Kỳ 2: Không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế và nâng cao vị thế Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức: kinh tế bị thu hẹp, đầu tư thương mại toàn cầu giảm sút… do đó chịu tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới là không nhỏ. Bất chấp 'cơn gió ngược' khó khăn chung của toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng đạt mức tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm giữ vững kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các tổ chức tài chính quốc tế đều đánh giá cao bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng cũng như sự chung tay đồng lòng của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong nước nỗ lực phát triển kinh tế Việt Nam.

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam được quốc tế ghi nhận, đánh giá

Công cuộc đổi mới từ năm 1986 như “làn gió mát” đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế, đặc biệt việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới; đưa quy mô GDP Việt Nam vào top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 thế giới. Sản phẩm Việt Nam đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước, đồng thời tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục. Hiện đã có trên 1,6 ngàn dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn gần 22 tỷ USD. Năm 2023, Cục Phát triển doanh nghiệp, Dự án IPSC và 22 doanh nghiệp tiên phong đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này vươn ra thế giới và công bố top 3 doanh nghiệp chiến thắng chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023. Đó là Công ty cổ phần HHP Global; Công ty cổ phần Vietnam Food và Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam.

 Sản xuất tại Công ty Cổ phần Thực phẩm GC, doanh nghiệp của Đồng Nai đã niêm yết trên sàn chứng khoán và đang hướng tới mốc doanh thu ngàn tỷ đồng trong những năm tới.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Thực phẩm GC, doanh nghiệp của Đồng Nai đã niêm yết trên sàn chứng khoán và đang hướng tới mốc doanh thu ngàn tỷ đồng trong những năm tới.

Khép lại năm 2023, trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới vẫn ảm đảm, nền kinh tế nước ta đã vượt qua muôn vàn những thách thức và đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu và cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra trên các lĩnh vực, được nhiều tổ chức quốc tế uy tín ghi nhận. Theo Ngân hàng thế giới, khi bắt đầu tiến trình đổi mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ chỗ chỉ khoảng 100 USD đã tăng lên khoảng 4.300 USD vào năm 2023. Nền kinh tế nước ta hiện nay đạt khoảng 430 tỷ USD, được xếp thứ 34 trên thế giới.

Việt Nam cũng là quốc gia giữ được ổn định chính trị, an ninh và quốc phòng trong bối cảnh thế giới đầy biến động, qua đó gia tăng lòng tin với quốc tế. Nếu năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ là 2,07 tỷ USD thì đến năm 2023, số liệu này đã tăng lên tới hơn 487 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng đang có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, tham gia và có quan hệ tốt đẹp với các định chế quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức thương mại thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), hiện nay đang đàm phán 3 FTA, điều kiện then chốt để tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt khoảng 683 tỷ USD.

Những đóng góp đưa kinh tế Việt Nam vượt “cơn gió ngược”

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo động lực đã được ban hành và thực thi, đến nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Nhiều doanh nhân Việt Nam đã tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất - kinh doanh để hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án đầy tham vọng, mang tầm vóc quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, ngành logistic…

Bên cạnh đó, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết với nhiều quốc gia, khu vực trọng điểm thì cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hiện diện trên thị trường quốc tế ngày càng lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, các hiệp định thương mại đã ký kết, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam có độ nhận diện cao trên trường quốc tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tính chung đến tháng 8-2024 tăng 8,5% so với năm 2023. Trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ ước đạt gần 71 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng lần lượt là 7% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất 8 tháng trong 5 năm qua tạo đà thúc đẩy tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2024. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng đạt hơn 168.000 doanh nghiệp, tăng hơn 12%. Nguồn thu ngân sách Nhà nước riêng tháng 8-2024 ước đạt hơn 101.000 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước của 8 tháng năm 2024 ước đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp hơn mục tiêu. Nợ công nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Bất chấp sự biến động của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những quyết sách điều hành, quản lý nền kinh tế ổn định. Đồng tiền Việt Nam kể từ trong và sau đại dịch trở thành một trong những loại tiền tệ ổn định nhất ở Đông Nam Á. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu. Nhìn chung, việc kết hợp các chính sách linh hoạt và chuyển từ tập trung hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi sang giai đoạn ổn định giá cả thị trường đã giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát hiệu quả.

 Kinh tế Việt Nam trong thời gian qua mạnh mẽ vượt qua “cơn gió ngược”, vững vàng tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam trong thời gian qua mạnh mẽ vượt qua “cơn gió ngược”, vững vàng tăng trưởng.

Những con số phần nào cho thấy, kinh tế Việt Nam mặc dù có độ mở lớn nhưng đã kiên cường vượt “cơn gió ngược” toàn cầu để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực trên thế giới. Hiện nay chúng ta đang đang nỗ lực huy động tất cả nguồn lực, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, của cộng đồng doanh nhân, các nhà đầu tư nước ngoài và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để phấn đấu thực hiện thành công cái Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Nhờ có sự quyết tâm đồng lòng đó trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục đạt nhiều khởi sắc là tín hiệu đáng mừng, nhưng một số luận điệu của thế lực thù địch lại cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của doanh nghiệp cũng như của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta đang trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vai trò rất quan trọng. Doanh nghiệp Nhà nước chiếm tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp Nhà nước đã không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội.

Với lĩnh vực dầu khí, điện, than, các Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Than - Khoáng sản là những trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng cao, liên tục của nền kinh tế trong suốt những năm qua. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bảo đảm cung ứng xăng dầu đến khắp mọi miền đất nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm đưa điện đến 100% số xã, đến cả các đảo xa, đưa chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng thứ 27/190 quốc gia, vượt trên cả các quốc gia phát triển, giàu có hơn nhiều. Trong lĩnh vực viễn thông, các tập đoàn, tổng công ty như: VNPT, Mobifone là những trụ cột vừa bảo đảm phát triển hạ tầng viễn thông liên lạc hiện đại, cung ứng các dịch vụ viễn thông chất lượng cho xã hội, vừa dẫn dắt sự phát triển của ngành viễn thông - công nghệ thông tin quốc gia theo kịp thế giới, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Với lĩnh vực giao thông vận tải, bưu chính,... các doanh nghiệp Nhà nước là nòng cốt bảo đảm cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho xã hội như đi lại, vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm bằng đường hàng không, đường sắt, đường biển đến mọi nơi trên thế giới, mọi vùng miền trong nước, kể cả các thôn, bản vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nhất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc,... là nòng cốt trong phát triển ngành cao su và bảo đảm an ninh lương thực, tiêu thụ lúa gạo cho hàng triệu nông dân.

Với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) với tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm trên 50% toàn hệ thống ngân hàng, đóng vai trò bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, tỷ giá nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống tín dụng - ngân hàng, là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường và góp phần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Trong các thời điểm đất nước gặp khó khăn do các biến động từ môi trường quốc tế hay do thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp Nhà nước luôn là công cụ mạnh để Nhà nước, Chính phủ điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội trong nước. Đầu tháng 9-2024, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân và doanh nghiệp, trong đó ảnh hưởng trực tiếp và rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty, đơn vị trong khối Doanh nghiệp Trung ương với thiệt hại ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão; tranh thủ nguồn lực, nắm bắt thời cơ để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì xu hưởng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tham gia đóng góp thúc đẩy tăng trưởng của cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra, các doanh nghiệp trong Khối đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái, vận động cán bộ, người lao động đóng góp hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng do bão lũ, riêng ủng hộ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 với để giúp tổng giá trị ước tính hơn 300 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều cơ hội và thách thức đan xen; các doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chủ động, tích cực đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, thích ứng với thị trường để khắc phục khó khăn. Kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đạt được cụ thể như sau: Tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối Doanh nghiệp Trung ương ước đạt 1,66 triệu tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương ước đạt 178 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

Các doanh nghiệp nhà nước chỉ hoàn thành được nhiệm vụ chính trị nặng nề ấy, khi tổ chức đảng ở đó phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình, thật sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc triển khai tốt các chương trình an sinh xã hội có tính lan tỏa như: các chương trình thăm hỏi động viên các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cả nước; tài trợ học bổng, quỹ khuyến học trên cả nước... Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025”, Đảng ủy Khối và các đơn vị trong Khối đã đăng ký hỗ trợ 200,6 tỷ đồng tham gia thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong năm 2025. Trong 9 tháng năm 2024, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền trên 2.271 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng đồng bộ hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, mạng lưới viễn thông, hệ thống thủy lợi nội đồng,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương khó khăn, biên giới, hải đảo và cải thiện đời sống nhân dân. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tuyển dụng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tiên phong, chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là gia đình chính sách, góp phần quan trọng vào thành tựu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của nước ta.

 Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Một số tập đoàn như Dầu khí, Điện lực, Cao su, Xăng dầu,... có hoạt động liên quan mật thiết đến quốc phòng, an ninh quốc gia, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh tại các vùng biên giới, vùng biển đảo, đến hoạt động quốc phòng, an ninh. Lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức và huấn luyện tốt tại các doanh nghiệp Nhà nước cũng có ý nghĩa quan trọng trong tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là với các đơn vị đóng chân ở các địa bàn nhạy cảm, phức tạp. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng giữ vai trò trọng yếu trong bảo đảm an ninh trong các lĩnh vực thiết yếu của đất nước, như: an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tiền tệ,… để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của đất nước.

Có thể nói, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng đã và đang kiên cường trong “cơn gió ngược” khi kinh tế thế giới còn khó khăn và vẫn luôn kiên định với chủ trương, đường lối của Đảng; không bị lung lay bởi những “luồng gió ngược” - những luận điệu xuyên tạc, chống phá của thế lực thù địch. Thực tiễn thành tựu kinh tế năm 2023 cùng sự đi lên phát triển của đất nước cho thấy những kết quả to lớn và mang ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đạt được; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang thực hiện là hoàn toàn đúng đắn. Thực tế này là những “bằng chứng đanh thép” nhất phản bác những luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc lợi dụng các vấn đề kinh tế để chống phá Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng tiếp tục phát triển và phát huy nhiều hơn nữa vai trò của mình trong thời kỳ mới.

(còn nữa)

Văn phòng Đảng ủy Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/ky-2-khong-the-phu-nhan-vai-tro-cua-doanh-nghiep-doanh-nhan-viet-nam-trong-phat-trien-kinh-te-va-nang-cao-vi-the-21961