Kỳ 3: phát huy phương châm '4 tại chỗ'
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, yêu cầu xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), nhân rộng các mô hình an toàn PCCC phù hợp với từng địa bàn. Thời gian qua, TP đã nỗ lực triển khai hiệu quả các mô hình PCCC. Góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Trang bị kỹ năng cho người dân từ những mô hình phòng cháy tại cơ sở:
Tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức
Xác định công tác PCCC là nhiệm vụ then chốt, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC CA huyện Ba Vì đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng tại các xã, thị trấn.
Tại huyện Ba Vì, mô hình Tổ liên gia PCCC được thành lập gồm 5 đến 15 hộ dân sống liền kề nhau. Ngoài việc được trang bị một số thiết bị chữa cháy, các hộ gia đình tham gia mô hình còn được lắp đặt một chuông báo cháy, 2 nút báo cháy được liên kết với nhau. Khi xảy ra cháy, nổ, chỉ cần một gia đình ấn nút thì toàn bộ chuông của các gia đình khác cùng kêu. Nhờ đó, mọi người sẽ kịp thời phát hiện, huy động nguồn lực, nhanh chóng dập tắt đám cháy.
Mô hình Điểm chữa cháy công cộng được xây dựng tại các ngõ dân cư có lối ra vào hẹp, xe chữa cháy khó tiếp cận. Tại các điểm chữa cháy công cộng sẽ được trang bị các phương tiện chữa cháy thông dụng như: bình chữa cháy, tiêu lệnh và nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC.
Theo đại diện Đội Cảnh sát PCCC CA huyện Ba Vì, việc xây dựng và đưa các mô hình này vào hoạt động, bước đầu đã phát huy được tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể thực hiện công tác PCCC. Mô hình đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và cứu hộ.
Bên cạnh việc được đầu tư, trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình bọt, bình khí CO2… người dân còn được tập huấn kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC và CNCH, được hướng dẫn, cài đặt sử dụng các tính năng trên app “Báo cháy 114” nhằm đảm bảo xử lý nhanh, hiệu quả các vụ sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu, không để phát sinh gây hậu quả.
Được biết, sau một thời gian xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC và Điểm chữa cháy công cộng đã phát huy hiệu quả, người dân dập tắt kịp thời đám cháy tại xóm Đông, thôn Tri Lai, xã Đồng Thái ngay trước khi lực lượng chức năng đến chữa cháy, không để thiệt hại về người và tài sản.
Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện đã xây dựng 55 Tổ liên gia an toàn PCCC, 188 Điểm cháy công cộng, 10 mô hình PCCC. Các mô hình này đi vào hoạt động đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác PCCC; củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý, cứu chữa kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Nỗ lực xây dựng các mô hình từ cơ sở
Huyện Đan Phượng, Hà Nội có cụm công nghiệp lớn là Cụm công nghiệp thị trấn Phùng với diện tích hơn 35ha với hơn 2.000 lao động. Hoạt động sản xuất của các DN, đơn vị tại cụm sử dụng điện công suất lớn nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Để bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại cụm công nghiệp, tháng 12/2023 UBND huyện đã xây dựng mô hình Cụm liên kết an toàn PCCC trong cụm công nghiệp, vận động quần chúng Nhân dân tham gia, hỗ trợ ngay từ cơ sở.
Mô hình được tổ chức, vận hành trên nguyên tắc, các DN trong cụm công nghiệp tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế các vụ cháy nổ xảy ra; trang bị đầy đủ thiết bị PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ khi có sự cố…
Các DN xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn; phối hợp với CA huyện Đan Phượng trong việc kiểm tra, tự kiểm tra công tác an toàn PCCC… Khi xảy ra cháy nổ, toàn bộ DN tham gia Cụm liên kết an toàn PCCC trong các cụm công nghiệp sẽ nhận được cảnh báo để sẵn sàng hỗ trợ nhau giải quyết sự cố...
Thượng tá Đặng Trung Kiên - Phó Trưởng CA huyện Đan Phượng cho biết, mô hình này có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH của các đơn vị trong cụm. Phát huy phương châm “4 tại chỗ” sẽ tận dụng thời gian vàng cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra...
Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC được CA huyện Thường Tín, Hà Nội quyết liệt triển khai với sự hưởng ứng, đồng hành của đông đảo người dân trên địa bàn, đã thành phong trào lan tỏa. Trong năm 2023, mô hình này đã “phủ sóng” khắp các xã trên địa bàn huyện và mang lại hiệu quả cao.
Vừa qua, tại Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín là cơ sở đầu tiên trên địa bàn huyện thành lập Đội PCCC tự nguyện. Thôn Đông Cứu có làng nghề thêu truyền thống nổi tiếng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cùng với đó là nhiều nghề khác như làm giấy, may mặc… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Việc thành lập Đội PCCC tự nguyện ở thôn nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân địa phương trong việc phòng ngừa hỏa hoạn, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, góp phần hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của Nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn xã Dũng Tiến.
Đội PCCC tự nguyện thôn Đông Cứu có 32 thành viên, được trang bị quần áo và các dụng cụ bảo hộ cá nhân. Cùng với đó là những thiết bị như: máy bơm nước chữa cháy, bình chữa cháy xách tay và các dụng cụ CNCH, tổng giá trị 60 triệu đồng, hoàn toàn do người dân và cơ sở, DN trong thôn đóng góp, ủng hộ.
(Còn nữa)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-phat-huy-phuong-cham-4-tai-cho-379994.html