Kỳ 3: tuyển người không đúng chuyên ngành
Vì bận rộn cũng như để con ở bán trú cho tiện quá trình học tập nên nhiều phụ huynh chi số tiền lớn để gửi con cả ngày tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Tuy nhiên, tại một số cơ sở xảy ra tình trạng thực đơn của các cháu sơ sài, thức ăn thiếu dinh dưỡng; tuyển giáo viên không đúng chuyên ngành.
Đừng đối xử với trẻ tự kỷ như “khúc gỗ”:
Tố trung tâm nấu ăn thiếu dinh dưỡng, bị “phạt” 50 triệu đồng
Tháng 1/2014, facebook có nick name "Hoa Sen" đăng tải bài viết tố một trung tâm dạy trẻ đặc biệt đã yêu cầu mình phải nộp 50 triệu đồng, vì đã gửi hình ảnh bữa cơm không đảm bảo chất lượng dành cho trẻ tự kỷ của trung tâm cho phụ huynh. Tác giả bài viết này là chị V.T.S (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội). Thời điểm đó, chị S đang làm việc tại Công ty TNHH tư vấn và phát triển giáo dục đặc biệt G.S (đóng tại huyện Thường Tín), chuyên chăm sóc và giáo dục các trẻ em bị tăng động, tự kỷ, chậm phát triển.
Chứng kiến những bữa ăn của các cháu nhỏ tại trung tâm quá sơ sài, chị S thấy thương cho các cháu. Tuy bố mẹ phải chi ra khoản tiền lớn 6 triệu đồng mỗi tháng nhưng ngược lại, bữa ăn của các cháu lại không đầy đủ chất dinh dưỡng. Những món ăn thường ngày chỉ có cơm, phở trộn với đậu phụ, trứng kèm với một ít thịt lợn xay. Xuất phát từ trăn trở đó, chị S đã lén chụp trộm lại hình ảnh bữa ăn trong ngày để gửi cho phụ huynh các cháu, với mong muốn trung tâm sẽ rút kinh nghiệm và cải thiện bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các cháu.
Tuy nhiên, chị S chia sẻ, hình ảnh bữa ăn gửi tới phụ huynh đã bị Giám đốc Trung tâm B.T.Đ. phát hiện. Ngày 3/1, Giám đốc B.T.Đ cùng với quản lý trung tâm (bà Đ.T.N) gọi chị S lên văn phòng đe dọa. Chị S được yêu cầu ký tên vào biên bản nộp phạt 50 triệu đồng "vì nói xấu làm mất uy tín, danh dự của trung tâm". Biên bản trên do bà Đ.T.N viết tay và được Giám đốc B.T.Đ đóng dấu đỏ của Công ty G.S. Chị S không có tiền nộp phạt nên đã van xin hai người này nhưng không được chấp thuận, thậm chí ép chị S phải ký tên vào biên bản nộp phạt, cùng lời đe dọa nếu chị S không ký giấy thì sẽ bị bắt đi tù do nói xấu trung tâm. Vì quá sợ hãi nên chị S bắt buộc phải ký tên vào biên bản nộp phạt. Chưa dừng lại ở đó, hai người này còn tra hỏi trong tài khoản của chị S có bao nhiêu tiền để ép chị nộp phạt trước 10 triệu đồng.
Sau khi sự việc xảy ra, người thân chị S đã tới CQCA trình báo. CA huyện Thanh Trì sau khi nắm được thông tin đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.
Dặn giáo viên “lừa” phụ huynh
Chị N.H.G (31 tuổi) chia sẻ, chị từng có thời gian dạy trẻ tự kỷ tại một trung tâm giáo dục đặc biệt ở Hưng Yên. Học phí của mỗi cháu khi theo học tại trung tâm này dao động từ 7 - 8 triệu đồng đến 12 - 13 triệu đồng một tháng tùy vào việc phụ huynh đăng ký giờ can thiệp.
“Nếu học sinh ăn bán trú, ở cả ngày ở trung tâm, sáng đến ăn sáng, chiều 17h30 về thì tiền học phí và tiền ăn nhiều hơn. Chúng tôi dạy ở đó nhưng cũng không biết cụ thể học phí của từng cháu vì còn liên quan đến tiền lương, chủ trung tâm không cho biết”- chị G kể.
Chị G cho biết thêm, lẽ ra các cháu bị tự kỷ thường có chế độ riêng về ăn uống nhưng trung tâm cho ăn bình thường như người lớn và thức ăn cũng không đa dạng. “Thường trẻ ăn bán trú sẽ có cả bữa sáng nữa. Tuy nhiên, tôi thấy bữa sáng các cháu thường ăn bún khô nấu với thịt băm, bữa trưa cũng ăn thịt băm. Loanh quanh như thế”. Khi được hỏi trung tâm nơi chị G làm việc tuyển chọn giáo viên như thế nào, chị tiết lộ: “Trung tâm này tuyển cả sinh viên đang học, sinh viên vừa ra trường, đúng hoặc không đúng chuyên ngành. Với những người không đúng chuyên ngành, chủ trung tâm thường dặn dò rằng nếu phụ huynh có hỏi cô học chuyên ngành gì ra thì cứ nói chuyên ngành tâm lý hoặc giáo dục đặc biệt chứ đừng nói chuyên ngành thật của mình. Vì bố mẹ thường ưu tiên cho con học với cô chuyên ngành tâm lý hoặc giáo dục đặc biệt”.
Một điều nữa mà chị G nhận thấy ở trung tâm mình làm là có trường hợp giáo viên dạy trực tiếp các cháu nhưng không ký vào nhật ký hàng ngày mà lại là người khác ký. “Có thể cô dạy trực tiếp các cháu không đúng chuyên ngành nên người ký vào nhật ký hàng ngày là cô khác, đúng chuyên môn”- chị G kể. Được biết, người ký vào nhật ký hàng ngày này là cô H, thạc sĩ chuyên ngành tâm lý học. Cô này rất ít khi đến trung tâm, tuần chỉ đến 1-2 lần, cũng không phải là dạy chính của trung tâm nhưng lại là người ký thay một số giao viên ở đây.
Năng lực chuyên môn của giáo viên luôn là vấn đề các phụ huynh quan tâm khi có ý định đưa con đi học tại trường, lớp giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, tình trạng giáo viên không đúng chuyên môn làm việc tại các cơ sở giáo dục đặc biệt vẫn xảy ra khá nhiều, thậm chí có người chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng muốn mở lớp giáo dục đặc biệt tại nhà.
Cụ thể, mới đây, trong một hội nhóm cha mẹ thường đăng tin tìm lớp dạy trẻ tự kỷ cho con có bài viết khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Người này dự định mở lớp dạy chuyên biệt cho trẻ tại nhà nhưng lại chưa có kinh nghiệm, dường như mọi thứ vẫn khá mù mờ. “Chào cả nhà mình ạ! Vì một số lý do tế nhị nên em xin được ẩn danh ạ. Chả là thế này, em có dự định mở lớp dạy trẻ đặc biệt tại nhà. Vậy, chị em, cô thầy nào có file test và đánh giá trẻ thì giúp em với ạ. Nhân đây em cũng xin kinh nghiệm việc mở lớp dạy trẻ đặc biệt tại nhà ạ. Bao gồm từ việc chuẩn bị về đồ dùng dụng cụ, giáo cụ, nhân sự ạ. Trước mắt em mở cá nhân ạ….”- một nickname đăng tải.
Nhiều ý kiến cho rằng, người không có chuyên môn mà mở lớp dạy trẻ tự kỷ sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các cháu nhỏ, tình trạng không tiến triển mà thậm chí còn bị nặng hơn. “Một người ngay cả chuyên môn không có mà đòi mở lớp giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ thì mình thấy thật lo cho phụ huynh và học sinh nào phải học. Dạy trẻ tự kỷ, ngoài chuyên môn ra thì người dạy phải thấu hiểu tâm lý, phải thực sự có tâm mới dạy được. Ngay cả bài test cũng không có, phải đi xin các bài test, kinh nghiệm,… mà đòi mở lớp thì hoảng thật sự”- một cư dân mạng nêu quan điểm.
(Còn nữa)