Kỳ 2: Nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay

Các vụ việc phát sinh được thành viên trong tổ phát hiện, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, qua đó giúp chính quyền địa phương, cơ quan hành chính các cấp giảm bớt áp lực trong giải quyết vụ việc.

Nhờ triển khai những mô hình hiệu quả, cách làm hay, công tác hòa giải ở cơ sở giúp nhiều địa phương kịp thời giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân theo hướng “đúng sai phân minh - lý tình trọn vẹn”, góp phần gắn kết khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hòa giải viên tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Hòa giải viên tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Tổ hòa giải điểm về an ninh trật tự

Trong công tác hòa giải ở cơ sở, không ít hòa giải viên còn thụ động, chưa có kỹ năng nắm bắt nguyên nhân mâu thuẫn, tranh chấp, đặc biệt là chưa làm tốt công tác giáo dục pháp luật, chưa chủ động ngăn ngừa mầm mống phát sinh tranh chấp nên số vụ đưa ra hòa giải còn nhiều và kết quả hòa giải thành chưa đạt như mong muốn.

Để công tác này đạt hiệu quả cao, năm 2022, UBND xã Long Chữ, huyện Bến Cầu chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch xã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xã triển khai thực hiện điểm mô hình “Tổ hòa giải điểm về an ninh trật tự”. UBND xã ban hành quyết định củng cố, kiện toàn, đề ra quy chế tổ chức và hoạt động của “Tổ hòa giải điểm về an ninh trật tự” ấp Long Hòa.

Ông Lê Trung Đựng, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã cho biết, để thực hiện mô hình, công chức Tư pháp xã mời các thành viên trong tổ hòa giải thí điểm để góp ý và định hướng trong việc chủ động ngăn chặn, không để xảy ra tranh chấp. Khi trực tiếp hoặc gián tiếp phát hiện những vấn đề có thể dẫn đến tranh chấp trong khu dân cư (đối với những việc chưa xảy ra tranh chấp), hòa giải viên tiếp cận và làm “trọng tài” định hướng cho các bên tìm tiếng nói chung.

“Để tăng tính hiệu quả cao, ít tốn công và thời gian, tổ trưởng tổ hòa giải phải phân công thành viên phụ trách tổ dân cư tự quản theo dõi, nắm bắt tình hình nếp sống, cách sinh hoạt và những mầm mống dễ xảy ra tranh chấp giữa các hộ dân, cá nhân trong khu dân cư, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời”- ông Đựng chia sẻ.

Thời gian qua, các hòa giải viên ấp Long Hòa phát hiện trong địa bàn phát sinh những vấn đề có dấu hiệu mâu thuẫn, qua đó kịp thời xử lý nóng, số còn lại được đưa ra hòa giải đúng quy định. Chính từ hiệu quả nêu trên, “Tổ hòa giải điểm về an ninh trật tự” được Phòng Tư pháp huyện ban hành công văn hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng mô hình.

Để mô hình “Tổ hòa giải điểm về an ninh trật tự” đạt hiệu quả cao, lãnh đạo UBND xã cho rằng, hòa giải viên cần phải nghiên cứu pháp luật, có tâm và nhiệt tình công tác. Tổ trưởng tổ hòa giải phải chủ động phân công thành viên bám theo tổ dân cư tự quản để nắm những vấn đề có thể dẫn đến mâu thuẫn trong nhân dân, có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để xảy ra tranh chấp.

Đúng lý - giữ tình

Trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Tổ hòa giải ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành đã tiếp nhận 82 vụ, hòa giải thành 68 vụ (đạt tỷ lệ 82,9%). Đa phần các vụ việc có liên quan đến tranh chấp dân sự, hôn nhân - gia đình và đất đai...

Ông Đỗ Văn Hạnh- Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Suối Dộp cho biết, tổ hiện có 10 thành viên, gồm Trưởng ấp, Trưởng Ban công tác Mặt trận, các chi hội trưởng của các đoàn thể như Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, người uy tín, công an viên…

Các vụ việc phát sinh được thành viên trong tổ phát hiện, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, qua đó giúp chính quyền địa phương, cơ quan hành chính các cấp giảm bớt áp lực trong giải quyết vụ việc, không gây mất an ninh trật tự, khiếu kiện vượt cấp.

Để hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt được những kết quả tốt, tỷ lệ hòa giải thành cao, các hòa giải viên trong tổ không quản ngại khó khăn, vất vả để hàn gắn những rạn nứt về tình cảm của đôi bên; đồng thời tận tâm, nhiệt tình vun đắp sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư.

Quá trình hòa giải, hòa giải viên luôn mở sổ theo dõi, ghi chép về việc giải quyết các vụ việc hòa giải; báo cáo đầy đủ, đúng thời gian theo quy định và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn nghiệp vụ.

“Muốn làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở phải giữ “tình” trong từng vụ việc, vậy mới giữ được tình làng, nghĩa xóm. Bên cạnh đó, cần phải có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở”- ông Hạnh nói.

Lực lượng Công an làm tốt công tác nắm bắt tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở.

Lực lượng Công an làm tốt công tác nắm bắt tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở.

Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành

Toàn huyện Gò Dầu có 58 tổ hòa giải ở cơ sở, nhưng hoạt động cũng còn một số hạn chế. Trong đó năm 2022, hai xã Phước Trạch, xã Thanh Phước có tỷ lệ hòa giải thành thấp, đạt dưới 80%. Bên cạnh đó, trình độ pháp luật của các tổ hòa giải chưa cao cũng như chưa nắm được các văn bản pháp luật có liên quan để giải quyết vụ việc tranh chấp trong nhân dân nên kết quả đạt chưa cao.

Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở địa phương còn hạn chế. Trước tình hình trên, để phấn đấu thực hiện hòa giải 100% các vụ việc tranh chấp theo quy định, trong đó hòa giải thành đạt trên 90%, Phòng Tư pháp huyện xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội Luật gia huyện để thực hiện nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Phòng Tư pháp lựa chọn hai địa phương có tỷ lệ hòa giải đạt thấp so với các xã, thị trấn là Thanh Phước, Phước Trạch để triển khai thực hiện. Sau đó, Phòng Tư pháp trực tiếp tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên của xã; hướng dẫn các tổ hòa giải các bước tiến hành hòa giải, cách tra cứu các văn bản luật để giải quyết tình huống tranh chấp; đồng thời biên soạn 16 bộ tài liệu giải quyết tình huống tranh chấp gửi cho 16 tổ hòa giải của hai xã.

Hội Luật gia huyện Gò Dầu còn chỉ đạo thành viên Hội Luật gia các xã hỗ trợ cho các tổ hòa giải trên địa bàn. Phòng Tư pháp và Hội Luật gia cử người tham gia hỗ trợ hòa giải trong hoạt động hòa giải tại hai xã Thanh Phước, Phước Trạch. Năm 2023, các tổ hòa giải ở hai xã này đã tiếp nhận, đưa ra hòa giải thành 6/6 đơn, đạt tỷ lệ 100%. Cách làm trên đã giúp tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải của các xã được hòa giải thành đạt tỷ lệ 100%.

Từ những mô hình hiệu quả, cách làm hay của các đơn vị, địa phương, có thể khẳng định mục tiêu cao nhất và cuối cùng của công tác hòa giải ở cơ sở là hóa giải tranh chấp, giữ gìn, bảo vệ khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Cho thấy, công tác hòa giải ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, hiệu quả, góp phần giữ gìn đoàn kết trong nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm, đạo lý truyền thống tốt đẹp, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Để kịp thời hòa giải những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành quy định tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về hoạt động hòa giải cơ sở, khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, người dân sẽ đề nghị được hòa giải ở cơ sở, từ đó góp phần tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân, ổn định an ninh trật tự tại địa phương, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Thiên Di - Phương Thảo

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-2-nhieu-mo-hinh-hieu-qua-cach-lam-hay-a169427.html