Kỳ 2: Hậu quả buồn

Kỳ 1: Sinh nhiều con: Thực trạng và nguyên nhân

Nâng cao chất lượng dân số: Thách thức không nhỏ từ vùng cao

Kỳ 2: Hậu quả buồn

Những đứa trẻ phải tự chăm nhau

Khi chúng tôi tới gia đình chị Sùng Thị Mẩy, sinh năm 1986, người dân tộc Nùng, ở thôn Nậm Ké, xã Cốc Ly (Bắc Hà) thì vợ chồng chị đi vắng. Tiếp chúng tôi là 5 đứa con của chị Sùng. Chị cả đi làm ở xa nên cô con gái thứ 2, đang học lớp 8 có trách nhiệm trông 4 đứa em và làm việc nhà, trong đó đứa bé nhất mới 6 tháng tuổi. Nhìn những đứa trẻ nhỏ thó, mặt mày lem luốc, đứa thì cắp nách em út, đứa quét nhà, đứa ngồi trông bếp đun nước… khiến chúng tôi không khỏi cám cảnh.

“Bố mẹ cháu đi ăn cưới ở xã bên, chiều mới về, để gạo và rau ở nhà để chúng cháu tự nấu ăn. Em bé thì ăn cháo gói. Mẹ dặn mỗi bữa nấu cho em ăn 1 gói cháo, ngày 3 gói. Khi nào em buồn ngủ thì cháu ru em ngủ” - em Thèn Thị Tiểu, sinh năm 2006, con gái chị Sùng Thị Mẩy nói.

Những đứa trẻ phải tự lập khi bố mẹ vắng nhà.

Những đứa trẻ phải tự lập khi bố mẹ vắng nhà.

Nhìn cách cô bé bế em, làm vệ sinh cá nhân cho em, có thể thấy cô bé đã rất quen với việc chăm em nhỏ. Điều chúng tôi thấy lo lắng là để 5 đứa trẻ lít nhít ở nhà tự chăm nhau cả ngày như thế này liệu có phải là liều lĩnh? Người dẫn đường cho chúng tôi nói: Ở đây người dân quan niệm: Trẻ con vùng cao lớn lên tự nhiên như núi rừng, mạnh mẽ thì sống mà không thì cũng là do số mệnh, nên nhà nào đông con thì chúng đều tự biết chăm nhau như vậy.

Khó khăn về kinh tế

Những ảnh hưởng về kinh tế cũng là điều khó tránh khỏi với các gia đình sinh nhiều con, nhất là với những gia đình người dân tộc thiểu số. Như vợ chồng chị Giàng Thị Say, sinh năm 1991, người dân tộc Mông ở thôn Phìn Giàng A, xã Cốc Ly (Bắc Hà). Mặc dù đứa con út mới được vài tháng tuổi nhưng anh chị lại muốn ôm con đi làm ăn tận miền Nam và dự định gửi 4 đứa con trai lớn cho ông bà chăm sóc, trông nom. Một đứa trẻ mới vài tháng tuổi đã phải theo bố mẹ lênh đênh nay đây mai đó ở nơi cách nhà cả nghìn km, còn anh chị nó phải ở với ông bà. Đây là thực tế xảy ra ở nhiều nơi, đơn giản là bởi họ cần đi làm để kiếm tiền, mà ở địa phương thì không biết làm gì ra tiền.

Gia đình anh Đặng Ồng Phấy, sinh năm 1992, người dân tộc Dao ở thôn Nậm Mười, xã Dần Thàng (Văn Bàn) thuộc diện hộ nghèo của xã với 6 khẩu (mẹ, vợ chồng anh và 3 con gái) sống trong ngôi nhà gỗ tềnh toàng, vật dụng có giá trị nhất có lẽ là chiếc nồi cơm điện đã cũ rỉ. Những bữa ăn cơm nguội với canh măng đã trở nên quen thuộc với bà cụ và các con anh Phấy. Chỉ vì mong có con trai để sau này già yếu có người chăm sóc, phụng dưỡng nên dù nhà nghèo, anh chị vẫn cố sinh đứa thứ 3. Và giờ thì cuộc sống còn khó khăn hơn gấp bội.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, khoảng 90% gia đình người dân tộc thiểu số sinh nhiều con thuộc hộ nghèo, cận nghèo, với các hộ sinh con thứ 4 trở lên, tỷ lệ này còn cao hơn.

Các vấn đề về sức khỏe của mẹ và con

“Mình không muốn sinh nữa vì giờ sức khỏe yếu đi nhiều, đau lưng, đau chân không leo đồi, leo núi được như trước, nhưng chồng bảo phải đẻ được con trai mới thôi”, đó là lời tâm sự của chị Sùng Thị Nú, sinh năm 1989, người dân tộc Mông ở tổ 1, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa). Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người đến nỗi họ cũng không quan tâm nhiều lắm đến vấn đề sức khỏe của người mẹ/người vợ. Trong khi mỗi lần mang thai và sinh con, phụ nữ đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sỹ Trần Thị Thùy Lâm, Phó Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Phụ nữ nếu sinh tự nhiên được thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng những phụ nữ sinh nhiều con dễ dẫn đến nguy cơ phải mổ lấy thai ở những lần sau, dễ bị băng huyết trong khi sinh nở, sức đề kháng suy giảm. Khi mang thai, vấn đề dinh dưỡng cũng kém hơn những phụ nữ khác nên em bé thường nhẹ cân.

Không những vậy, đối với những gia đình đông con, không có điều kiện kinh tế, việc chăm sóc sức khỏe cho những đứa trẻ cũng không được đảm bảo. Theo anh Lâm Văn Din, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cốc Ly (Bắc Hà): Qua đánh giá sơ bộ khi thăm khám cho người dân trong xã, chúng tôi thấy việc sinh nhiều con thường tập trung ở những gia đình đồng bào Mông. Thường thì những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình đông anh chị em có thể chất kém hơn những trẻ khác và hay gặp các vấn đề như còi xương, suy dinh dưỡng, hay ốm đau vặt… có thể do chúng không được bố mẹ quan tâm, chăm sóc tốt như những nhà sinh ít con.

Thêm vào đó, chính vì tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” nên những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình mất cân bằng giới tính thường ít được đối xử công bằng. Con trai thường được bố mẹ, ông bà nuông chiều hơn, dẫn đến ương ngạnh, khó bảo. Áp lực về kinh tế, việc chăm sóc và nuôi dạy các con… cũng khiến không ít gia đình đông con bất hòa, hay xảy ra cãi vã cùng nhiều hệ lụy khó lường.

Rõ ràng, việc sinh con thứ 3 trở lên ở những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn đang để lại những hậu quả đáng buồn. Làm thế nào để hạn chế tình trạng đó, đồng thời nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số? Đây là một thách thức không nhỏ và đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của những người làm công tác dân số cũng như chính quyền địa phương, các cấp, các ngành liên quan.

Kỳ cuối: Để những đứa trẻ được chăm lo đủ đầy

Hoàng Thương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/ky-2-hau-qua-buon-z5n20200328083322823.htm