Kỳ 3: Là 'cầu nối' gắn kết tình cảm trong cộng đồng dân cư
Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là kênh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; cùng nhau xây dựng xóm làng, khu phố ngày càng phát triển trên tinh thần thượng tôn pháp luật…
Chuyện những người “vác tù và hàng tổng”:
Và để làm được điều đó, cán bộ địa phương trong đó có các hòa giải viên (HGV) là những người gần dân nhất cần phải nỗ lực mỗi ngày. Không chỉ nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc mà HGV cần phải có khả năng thuyết phục, vận động Nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có hiểu biết pháp luật…
Vị Trưởng thôn giỏi hòa giải
Hơn 12 năm tham gia công tác hòa giải với cương vị là Trưởng thôn kiêm Tổ phó tổ hòa giải số 3, thôn Đoài, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Quỳnh đã có nhiều đóng góp tiêu biểu trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Trong cuộc sống thường ngày ở miền quê hay phố thị thì chuyện xích mích, mâu thuẫn trong gia đình, nội tộc, hàng xóm… là điều không thể tránh khỏi và ở thôn Đoài cũng vậy. Do đó, những người làm công tác hòa giải như ông Quỳnh luôn là người làm cầu nối để gắn kết mọi người lại với nhau, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống cho Nhân dân.
Chia sẻ về kinh nghiệm hòa giải, ông Quỳnh cho rằng, ngoài kỹ năng của HGV, cần sự nhiệt tình, khôn khéo và phải có uy tín trước dân thì tiếng nói của mình mới phát huy và có trọng lượng. Người hòa giải phải biết làm cho tình hình “nóng làm cho nguội”, “việc bé thành việc không có gì” và phải kịp thời có mặt khi vụ việc vừa mới phát sinh. Bên cạnh đó, cá nhân HGV phải gần gũi với Nhân dân, phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Trong nhiều năm làm công tác hòa giải, ông Quỳnh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, trau dồi thêm nhiều kiến thức cùng với những kỹ năng nghiệp vụ được Phòng Tư pháp huyện tập huấn, bồi dưỡng, ông đã cùng tổ hòa giải số 3 áp dụng và hòa giải thành không biết bao nhiêu vụ việc.
Một trong những vụ việc hòa giải thành mà ông ấn tượng nhất đó là câu chuyện tranh chấp đất đai giữa hai người hàng xóm là ông T và ông V. Vào thời điểm đầu năm 2017, gia đình ông T giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà kiên cố thì phát hiện nhà ông V ở liền kề có xây bờ rào lấn sang phần đất nhà ông T là 15cm. Ông T gọi ông V trao đổi, hai bên lời qua tiếng lại rồi xảy ra mâu thuẫn, thách thức nhau.
Nắm được thông tin, ông Quỳnh cùng tổ hòa giải đã có mặt kịp thời mời hai gia đình về nhà văn hóa để hòa giải, trước khi hòa giải tổ hòa giải đã đến UBND xã Xuy Xá xác minh số đo diện tích của thửa đất hai nhà. Sau đó khảo sát thực tế tại mảnh đất đó thì cả hai nhà đều có số đo dư với lý do nhà ông V có hai mặt đường, nhà ông T có một mặt đường nên mỗi nhà có lấn ra ngoài một ít.
Tổ hòa giải trực tiếp phân tích cái đúng, cái sai của ông V và căn cứ vào thực tế tại 2 thửa đất thì ông V đã lấn sang nhà ông T tổng là 1m2. Ông Quỳnh giải thích rõ cho ông V nghe về việc mình lấn sang đất nhà ông T là không đúng được thể hiện ngay ở hiện trạng đất căn cứ vào các số đo do UBND xã cung cấp, ông V chỉ được sử dụng dụng phần đất nhà mình được cấp trong sổ đỏ. Còn ông T cũng phải hợp tác, nhất trí với phương án tổ hòa giải đưa ra. Nếu hai gia đình vẫn thấy không thỏa đáng thì mời địa chính xã về đo. Khi địa chính xã về đo thì phải trả tiền công đo đạc theo thị trường, nếu nhà ai thừa thì tập thể sẽ thu lại…
Với những lời lẽ thuyết phục có tình, có lý của HGV, hai gia đình đã bắt tay nhau hòa giải, tình làng nghĩa xóm được trọn vẹn. Khi nhà ông T xây xong, khánh thành nhà vẫn mời nhau cùng chung vui và ông V vui vẻ nhận lời.
Người “hóa giải” mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư
Hơn 40 năm gắn bó với công tác hòa giải, ông Đoàn Phú Quang, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải địa bàn dân cư 10, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc hết mình vì bà con khu phố, là người làm cầu nối, gắn kết tình làng nghĩa xóm, góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Với một người có thâm niên trong “nghề”, ông Quang đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc phức tạp, trong đó phải kể đến câu chuyện của vợ chồng ông G và bà M, sinh sống tại phường Cống Vị, quận Ba Đình có mua một căn nhà tại con ngõ nhỏ ở địa bàn dân cư 10, phường Vĩnh Phúc cho cậu con trai chuẩn bị lập gia đình ra ở riêng.
Con ngõ này có 14 hộ gia đình sinh sống, căn nhà vợ chồng ông G mua nằm áp chót, qua nhà ông G thì đến nhà bà N nằm cuối ngõ. Sau khi thủ tục mua bán xong xuôi, vợ chồng ông G tiến hành sửa chữa lại căn nhà, để đề phòng mưa lớn, nước tràn vào nhà, ông G cho nâng nền nhà cao thêm 40 cm. Tuy nhiên, vì nền nhà cao hơn mặt ngõ 60 cm nên ông G xây bậc tam cấp để lên xuống mà không hỏi ý kiến của các hộ trong ngõ, khiến các hộ gia đình bức xúc, đặc biệt là gia đình bà N.
Cho rằng, việc ông G xây bậc tam cấp để lên xuống đã chiếm mất 1/3 chiều rộng con ngõ, ảnh hưởng đến lối đi chung và nhà bà N là người ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, bà N đã nhiều lần gặp gỡ vợ chồng ông G đề nghị phá bỏ bậc tam cấp nhưng không nhận được sự hợp tác của người hàng xóm mới. Bức xúc trước thái độ của vợ chồng ông G, bà N đã gửi đơn ra tổ hòa giải.
Tiếp nhận đơn của bà N, ông Quang cùng tổ hòa giải đã tìm hiểu kỹ đầu đuôi sự việc và gặp gỡ hai bên gia đình để hòa giải. Ông Quang đã trực tiếp đến nhà ông G tại phường Cống Vị để phân tích, thuyết phục vợ chồng ông G phá bỏ bậc tam cấp… Sau đó, ông Quang gặp gỡ gia đình bà N và cũng phân tích đúng, sai trong cách hành xử của bà N khi vụ việc xảy bà đã có những lời nói không hay, ánh mắt thiếu thiện cảm. Ngoài ra, trong quá trình ông G thi công, bà N cũng không báo với chính quyền phường để để lực lượng chức năng phường có biện pháp can thiệp sớm, chỉ đến khi gia đình ông G hoàn thiện xong thì bà N mới có phản ánh…
Được nghe những lời nói “thấu tình, đạt lý” của ông Quang, vợ chồng ông G đồng ý phá bỏ bậc tam cấp và có lời xin lỗi đến bà con trong khu phố vì việc làm của gia đình ông đã ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết trong địa bàn dân cư. Còn bà N, sau khi nghe phân tích từ ông Quang, bà đã nhận lỗi và gửi lời cảm ơn cá nhân ông Quang cùng các thành viên tổ hòa giải.
Sau những nỗ lực, cố gắng không quản nắng mưa của ông Quang và tổ hòa giải, vụ việc được hòa giải thành, 14 hộ gia đình tại con ngõ nhỏ sống vui vẻ, đoàn kết, đặc biệt là gia đình bà N và gia đình con trai của vợ chồng ông G trở nên thân thiết, “tối lửa tắt đèn” có nhau.
(Còn nữa)