Kỳ 2: Nâng cao năng lực và tính chủ động về ngân sách Nhà nước của Thủ đô

Về tiền thu từ đất (khoản 5 Điều 35): Quy định này xác định, Ngân sách TP Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn vốn trên cơ sở đề xuất của TP Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

 Ảnh chụp tại khu vực Vinhomes Ocean Park, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Ảnh chụp tại khu vực Vinhomes Ocean Park, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Xác định tỷ lệ điều tiết cụ thể, cao hơn dự kiến của Luật Ngân sách nhằm tạo nguồn lực cho TP

Hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các địa phương đang được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Tuy nhiên trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Ngân sách Nhà nước sẽ được sửa đổi và quy định tỷ lệ điều tiết, phân chia khoản thu này giữa trung ương và địa phương.

Như vậy, quy định này nhằm ưu đãi, cho phép TP được giữ lại “tối đa” các khoản thu từ đất, trên cơ sở hằng năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể (có thể cao hơn tỷ lệ theo quy định của Luật Ngân sách) nhằm giúp Hà Nội có thêm nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ trọng điểm, cụ thể do TP đề xuất; trong đó có cả việc chi cho di dời, hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở của Trung ương và TP theo quy hoạch.

Có ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và một số cơ quan, đơn vị đề nghị cân nhắc việc quy định “được giữ lại tối đa” là chưa rõ, chưa xác định được khoản giữ lại cho ngân sách TP là bao nhiêu để có căn cứ thực hiện. Quy định này sẽ rất khó có hiệu lực khi Luật Ngân sách Nhà nước được sửa đổi quy định về nội dung này. Đồng thời, việc giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể là cần xem xét lại sự phù hợp về thẩm quyền quyết định liên quan đến phân bổ ngân sách.

Chính vì vậy, đối với quy định này, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề nghị Quốc hội xem xét theo hướng: xác định tỷ lệ điều tiết cụ thể, cao hơn dự kiến của Luật Ngân sách nhằm tạo nguồn lực cho TP; đồng thời, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định về tỷ lệ điều tiết cao hơn cho Thủ đô trong 1 giai đoạn nhất định gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng điểm, hoặc nhiệm vụ do Trung ương giao.

PGS.TS Bùi Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại cho rằng, các biện pháp kể trên có vai trò nâng cao năng lực và tính chủ động về ngân sách Nhà nước của Thủ đô nhằm thực hiện các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển.

Các biện pháp như áp dụng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội, ngân sách Thủ đô Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, sẽ có những cải thiện đáng kể đối với năng lực ngân sách Nhà nước của Thủ đô.

Đối với biện pháp được thưởng 100% khoản vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (nhưng không vượt quá số tăng thu so với thực hiện thu năm trước) mà không phụ thuộc vào tổng số vượt thu của ngân sách Trung ương, chỉ riêng biện pháp này sẽ giúp ngân sách Nhà nước của Thủ đô tăng thu từ 17-20 nghìn tỷ mỗi năm, và đạt tổng mức thu khoảng 94 nghìn tỷ cho cả giai đoạn 2021-2025.

Tác động hết sức quan trọng của các giải pháp này là nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng của Thủ đô, nâng cao tính chủ động và tính tập trung của ngân sách Nhà nước của Thủ đô khi phân bổ, sử dụng và giải ngân các nguồn lực về ngân sách Nhà nước cho các mục đích chi đầu tư phát triển.

Năng lực, tính chủ động và tính tập trung nguồn vốn ngân sách cho các hoạt động đầu tư phát triển của Thủ đô sẽ được cải thiện mạnh mẽ thông qua các biện pháp cụ thể như quyết định sử dụng số tăng thu từ kết dư ngân sách năm trước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, được thưởng 100% khoản vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Điểm đáng chú ý là các biện pháp có tính khả thi cao do phần lớn các nguồn vốn này nằm trong khả năng thu của Thủ đô và không ảnh hưởng đáng kể tới cân đối ngân sách Nhà nước Trung ương. Vấn đề có tính chất quyết định là Thủ đô sẽ được trao quyền chủ động quyết định và có được một cơ chế rõ ràng về việc sử dụng, phân bổ và giải ngân các nguồn vốn này cho các mục đích chi đầu tư phát triển, tập trung cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.

Thông qua các quy định về biện pháp này trong Luật Thủ đô, nó sẽ tháo gỡ một nút thắt quan trọng về sự thiếu hụt nguồn vốn để chi cho đầu tư phát triển của Thủ đô trong giai đoạn 2021-2030 và các giai đoạn tiếp theo trong tương lai. Từ đó, tác động lớn nhất của giải pháp chính sách này là góp phần giải được bài toán về vốn đối với các công trình đầu tư công, đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng của Thủ đô.

Phương án nào phù hợp với việc sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất

Liên quan đến việc huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội. Nội dung này là phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đất đai khi quy định các địa phương được hưởng 100% khoản thu từ đất mà không phải điều tiết về ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương quy định: “Có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương”, đồng thời, Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng yêu cầu sắp tới phải có sự điều tiết hợp lý về ngân sách Trung ương đối với khoản thu này.

Do vậy, cần nghiên cứu để quy định một cách phù hợp, thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Về nội dung này, dự thảo Luật Thủ đô cũng đưa ra phương án thứ hai, không quy định nội dung này tại dự thảo Luật Thủ đô mà sẽ nghiên cứu quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước khi Luật này sửa đổi, bổ sung.

Thứ hai, về huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội. Dự thảo đưa ra 2 phương án về việc huy động nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP Hà Nội: Phương án 1 cho rằng, để tạo nguồn lực ban đầu cho Hà Nội, cần có cơ chế đặc thù để Hà Nội có tiềm lực thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức PPP, dự án phát triển đô thị theo TOD, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời, thì cần thiết phải quy định ngân sách TP Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội.

Phương án 2 cho rằng không quy định nội dung này tại dự thảo Luật Thủ đô mà sẽ nghiên cứu quy định tại Luật Ngân sách nhà nước khi luật này được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc “Có cơ chế điều tiết hợp lý hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương”. Lý do là, nội dung dự thảo hiện tại tuy phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 hiện hành nhưng sẽ lại mâu thuẫn với Luật Ngân sách Nhà nước dự kiến sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo quan điểm của PGS.TS Bùi Hữu Đức, phương án 1 sẽ là phù hợp hơn cả nhằm tạo cơ chế rõ ràng, thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có nguồn lực đầu tư, phát triển. Đồng thời, về huy động nguồn lực tài chính cho Thủ đô, chúng ta cần tiếp cận theo hướng, Luật Ngân sách Nhà nước là luật chung, quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các địa phương; Luật Thủ đô là luật riêng, có thể quy định những nội dung mang tính đặc thù.

Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước cần ghi nhận nguyên tắc công nhận tính đặc thù, ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô khi có sự khác biệt liên quan đến huy động ngân sách của chính quyền TP Hà Nội. Việc quy định theo hướng này sẽ đảm bảo nội dung về huy động nguồn lực tài chính trong Luật Thủ đô vừa phù hợp Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, vừa phù hợp với quy định mang tính nguyên tắc khi Luật Ngân sách được sửa đổi, bổ sung trong tương lai.

(Còn nữa)

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-nang-cao-nang-luc-va-tinh-chu-dong-ve-ngan-sach-nha-nuoc-cua-thu-do-361498.html