Kỳ 3: Sự khác biệt trong cách ứng xử với di sản kiến trúc

Từ những cách hiểu khác biệt, như đã phân tích qua 2 kỳ báo trước, sẽ dẫn đến cách ứng xử đối với di sản - di sản văn hóa và nghệ thuật một cách hời hợt, hoặc sẽ dẫn đến những hệ lụy khác như khai thác, bảo quản, giữ gìn di sản kiến trúc không đúng và không đủ trân trọng. Tình trạng nhà thờ Bùi Chu và rạp Hòa Bình bị để cho xuống cấp ngày càng trầm trọng, nhếch nhác… lại càng khiến cho những người hiểu không đúng về di sản không có một kế hoạch khả thi và lâu bền đối với di sản theo tinh thần 'của bền tại người'. Lỗi ở đây thuộc về người sử dụng và người quản lý. Nếu có hiểu biết thực sự đúng đắn về công cuộc bảo quản, giữ gìn tài sản vật chất nói chung thì sao lại có cái cách 'vận hành' theo kiểu 'cha chung không ai khóc' như rạp Hòa Bình ở Đà Lạt hay ngôi nhà 'thánh thiêng' của mình bị đẩy vào chỗ phải bị 'bức tử'. Sao không lo chăm sóc, nâng niu những gì đang có mà cứ loay hoay với 'tư duy nhiệm kỳ', 'để lại dấu ấn' đầy nghịch lý mãi vậy? Đấy là chưa nói đến sự việc sẽ như thế nào nếu như những kiến trúc ấy được hân hạnh đón nhận giấy chứng nhận 'di sản văn hóa'?

(Imperial Hotel 1922 - 1967) - KTS Frank Lloy’d Wright.

Trong quá trình phát triển, vấn đề phá bỏ những công trình cũ có giá trị lịch sử và văn hóa để xây mới một cấu trúc cao tầng không phải là việc mới trên thế giới. Hầu như quốc gia nào cũng từng vấp vào vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thúc đẩy của lợi nhuận. Trường hợp của Imperial Hotel Tokyo (1922 - 1967) là một ví dụ nổi bật nhất về cách làm thiển cận này đối với một trong những di sản bậc nhất của Frank Lloyd Wright.

Khi công trình kiến trúc có nhiều nguy cơ bị hư hại hoặc sụp đổ thì cũng chính những người sử dụng và người quản lý lại thường chọn cách ứng xử tùy tiện bằng những biện pháp thiếu tính chuyên nghiệp nhất với một đối tượng rất cần phải được ứng xử một cách rất chuyên nghiệp, với một trình độ chuyên môn cao. Chính những hiểu biết về kỹ - mỹ thuật trong công tác trùng tu, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo còn quá lệch lạc đã dẫn đến việc “trẻ hóa di tích” như cái cách người ta đã làm với chùa Trăm Gian. Lưu ý rằng chùa Trăm Gian là một di tích kiến trúc đã từng được hân hạnh đón nhận giấy chứng nhận “di sản văn hóa cấp quốc gia”.

Nếu xét đến nhu cầu và thể diện của một quốc gia cần phải có đủ cả văn hóa - truyền thống để mà tự hào bên cạnh sự giàu có. Chúng ta tự hào nếu đất nước mình không chỉ hiện đại - văn minh mà còn có bề dày văn hóa - lịch sử. “Bề dày” đó phải bao gồm cả những cái chưa được cấp giấy công nhận di sản bởi sẽ không tiền bạc nào có thể mua được. Nó dung chứa những giá trị lớn lao hơn, không dễ nhận biết như: tinh thần - nơi chốn - ký ức… Những khái niệm, lý thuyết này đã xuất hiện từ lâu, nhưng hiện nay những nội dung của nó vẫn chưa được “pháp lý hóa” trong các văn bản, quy định của pháp luật. Điều gì còn chưa được “thể chế hóa”, “pháp lý hóa” sẽ là những điều dễ “tặc lưỡi cho qua” nhất. Việc chưa nhận thức được những giá trị di sản văn hóa đúng đắn là do lỗi của con người, nên cần có sự điều tiết của Nhà nước để các bên lĩnh hội được ý kiến và nguyện vọng của nhau, từ đó tạo sự đồng thuận cao nhất.

Tình hình sẽ thay đổi theo chiều ngược lại khi nhận thức về những giá trị di sản văn hóa ấy được đảm bảo bằng lợi nhuận. Trường hợp của Biệt thự trên thác - Falling Water (Hoa Kỳ) có doanh thu gấp 20 lần so với số vốn dùng cho việc tu bổ, bảo quản… là những kinh nghiệm trực tiếp đáng học hỏi nhất. Sự thành công trong việc bảo tồn khu phố cổ Hội An được ghi nhận chắc chắn không nhờ vào những ưu thế về tài chính, về kỹ thuật bảo tồn mà nhờ vào sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của vị nguyên Bí thư Thành ủy - Nguyễn Sự.

Imperial Hotel mới.

Nếu lợi nhuận tư nhân không được đảm bảo thì Nhà nước phải có trách nhiệm “bao cấp văn hóa” đối với di sản kiến trúc.

Thiếu kinh phí dành cho việc bảo tồn di sản luôn là “vấn đề muôn thuở”. Trong khi đó, bảo tồn di sản luôn đòi hỏi nhiều kinh phí và khó khăn hơn gấp nhiều lần so với đập đi xây mới. Đây là một nguyên nhân khó bác bỏ và cũng là một động lực không nhỏ thúc đẩy việc không tha thiết với bảo tồn di sản. Làm thế nào để một di sản kiến trúc (với kết cấu tường gạch chịu lực như nhà thờ Bùi Chu) thành “con gà đẻ trứng vàng” còn là một câu hỏi nhiều thách thức cho cả nhà quản lý lẫn chuyên môn.

PGS.TS.KTS Lê Thanh Sơn
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/ky-3-su-khac-biet-trong-cach-ung-xu-voi-di-san-kien-truc.html