Kỳ 2: Liên hiệp để quy tụ sức mạnh đại đoàn kết

Những điều kiện cần thiết để thành lập chính quyền khi ấy đã khá chín muồi, đó là vùng giải phóng rộng lớn, có lực lượng vũ trang lớn mạnh, có lực lượng chính trị hùng hậu thống nhất trong mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi.

Cách mạng miền Nam sau Tết Mậu Thân 1968 có nhiều biến chuyển đòi hỏi phải có một chính phủ để thực hiện nhiệm vụ không chỉ đối nội mà cả đối ngoại. Vấn đề thành lập chính quyền cách mạng Trung ương trở thành yêu cầu cấp bách. Trên thực tế, những điều kiện cần thiết để thành lập chính quyền khi ấy đã khá chín muồi, đó là vùng giải phóng rộng lớn, có lực lượng vũ trang lớn mạnh, có lực lượng chính trị hùng hậu thống nhất trong mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi.

Bộ trưởng Ngoại giao CPCMLTCHMNVN Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao CPCMLTCHMNVN Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 8.5.1968, Bộ Chính trị đã có điện gửi ông Phạm Hùng- Bí thư Trung ương Cục góp ý về việc thành lập Chính phủ liên hiệp ở miền Nam, trong đó nhấn mạnh việc vận động thành lập một chính phủ liên hiệp bao gồm thành phần thật rộng rãi như: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (LMCLLDTDC&HBVN), một số người thuộc phái thân Pháp và nếu cần, cả một số người thuộc phái thân Mỹ nhưng chủ hòa thì công thức đó là thuận lợi nhất (1). Đặc biệt, ngày 12.5.1960, Trung ương Cục miền Nam đánh điện gửi Bộ Chính trị báo cáo về việc xúc tiến thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN và nhấn mạnh về nhân sự trong Chính phủ: “Để liên hiệp rộng rãi, Trung ương Cục nhất trí với chủ trương thành lập Hội đồng cố vấn gồm những người có uy tín cao của Mặt trận, của Liên minh, của các tôn giáo, dân tộc, trong đó sự liên hiệp có vai trò nòng cốt trong mặt trận và Chính phủ (2)”.

Theo chủ trương và dự kiến đã đề ra, từ ngày 23 đến ngày 25.5.1969, MTDTGPMNVN và LMCLLDTDCHBVN đã tiến hành hội nghị hiệp thương dưới sự dẫn đầu của luật sư Nguyễn Hữu Thọ- đại diện của MTDTGPMNVN và luật sư Trịnh Đình Thảo- đại diện cho LMCLLDTDCHBVN. Hội nghị đánh giá đã đến lúc phải thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời để đáp ứng tình hình và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân miền Nam.

Ngày 6.6.1969, Đại hội quốc dân miền Nam tiến hành Đại hội. Thành phần tham dự Đại hội gồm đại diện của MTDTGPMNVN, LMCLLDTDCHBVN cùng đại biểu các lực lượng yêu nước khác ở miền Nam Việt Nam. Đại hội đã tán thành việc thiết lập chế độ cộng hòa ở miền Nam Việt Nam và nhất trí thành lập Chính phủ lâm thời ở miền Nam lấy tên là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) với mục tiêu là “Độc lập - Dân chủ - Hòa bình - Trung lập”.

CPCMLTCHMNVN do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là bác sĩ Phùng Văn Cung (kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên), cụ Nguyễn Đóa cùng 7 Bộ trưởng.

Đặc biệt, Đại hội đã bầu Hội đồng Cố vấn, Hội đồng Cố vấn có chức năng như Hội đồng Nhà nước lâm thời của cách mạng miền Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức nổi tiếng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN làm Chủ tịch. Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban LMCLLDTDCHB Việt Nam làm Phó Chủ tịch. 11 Ủy viên Cố vấn gồm: (1) ông Ibih Aléo- Chủ tịch Phong trào Dân tộc tự trị Tây Nguyên; (2) ông Huỳnh Cương- trí thức dân tộc Khmer; (3) Hòa thượng Thích Đôn Hậu, nguyên Chánh đại diện Hội Phật giáo Thống nhứt Việt Nam miền Vạn Hạnh; (4) ông Huỳnh Văn Trí- đại diện Phật giáo Hòa Hảo; (5) ông Nguyễn Công Phương- nhân sĩ Trung Trung bộ; (6) cụ Lâm Văn Tết- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương LMCLLDTDCHBVN; (7) ông Võ Oanh- nhà báo, nhân sĩ; (8) ông Lê Văn Giáp- Chủ tịch Ủy ban LMCLLDTDCHBVN khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; (9); ông Huỳnh Thanh Mừng- Phó ban Củng cố hòa bình chung sống đạo Cao Đài Tây Ninh; (10) ông Lucien Phạm Ngọc Hùng- Đại diện những người Công giáo yêu nước miền Nam Việt Nam và (11) bà Nguyễn Đình Chi- Phó Chủ tịch Ủy ban LMCLLDTDCHBVN thành phố Huế.

Hội đồng Cố vấn có nhiệm vụ góp ý kiến với Chính phủ trong việc đề ra các chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại, trong việc ban hành, bổ sung và sửa đổi các sắc luật, nghị định, thông tư của chính phủ. Ngoài ra, Hội đồng Cố vấn còn đảm nhiệm các công việc cụ thể của Chính phủ như: nhận Quốc thư, ký bổ nhiệm, ký quyết định khen tặng danh hiệu Anh hùng, tặng Huân chương giải phóng các loại.

CPCMLTCHMNVN ra đời là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam, có nhiệm vụ điều hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngay khi tuyên bố thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các nước anh em và bạn bè trên thế giới; đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Sự ra đời của CPCMLTCHMNVN thể hiện quyền làm chủ của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế. Là một thực thể chính trị đại diện cho quyền dân chủ của nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự ra đời của CPCMLTCHMNVN với uy tín được thể hiện ngay trong tháng đầu thành lập đã xóa bỏ hoàn toàn lý do biện minh cho quan điểm đàm phán song phương hay hai phe của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, đưa hội nghị Paris về Việt Nam tiến lên một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn phải nhìn nhận vị thế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc đàm phán 4 bên về Việt Nam.

Năm 1973, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã có chuyến thăm tới một số nước trên thế giới và được đón tiếp long trọng với những nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Khi trở về miền Nam, Chủ tịch đã phát biểu trên Đài Giải phóng: “Chúng tôi tôi thấm thía công ơn sâu nặng của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ thân yêu trên hai miền Nam - Bắc nước ta đã vun đắp cho chúng tôi một sức mạnh, một niềm tin, một con đường đầy hoa thơm để đi đến với anh em, bè bạn ta trên thế giới và giành thắng lợi trở về (3)”.

CPCMLTCHMNVN ra đời đánh dấu thắng lợi mới có ý nghĩa lịch sử của cách mạng miền Nam, một thắng lợi trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam, một chính quyền thực sự dân tộc và dân chủ. Chính phủ Cách mạng lâm thời ra đời còn là một đòn giáng mạnh vào chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ. Việc thành lập Chính phủ là một cuộc vận động trung lập, mở rộng hàng ngũ của Mặt trận cách mạng, là đòn tiến công chính trị mạnh mẽ phối hợp với cuộc tiến công quân sự và giải pháp 10 điểm về ngoại giao của ta, nâng cao uy tín của cách mạng miền Nam Việt Nam trên thế giới.

Ngày 12.6.1969, tại phiên họp thứ 21 của Hội nghị Paris, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của CPCMLTCHMNVN Nguyễn Thị Bình chính thức công bố trước hội nghị sự kiện MTDTGPMNVN và LMCLLDTDC&HBVN triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân thống nhất thành lập CPCMLTCHMNVN và Hội đồng Cố vấn bên cạnh chính phủ. Tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình nêu rõ: “MTDTGPMNVN và LMCLLDTDC&HBVN đã cùng với các chánh đảng, các đoàn thể, các dân tộc, các tôn giáo và các nhân sĩ yêu nước triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để nhận định tình hình, đề ra đường lối, chủ trương trong giai đoạn mới, lập ra CPCMLTCHMNVN và Hội đồng Cố vấn bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời để lãnh đạo toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng.

Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam, một đại hội đoàn kết với đông đủ đại biểu các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam đánh dấu một bước phát triển mới của cuộc kháng chiến, biểu hiện tập trung ý chí của toàn dân quyết đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng. Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã quyết định nhiệm vụ thời kỳ trước mắt tăng cường đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi lực lượng tán thành độc lập, hòa bình, trung lập, kiên trì đẩy mạnh công cuộc chống Mỹ, cứu nước, đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ ngụy quyền tay sai phản động, hoàn thành giải phóng miền Nam tạo điều kiện cơ bản để xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và phồn vinh tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.… Để đảm đương trách nhiệm lịch sử lãnh đạo toàn quân và toàn dân thực hiện những mục tiêu cấp bách của cách mạng, Đại hội đã quyết định thành lập CPCMLTCHMNVN và Hội đồng Cố vấn bên cạnh Chính phủ. CPCMLTCHMNVN là cơ quan hành pháp cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, có nhiệm vụ lãnh đạo các ngành các cấp động viên toàn dân đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà… Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ hiệp thương chính trị ở miền Nam Việt Nam, tán thành hòa bình, độc lập, trung lập để lập chính phủ liên hiệp lâm thời trên nguyên tắc bình đẳng, dân chủ và tôn trọng lẫn nhau… Đây là biểu hiện quyền tự quyết thực sự của nhân dân miền Nam Việt Nam (4)”.

Yếu tố liên hiệp rộng rãi của CPCMLTCHMNVN và Hội đồng Cố vấn đã giúp cho những người Việt Nam dù đứng ở bên này hay bên kia thấy mình vẫn có một phần trong đó, để rồi khi gặp điều kiện thuận lợi thì tình dân tộc, nghĩa đồng bào trỗi dậy. Luật sư Nguyễn Phước Đại- nguyên Phó Chủ tịch Thượng viện chế độ Sài Gòn đã viết: “Mười mấy năm xa cách tôi vẫn không bao giờ quên lời anh (luật sư Nguyễn Hữu Thọ - NV) khuyên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm điều gì phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc. Ngược lại phải biết tùy cơ ứng biến để giúp nước, giúp dân. Do đó, trong chế độ cũ, tôi làm dân biểu hay Nghị sĩ Quốc hội Sài Gòn, có lúc làm Phó Chủ tịch Thượng nghị viện Sài Gòn, tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với tổ chức cách mạng, tìm mọi cách giúp đỡ che giấu cán bộ cách mạng trong nhà thoát khỏi sự vây bắt của Mỹ - ngụy (5)”.

Tuy chỉ tồn tại trong 6 năm, từ tháng 6.1969 đến tháng 7.1975, nhưng sự hiện diện của CPCMLTCHMNVN là một bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và vẫn còn để lại những bài học đặc biệt sâu sắc cho hôm nay, trong đó đặc biệt là chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Vũ Trung Kiên

(1) Dẫn theo Hà Minh Hồng (Chủ biên), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 72

(2) Trịnh Nhu (Chủ biên), Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 733

(3) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 330

(4) Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tập 1, tr. 193-194

(5) Nguyễn Hữu Châu, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Hành trình yêu nước, Nxb Trẻ 2012, tr. 61

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-2-lien-hiep-de-quy-tu-suc-manh-dai-doan-ket-a173655.html