Kỳ 4: Giải pháp phòng ngừa ít được chú trọng, kém hiệu quả
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo pháp luật hiện hành, có đến hơn 10 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại hoặc trẻ em gặp khó khăn, sa ngã thì đôi khi không có cơ quan nào lên tiếng hoặc có lên tiếng nhưng chưa thực sự 'đến nơi đến chốn'.
Hệ lụy từ thực trạng người trẻ phạm tội

Một vụ bạo lực học đường. Hình ảnh được cắt từ clip
Chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát độc lập quyền trẻ em
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cơ chế phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan tổ chức và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em còn nhiều vấn đề bất cập. Luật Trẻ em hiện nay quy định có nhiều cơ quan cùng thực hiện giám sát quyền trẻ em, nhưng lại chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát độc lập quyền trẻ em. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới những “lỗ hổng” trong quá trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. “Chỉ đến khi những đứa trẻ trở thành hư hỏng, thực hiện các hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì khi đó mới phát hiện ra nhiều vấn đề bất cập trong việc giáo dục, quản lý trẻ em và kết quả giải quyết vụ án hình sự cho thấy còn những lỗ hổng cũng như sự thiếu trách nhiệm của người lớn, của cơ quan tổ chức trong hoạt động bảo vệ, giáo dục trẻ em” - luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đạt kết quả cao. Thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình,... chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên còn nhiều bất cập, hạn chế,... Những nguyên nhân này ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của trẻ em.
Cùng với đó, hiệu quả trong công tác xét xử, thi hành án hình sự và áp dụng các biện pháp hành chính chưa cao. Chính sách pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hướng đến mục đích cải tạo, giáo dục, tạo điều kiện để người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Tuy nhiên, nếu trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng hình sự, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, hoạt động tố tụng hình sự máy móc, thiếu thân thiện, gần gũi có thể khiến những đứa trẻ sợ hãi sinh ra tâm lý tiêu cực mà không phát huy được giá trị giáo dục. Kết quả thi hành án hình sự không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả. Minh chứng rõ cho việc này là rất nhiều người trẻ khi chấp hành án hình sự xong, trở về với đời sống xã hội thì lại trở thành những đối tượng cộm cán, bất hảo.
“Sự kém hiệu quả trong công tác giáo dục trẻ em thể hiện qua việc những năm tháng giáo dục trong trường giáo dưỡng hoặc cải tạo ở trong các trại giam khiến nhiều đứa trẻ trở nên lì lợm, vô cảm hơn. Môi trường đó khiến nhiều đối tượng trở nên có “số má”, quen biết nhiều đối tượng bất hảo, khi trở về với xã hội lại thành lập các băng ổ nhóm để thực hiện các hoạt động tội phạm. Vấn đề này cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan để tìm ra những nguyên nhân và có những giải pháp khắc phục” - luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Việc “dạy người” có phần bị xem nhẹ so với dạy kiến thức
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, so với dạy chữ, việc “dạy người” của chúng ta đang có phần bị xem nhẹ, hiện nay tại các trường học mới chú trọng vào việc cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy cho học sinh kỹ năng sống; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để định hướng cho xử sự và hành vi của các em còn quá ít và thiếu thuyết phục,…
Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc coi nặng giáo dục kiến thức văn hóa mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức, đặc biệt là đối với các học sinh cá biệt cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. “Chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực. Tuy nhiên nội dung giáo dục vẫn nặng về kiến thức mà còn coi nhẹ vấn đề đạo đức, kỹ năng sống và đặc biệt là giáo dục pháp luật ở các bậc học, cấp học. Nhiều đứa trẻ không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội hoặc thiếu kỹ năng để kiểm soát hành vi, đến khi thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội thì mới ân hận” - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo số liệu thống kế của Bộ GD&ĐT, một năm, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trường học không phải bộ phận tách rời khỏi xã hội. Bức tường vây quanh trường học ngày càng mong manh, khoảng cách bên trong trường học và bên ngoài trường học dần bị xóa nhòa bởi internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, vấn đề bạo lực của xã hội, đặc biệt của xã hội hiện đại còn diễn ra phức tạp. Bạo lực học đường sẽ không còn nếu người lớn không còn đánh nhau nữa. Bộ trưởng cũng chỉ rõ, làm được điều này rất khó và chúng ta phải đối mặt với tính hiện thực và bằng mọi cách, mọi biện pháp để giảm thiểu, hỗ trợ, kiểm soát bạo lực học đường càng nhiều càng tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, có đến 70% học sinh có hành vi bạo lực với người khác đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, chứng kiến bạo lực gia đình, bản thân bị bạo lực gia đình nên ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ, ứng xử, quan điểm của các em. Nên một phần rất quan trọng dạy đạo đức, nhân cách của các em chính là nằm ở gia đình, sự gương mẫu của người lớn.