Kỳ 3: thành công nhưng cũng nhiều thách thức
Với hơn 1.000 ca ghép tạng một năm, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thực hiện được nhiều ca ghép tạng nhất. Tuy nhiên, số người hiến chết não ở nước ta lại chiếm tỷ lệ thấp nhất thế giới, sau nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Maylaysia,…
Hồi sinh nhiều cuộc đời từ những “trái tim bất tử”:
Là điểm sáng ghép tạng của Đông Nam Á, châu Á
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), sau 32 năm thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người. Trong đó, có 6,764 ca ghép thận, 456 ca ghép gan, 65 ca ghép tim, 1 ca ghép thận - tụy, 1 ca ghép tim - phổi. Ngoài ra, có một số ca ghép chi trên và ghép ruột… Trong số ghép thận hầu hết là lấy từ người cho sống và đối với ghép gan có tới 80% là từ người cho sống.
Tại Hội nghị Ghép tạng châu Á được tổ chức tại Seoul Hàn Quốc từ ngày 15-18/11/2023 với Chủ đề "Vượt qua Đại dịch - Nhiều Cơ hội mới", đoàn đại biểu Việt Nam tham gia với 12 báo cáo đặc sắc về ghép gan, ghép thận và điều phối ghép tạng. Hội nghị còn ưu tiên dành riêng một Hội thảo chuyên đề về Ghép tạng Việt Nam. Qua đó chứng minh Việt Nam đang vươn lên trở thành Điểm sáng về Ghép tạng của khu vực Đông Nam Á và châu Á.
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, nếu như trước tháng 9/2022, toàn quốc chỉ có 5 Bệnh viện lớn như Việt Đức, Bệnh viện TW Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện được chẩn đoán chết não, hồi sức chết não và lấy tạng thì nay đã triển khai thêm được 4 bệnh viện, trong đó có 3 bệnh viện chưa bao giờ thực hiện ghép tạng là: Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, Bệnh viện E Trung ương.
Công tác tập huấn, tư vấn về lấy tạng từ bệnh nhân chết não có nhiều tiến bộ. Nhiều trung tâm ghép tạng hàng đầu của Việt Nam như: Bệnh viện TWQĐ 108, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế, BV QY 103… đã ứng dụng nhiều tiến bộ mới với kết quả tốt. Tiêu biểu, Bệnh viện TƯ Quân đội 108 đã triển khai 5 ca ghép gan trong một tuần; Bệnh viện Việt Đức triển khai mạnh ghép gan lấy từ bệnh nhân chết não, triển khai kỹ thuật chia gan để ghép và ghép đồng thời nhiều tạng. Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng lấy thận ghép hầu hết bằng phẫu thuật nội soi và đã lấy thận bằng Robot, ghép thận ở nhóm bệnh nhân có bất đồng nhóm máu.
Những thách thức lớn
Tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn. Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), đến tháng 4/2023, đã có khoảng 170.000 người trên toàn quốc đăng ký hiến mô, tạng. Tuy nhiên cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng. Rất nhiều người bệnh suy tạng mãn chờ đợi mỏi mòn không có nguồn hiến dẫn đến qua đời.
Phó giáo sư Đồng Văn Hệ cho biết, tại Việt Nam, trung bình chỉ có 0,15% ca chết não hiến tạng. Trong khi đó ở các nước Âu Mỹ, Bắc Mỹ, tỷ lệ người chết não hiến tạng lên đến 50-60%, gấp hàng trăm lần ở nước ta. Tại Thái Lan cùng khu vực Đông Nam Á với Việt Nam, chỉ trong năm 2022 đã có 547 ca ghép thận từ người cho chết não (trong tổng số 700 ca ghép), bằng số lượng ca ghép tạng từ người chết não của Việt Nam trong 13 năm cộng lại.
Hơn 10 năm qua, Việt Nam chỉ có 5 bệnh viện thực hiện kỹ thuật ghép tạng, đồng thời có chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ người chết não hiến tạng còn rất thấp tại Việt Nam.
Phó giáo sư Đồng Văn Hệ cho rằng, nước ta còn thực trạng số lượng người đăng ký hiến tạng thấp (80.000 người), tạng hiến chủ yếu từ người sống. Việt Nam cũng chưa có luật về người chết tim. 26 cơ sở ghép tạng hiện có trong nước hoạt động kém hiệu quả, không đồng đều, đầu tư ít và không đúng.
Theo Phó giáo sư Đồng Văn Hệ, nguyên nhân các hoạt động ở bệnh viện yếu kém không phải vì chuyên môn không làm được, mà chủ yếu do không có tạng hiến. Rất nhiều những trường hợp bệnh nhân chờ ghép tạng mà không có phổi, tim… Bệnh nhân qua đời trong sự tiếc nuối của bác sĩ nhưng không thể làm được gì.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định khó khăn lớn nhất hiện nay là nước ta còn quá thiếu nguồn tạng hiến từ người cho chết não. “Cái khó là chúng ta thiếu người hiến, có 90% người hiến là người sống, trong khi thế giới thì ngược lại. Riêng người tử vong do tai nạn giao thông hằng năm và các trường hợp khác là rất nhiều. Nếu mỗi bệnh viện một tháng chỉ cần vận động 1 ca thì đã có hàng ngàn trường hợp hiến tạng để cứu người” – GS.TS Trần Văn Thuấn nhận định.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại phía Nam cho biết, tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng.
Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để tiếp tục sống. Công tác vận động đã được thực hiện rất lâu nhưng chưa hệ thống hóa từ Trung ương đến địa phương và còn mang tính chất "tản mác".
Thực tế, nhiều gia đình trước khi quyết định hiến tạng cứu các bệnh nhân khác đã gặp phải sự căn ngăn, điều tiếng từ những người xung quanh. Không ít người cho rằng, người chết không được chôn cất với cơ thể đầy đủ các bộ phận sẽ không tốt, không được an nghỉ, còn có thể mang lại vận xui cho gia đình.
Một chuyên gia tư vấn về ghép tạng chia sẻ nhiều gia đình khi được vận động hiến tạng thì lo lắng nghĩa cử của mình bị cho là buôn bán tạng nên việc vận động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người cho rằng chi phí của một ca ghép tạng rất cao, có thể vài trăm triệu đồng và số tiến này gia đình người hiến tạng sẽ được hưởng. Tuy nhiên, điều này không đúng. Theo quy định, gia đình có người hiến tạng chỉ được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe Nhân dân và một khoản tiền nhỏ mai táng phí với trường hợp người thân chết não. Người sống mà hiến tạng sẽ được tặng bảo hiểm y tế và được ưu tiên nếu sau này có nhu cầu ghép tạng.