Kỳ 2: Nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh
Theo đánh giá của một số phụ huynh có con em đang ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, thì việc học tiếng Anh liên kết được đánh giá là tiết sinh hoạt ngoại khóa, một buổi 'văn nghệ' để tạo môi trường giáo dục toàn diện về 'trí - đức - thể - mỹ' cho học sinh. Tuy nhiên, học phí cho các buổi ngoại khóa gắn mác tiếng Anh liên kết chưa tương xứng với nhu cầu người học.
Khó quản lý học tiếng Anh liên kết, kỹ năng sống trong giờ học chính khóa:
Môn liên kết sắp xếp vào giờ học chính khóa là chưa phù hợp
Từ năm 3 tuổi, cậu con trai sinh năm 2017 của nhà chị N.T.N.B (trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) được bố mẹ đăng ký học tiếng Anh tại Trường mầm non Chu Văn An với mức học phí là 500.000 đồng/tháng. Theo lịch học là khoảng 2 tiết mỗi tuần cho thời lượng 30-45 phút/tiết. Khung giờ học buổi chiều, thường từ 14h30 - 15h30.
Năm nay, con chị B vào lớp 1 học tại Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc với lịch thời khóa biểu học 3 tiết tiếng Anh mỗi tuần. Trong đó, 1 tiết tiếng Anh theo chương trình giáo dục chung, 1 tiếng Anh Toán và 1 tiết tiếng Anh liên kết. Học phí cho tiếng Anh liên kết là 150.000 đồng/tháng.
Chị B cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã gửi đơn đăng ký học tiếng Anh liên kết với một trung tâm ngoại ngữ để phụ huynh ký cam kết trên tinh thần “tự nguyện”. “Lớp học với sĩ số 38 học sinh, tính ra mức học phí 150.000 đồng/tháng chia ra 4 tiết/tháng như vậy mỗi tiết học mỗi học sinh mất phí gần 40.000 đồng/em. Nếu nhân với số lượng học sinh thì mỗi tiết học cũng là số tiền không nhỏ”, chị B nhẩm tính.
Theo chị B, trong 3 năm học mầm non, con trai chị B chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Anh về các đồ vật, màu sắc. Dù nhà trường cũng quảng bá việc mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy, tuy nhiên mức độ tiếp thu của mỗi trẻ mỗi khác, riêng con trai chị vẫn còn hạn chế. Đến nay, mặc dù vẫn đăng ký học tiếng Anh liên kết tại trường cho con theo đại trà nhưng chị B cũng không kỳ vọng lắm vào sự tiến bộ của con. Các chương trình lớp 1 hiện nay khá áp lực với con trẻ, con trai chị B vẫn còn chưa đọc đúng được bảng chữ cái tiếng Việt, hạn chế tập đánh vần thì việc học tiếng Anh liên kết giống như một hoạt động ngoại khóa, làm quen với một “ngôn ngữ thứ hai” sau tiếng Việt.
Nhìn vào thời khóa biểu của con hiện tại, chị B cho hay: Tiết học tiếng Anh liên kết tại lớp 1 được xếp lịch ngày thứ 4 trong khung giờ 9h40-10h20, trước tiết học Toán (khung giờ 10h25-11h) là chưa phù hợp. Theo lịch thời khóa biểu được thay đổi định kỳ từng tháng, tuy nhiên tiết tiếng Anh liên kết vẫn cố định.
Đăng ký học tiếng Anh ngoại khóa để con không “tủi thân”
Nhớ lại buổi họp phụ huynh cho con 5 tuổi tại Trường tiểu học Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), chị N.T.G vẫn nhớ nguyên vẹn ý kiến của một phụ huynh cho rằng, năm học này các cô giáo tập trung dạy chữ tiếng Việt để các cháu có nền tảng vững chắc chuẩn bị vào lớp 1. Bên cạnh đó, nên bỏ hoàn toàn việc dạy tiếng Anh trong trường. Bởi hơn 2 năm đăng ký học tiếng Anh cho con, con cũng chỉ biết nói “Hello” hay “Teacher”, trong đó nhiều cháu tiếng Việt còn nói ngọng, chưa sõi.
Tiếp thu ý kiến của phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm N.T.L đã ghi nhận và sẽ chuyển ý kiến lên ban giám hiệu nhà trường xem xét. Tuy nhiên, sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm nhắn tin lên nhóm lớp về việc các phụ huynh đăng ký học tiếng Anh cho con. Thời điểm đầu năm học, danh sách chỉ có 13 học sinh trong tổng số 27 học sinh đăng ký học tiếng Anh. Giữa tháng 11/2023, ngay khi Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương ra Văn bản số 2075/SGDĐT-GDtrH-GDTX lưu ý về triển khai dạy học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài theo hình thức xã hội hóa trong các trường tiểu học và THCS năm học 2023-2024 thì cơ sở Trường mầm non Hoàng Diệu cũng rục rịch khởi động lại chương trình học tiếng Anh liên kết.
Theo nội dung tin nhắn cô giáo gửi phụ huynh, có viết: “Những học sinh đăng ký học tiếng Anh năm học này đa số các bạn chọn 50% giáo viên nước ngoài, 50% giáo viên Việt Nam. Theo đó, mỗi buổi là 15.000 đồng/tiết. Các con sẽ học 8 tiết/tháng với học phí 120.000 đồng/tháng. Có phụ huynh thay đổi hoặc có nhu cầu đăng ký thêm thì thông báo tới giáo viên chủ nhiệm lớp”. Ngay sau đó, một số phụ huynh đăng ký cho con học thêm.
Theo chia sẻ của chị G, rút kinh nghiệm từ việc không đăng ký học tiếng Anh cho con năm học 2021-2022 với 2 buổi học tiếng Anh trong tuần, con của chị G phải ngồi tạm sang lớp nhà trẻ mẫu giáo 2 tuổi để “nhường” lớp học cho các bạn đăng ký học tiếng Anh. Về nhà, con chị G thường chia sẻ cảm thấy buồn, tủi thân khi không được tham gia học cùng các bạn trong lớp. Nghĩ rằng, việc học tiếng Anh tại lớp để con làm quen, tham gia hoạt động ngoại khóa nên từ năm học 2022-2023 đến nay chị G đã đăng ký học tiếng Anh cho con ngay từ ban đầu.
Giữa thời điểm, từ khóa “tiếng Anh liên kết” đang trở thành chủ đề “nóng” trong ngành giáo dục hiện nay, nhiều địa phương đã có chỉ đạo về việc rà soát, chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, khắc phục những hạn chế của loại hình giáo dục này.
Mới đây, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã gửi công văn tới các trường trên địa bàn huyện yêu cầu tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết kể từ 27/11/2023. Yêu cầu các trường tuyên truyền đến các bậc cha mẹ học sinh về việc tạm dừng các hoạt động liên kết, đề nghị hiệu trưởng nhà trường nghiêm túc thực hiện. Trước đó, theo phản ánh của báo chí, một số phụ huynh Trường mầm non Tam Hưng A (huyện Thanh Oai) bày tỏ bức xúc khi nhà trường tổ chức dạy các chương trình ngoại khóa trong giờ chính khóa.
Trước những vấn đề bức xúc từ phía phụ huynh, học sinh, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai (Hà Nội) ra văn bản chấn chỉnh hoạt động liên kết đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm, nhận được sự ủng hộ từ người dân.
(Còn nữa)