Kỳ 2: Thành phố an toàn và bình yên
Đứng trước tốc độ phát triển đô thị chóng mặt, câu chuyện giữ an ninh trật tự ở Hà Nội luôn được chú trọng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Thực tế cho thấy, thời gian qua, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được giữ vững và ổn định. Hiện tượng khủng bố, phá hoại, 'điểm nóng' về an ninh trật tự… về cơ bản được ngăn chặn và không để nảy sinh. Nhờ vậy, các sự kiện chính trị quan trọng trong nước và quốc tế khi được tổ chức tại Hà Nội đều thành công và được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác an ninh, trật tự nên Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn, bình yên với du khách.
Giữ vững an ninh chính trị
Theo ghi nhận từ Ban chỉ đạo Chương trình 05-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016-2020” được tổ chức mới đây cho thấy, thời gian qua Hà Nội là một trong những địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, nhất là các Hội nghị quốc tế lớn như: APPF26, GMS-6, CLV-10, WEF ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều…
Đáng chú ý, công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội của Thành phố luôn được giữ vững và ổn định; không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị quan trọng. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên là một ví dụ. Theo đó, Hà Nội trở thành tâm điểm của thế giới khi được chọn là nơi diễn ra Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Sự kiện này thu hút khoảng 3.000 phóng viên quốc tế, hàng trăm hãng thông tấn quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên việc tổ chức thành công hội nghị là công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Theo tìm hiểu, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Công an TP Hà Nội được huy động phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã bố trí tại các tổ, kíp chiến đấu, triển khai công tác bảo vệ tại các điểm chốt. Sức mạnh tổng hợp đó đã tạo thành hàng rào an ninh chặt chẽ, không để lọt bất cứ sự cố nào, dù là nhỏ nhất.
Ở khía cạnh bảo đảm an toàn giao thông, để các tuyến đường di chuyển của các đại biểu được thông suốt, lịch trình đúng giờ, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, để thực hiện nhiệm vụ, CSGT Hà Nội đã huy động 100% quân số chốt trực tại đơn vị, tiến hành kiểm tra thường xuyên hệ thống camera tại Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông để phát hiện các sự việc, có hướng xử lý kịp thời. Riêng đội ngũ có nhiệm vụ đón, dẫn, bảo vệ đoàn, Phòng CSGT đã lựa chọn các cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm, năng lực, nhất là các nữ chiến sĩ CSGT và chuẩn bị tốt phương tiện, xe cộ và công cụ hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả công việc cao nhất.
Xứng danh Thành phố vì hòa bình
Sau 2 thập kỷ đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, với nhiều đổi thay, đến nay, Thủ đô Hà Nội đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển để phát huy giá trị của danh hiệu này. Hà Nội vươn lên không chỉ là hình ảnh một thành phố sau chiến tranh mà còn là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực. Theo đó, không ít sáng kiến được hoan nghênh, tạo “cái nôi” sinh ra nhiều không gian sáng tạo. Phố đi bộ thuộc quận Hoàn Kiếm là một ví dụ.
Tại không gian này, những ngày cuối tuần du khách và đông đảo những người dân Thủ đô đều có thể tận hưởng một không gian công cộng đầy thi vị. Nhiều nhà nghiên cứu còn quả quyết, phố đi bộ đang trở thành điểm nhấn cho giới sáng tạo, giới trẻ, cho thấy môi trường chính sách về tiềm lực nhân trí sĩ đều rất lớn.
Nói sâu hơn về phố đi bộ, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bộc bạch, thời điểm manh nha triển khai phố đi bộ, ông còn đang đương nhiệm công tác tại quận Hoàn Kiếm. Thời điểm đó, đề xuất này dù hay song nhận không ít trái chiều từ dư luận. Song nhận thấy tiềm năng, lợi ích mà phố đi bộ mang lại ông vẫn mạnh dạn triển khai. Thực tế đã chứng minh sự quyết liệt ấy là đúng đắn. Ở phố đi bộ người ta có thể dễ dàng thấy “điểm nhấn” về Hà Nội. Thấy được nét trầm tích lưu giữ được những lớp kiến trúc lịch sử tiếp nối thông qua những nét kiến trúc đặc trưng. Bên cạnh sự giao thoa của các kiến trúc Pháp cổ với kiến trúc Việt Nam là những hình thái làng quê xen kẽ đô thị.
Mở rộng hơn vấn đề, theo lời nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Tọa, khi bàn về Hà Nội thì không thể thiếu khi nhắc đến con người. Người Hà Nội thanh lịch là cụm từ thiêng liêng mà khi nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến nơi quy tụ của những người yêu hòa bình. Chẳng thế mà, trong từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cho rằng “thanh lịch” có nghĩa là “thanh nhã, lịch sự”. Còn nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đạo Thúy giải thích hai từ “thanh lịch” rằng: Người Tràng An là người kinh kì “thanh”, không tục, không thô lỗ, “lịch”, lịch thiệp, lịch sự. Thanh lịch là cái phong cách sống của người Hà Nội.
Năm 2019 đánh dấu chặng đường 2 thập kỷ vừa qua của Thủ đô với danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Là trung tâm hành chính, kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đã tạo một môi trường sống yên bình, cởi mở và thực sự ươm mầm cho sự phát triển. Đó là một vinh dự và cũng là thách thức lớn để Hà Nội phấn đấu không ngừng xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu này để cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Giang Nam
Kỳ cuối: Tự hào người Hà Nội thanh lịch
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-thanh-pho-an-toan-va-binh-yen-93337.html