Kỳ 2: Những khó khăn chưa được tháo gỡ
Chủ trương xã hội hóa đã giúp hệ thống sản xuất và phân phối nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố có những bước tiến đáng kể, qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về chất lượng cũng như số lượng. Tuy nhiên, đây cũng là trở ngại khi mà 'miếng bánh' thị phần ngày một bé đi trong khi suất đầu tư lại tăng lên.
Mật độ dân cư không đồng đều
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, các đơn vị trong ngành nước hoàn thành phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn cho khoảng 27 xã, quy mô khoảng 240.000 người. Các khu vực được “phủ sóng” bao gồm: 7 xã huyện Đông Anh, 5 xã huyện Phú Xuyên, 7 xã huyện Chương Mỹ, 3 xã huyện Sóc Sơn, 4 xã huyện Ứng Hòa, 1 xã huyện Ba Vì. Tổng số người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch lên khoảng 85%.
Với quy mô mở rộng như vậy, mạng lưới nước sạch của Hà Nội hiện nay đang được chia thành 7 khu vực. Đầu tiên phải kể đến khu vực 12 quận nội thành và các xã ven đô, hiện do các đơn vị là: Công ty THHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty Cổ phần và sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông. Tại khu vực này, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch cơ bản đạt gần 100%, tỷ lệ nước thất thu chung trên toàn hệ thống là 15%.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đang quản lý cung cấp trực tiếp cho 10 quận huyện là: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, phụ cận một phần quận Nam Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh; cấp nguồn qua đối tác là Công ty Nước sạch số 2 và 3 để phân phối đến 5 địa bàn gồm: Quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên cùng các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, một phần huyện Mê Linh. Công ty Cổ phần Viwaco hiện đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 171.000 khách hàng tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì với nhu cầu khoảng 234.000m3/ngày đêm. Công ty nước sạch Hà Đông hiện đang quản lý dịch vụ cấp nước cho 200.000 khách hàng tại khu vực quận Hà Đông, một phần quận Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên.
Khu vực thứ 2 là khu vực nông thôn dọc theo Đại lộ Thăng Long gồm các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và Hoài Đức. Việc cung cấp dịch vụ cấp nước cho khoảng 80.000 khách hàng do Công ty Đồng Tiến Thành Thủ đô và Công ty Cổ phần Tây Hà Nội thực hiện. Khu vực này sử dụng nguồn nước sạch sông Đà với nhu cầu sử dụng nước khoảng 58.000 m3/ ngày đêm. Thứ 3 là khu vực thị xã Sơn Tây và một số xã của huyện Phúc Thọ với 53.870 khách hàng, nhu cầu sử dụng nước trung bình khoảng 29.100m3/ngày đêm. Tiếp theo là khu vực huyện Ba Vì, dịch vụ cấp nước hiện chủ yếu do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì thực hiện cung cấp cho 30.837 khách hàng.
Việc cấp nước tại khu vực huyện Phú Xuyên do Công ty Cổ phần cấp nước Hà Nam thực hiện, khu vực này hoàn toàn tự chủ trong việc cấp nước cho nhân dân. Còn tại huyện Chương Mỹ, đơn vị phân phối là Công ty môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện tiếp nước từ dự án sông Đà. Khu vực này sẽ bị ảnh hưởng khi nguồn cấp từ nhà máy nước sạch sông Đà giảm lưu lượng, áp lực. Cuối cùng là khu vực 133 xã nông thôn còn lại hiện đang sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước cục bộ và nguồn nước giếng khoan, giếng đào, nước mưa… do các hộ tự khai thác.
Thống kê từ khu vực 1 đến khu vực 7 cho thấy, trong khi lượng khách hàng giảm dần thì diện tích cung ứng lại tăng lên. Đây là bài toán khó của các nhà hoạch định chính sách khi phải vừa cân đối giữa việc đảm bảo đời sống dân sinh và chi phí đầu tư của doanh nghiệp.
Hệ lụy từ “giá”
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, Thành phố hiện còn 133 xã chưa có nước sạch, trong đó 105 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm và 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án. Báo cáo của Sở Xây dựng cũng nêu rõ, với các địa bàn này liên danh Aqua One - Sông Đuống nhận 100 xã, 5 xã đã giao nhà đầu tư tại huyện Phúc Thọ. Riêng với 28 xã chưa có nhà đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã thẩm định và giao 8 đơn vị cấp nước trên địa bàn thực hiện 10 dự án mở rộng mạng lưới cấp nước.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao, tiếp nhận, Sở Xây dựng cũng kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư, chấm dứt hoạt động các dự án đầu tư chưa triển khai, chậm triển khai, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành. Lý thuyết là vậy nhưng vì nhiều nguyên nhân, không ai dám khẳng định các dự án này sẽ được thuận lợi triển khai đúng tiến độ.
Nhắc lại hành trình 15 năm “phủ sóng” nước sạch, Hà Nội đã kêu gọi nhiều dự án, huy động sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp, song việc triển khai càng ngày càng khó. Nguyên nhân được chỉ rõ, đó là chi phí đầu tư ngày một lớn, trong khi “miếng bánh” thị phần thì ngày một bé đi. Lấy ví dụ, nếu ở khu vực đô thị, khi có nhiều hộ dùng chung một nguồn nước, lại có nhiều nhà hàng, khách sạn, đơn vị sản xuất nên công suất sử dụng cao, từ đó mức thu giá cũng ổn định. Còn tại khu vực nông thôn, dân cư thưa thớt, có những đoạn đường ống phải thi công cả 100m mới vào được 1 nhà. Do đó, nhiều nhà đầu tư tính toán nếu nhu cầu sử dụng trên 10m3/tháng thì mới có lãi, trong khi đó, người dân còn có nước mưa, nước giếng khoan nên nhu cầu sử dụng rất ít. Thực tế đã có những hộ sau khi lắp đặt nhưng không sử dụng hoặc chỉ dùng 1 phần rất ít để nấu ăn.
Điều đáng nói, không chỉ tại các khu vực ngoại thành, việc giá nước sinh hoạt được neo ổn định trong một thời gian dài, trong khi giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công biến động lớn, cũng khiến công tác vận hành, duy trì nguồn cung cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như mức tỷ lệ thất thoát nước tại khu vực 1 là 15% như báo cáo Sở Xây dựng đã nêu, nhưng với mức giá đủ bù chi như hiện, số còn lại không đủ để tiến hành sửa chữa, nâng cấp, thay thế thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, mức giá Thành phố đang quy định cũng gây khó cho các doanh nghiệp kinh doanh khi phải bổ sung nguồn cung nước sạch từ các đơn vị khác nhau. Đơn cử như cùng sử dụng nguồn cung là nước sạch sông Đà nhưng khi các địa phương như: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì… vốn là nơi đông dân cư có nhu cầu tăng cao thì các khu vực ít khách hàng lại nằm vị trí cao hơn như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức sẽ bị thiếu nước sạch. Trong trường hợp này, phương án được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra là sẽ bổ sung nguồn cấp của nước mặt sông Đuống. Lý thuyết là vậy nhưng việc chênh giá giữa hai nhà cung ứng đã khiến phương án này khó triển khai. Thực tế là đã khoảng 2 tuần trở lại đây, nhiều người dân khu vực huyện Hoài Đức đang sống trong cảnh thiếu hoặc không có nước sạch sử dụng.
Tuấn Dũng - Kim Tiến
(Còn nữa)
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-2-nhung-kho-khan-chua-duoc-thao-go-156260.html