho biết.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, về quy định rút bảo hiểm 1 lần, nếu chưa có phương án tối ưu thì giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh sự xáo trộn xã hội và cho NLĐ được lựa chọn, kể cả việc tham gia BHXH trước hay sau khi luật này có hiệu lực thi hành.

Đồng thời đại biểu đề xuất một chính sách có thể hạn chế NLĐ rút BHXH một lần. Đó là, giao cho BHXH phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho NLĐ vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp và mức vay tối đa bằng số tiền NLĐ được hưởng nếu rút BHXH một lần. Sổ BHXH như là một sự đảm bảo cho khoản vay của NLĐ nên thủ tục phải hết sức đơn giản, không phải chứng minh tài sản và thu nhập. Trường hợp NLĐ không đồng ý vay nên cho NLĐ được rút BHXH một lần.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, phản ánh thực trạng nghỉ việc nhiều của NLĐ ở độ tuổi từ 35 đến 40, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các DN “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động. Cùng với đó các DN ngoài Nhà nước có xu hướng cho nghỉ việc nhiều đối với những NLĐ ở độ tuổi này. Trong hoàn cảnh đó, NLĐ buộc phải rút BHXH một lần.

Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động, duy trì hoạt động để NLĐ có việc làm. Khi NLĐ không mất việc thì sẽ không cần rút BHXH một lần.

(Còn nữa)

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-giu-nguoi-lao-dong-o-lai-he-thong-bao-hiem-xa-hoi-382642.html