Kỳ 4: Hình thức kỷ luật nào cũng không được hạ nhục, xúc phạm nhân cách học sinh
Theo tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, để giáo dục học sinh, trong nguyên tắc và phương pháp sư phạm thì thầy, cô giáo được quyền phạt học sinh để duy trì nề nếp kỷ luật của nhà trường, lớp học. Tuy nhiên, dù thầy cô dùng hình thức kỷ luật nào thì cũng không được hạ nhục, xúc phạm nhân cách học sinh.
Xử phạt học sinh vi phạm thế nào cho đúng?
Giáo viên không nắm được nguyên tắc sư phạm, tức là nghề nghiệp không tinh thông
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng ứng xử sư phạm của nhiều thầy, cô giáo đang có những hạn chế, gây ra hệ lụy khiến nhiều người hiểu sai vai trò của người thầy, thậm chí họ nhận những phản ứng tiêu cực từ học sinh, phụ huynh. Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, việc giáo viên dùng uy quyền để bắt nạt học sinh là không chấp nhận được. Như vậy là xem nhẹ đạo đức nhà giáo, ứng xử không gương mẫu, thiếu tôn trọng học sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm khẳng định thầy cô không nắm được nguyên tắc sư phạm, tức là nghề nghiệp không tinh thông, coi thường tâm lý giáo dục. Đáng lo ngại là có thầy cô vẫn còn mang nặng tư tưởng quyền uy trong nhà trường. Điều này rất nguy hiểm.
Tất nhiên, để giáo dục học sinh, trong nguyên tắc và phương pháp sư phạm thì nhà giáo được quyền phạt học sinh để duy trì nề nếp kỷ luật của nhà trường, lớp học. Tuy nhiên, dù giáo viên dùng hình thức kỷ luật nào cũng không được hạ nhục, xúc phạm nhân cách học sinh.
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm làm hiệu trưởng, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng các giáo viên phải kiềm chế bản thân. Khi đã chọn nghề giáo là phải có sự sẻ chia, thương yêu, giúp đỡ học sinh. Nếu không làm được thì không nên chọn làm nhà giáo.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết việc thầy, cô giữ hình ảnh, giữ nhân cách của mình là vô cùng quan trọng, vì điều này không chỉ tốt cho bản thân mà còn là công cụ để dạy học, cũng như phát triển nhân cách cho chính học trò. Đó là một đòi hỏi của nghề nghiệp, đòi hỏi của xã hội.
Giáo viên có hành vi ứng xử phù hợp thì công tác giáo dục mới đạt hiệu quả
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội), giảng viên Luật - Trường ĐH Thủy Lợi cho rằng, trường hợp có căn cứ cho thấy giáo viên có hành vi bạo hành, cụ thể là hành vi làm nhục người khác, hành hạ người khác, để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh thì có thể bị xử lý hình sự.
Trường hợp có hành vi bạo lực học đường mà chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội và để lại hậu quả nghiêm trọng thì cũng có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật đối với giáo viên đó.
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, hoạt động giáo dục là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, thể hiện sự nhân văn, văn hóa, hướng thiện, đòi hỏi thầy cô giáo, cán bộ giáo dục phải là những người có chuẩn mực đạo đức, có hành vi ứng xử phù hợp thì công tác giáo dục mới đạt hiệu quả.
“Môi trường giáo dục là môi trường đòi hỏi giáo viên phải là người chuẩn mực, phải nêu gương và phải có ứng xử phù hợp, thể hiện sự vị tha, lòng nhân ái, tình yêu với con trẻ, có như vậy thì hoạt động giáo dục mới thực sự hiệu quả. Bản thân các thầy cô giáo là những người rao giảng về đạo đức mà có hành vi ứng xử không phù hợp thì bài giảng có hay đến mấy nhưng bản thân các thầy cô không làm gương thì hiệu quả giáo dục sẽ không đạt được như mong muốn”, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Trước nhiều vụ giáo viên bạo hành học sinh xảy ra thời gian gần đây, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng cần thiết sớm xây dựng Luật Nhà giáo để thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung các văn bản mới về hoạt động nghề nghiệp giáo viên trong đó Luật Nhà giáo sẽ định danh nhà giáo; làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; quy định đầy đủ thống nhất về tuyển dụng, sử dụng, điều kiện làm việc và tiêu chuẩn của nhà giáo; đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Luật Nhà giáo kết hợp với Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật khác có liên quan sẽ là hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động giáo dục được thực hiện một cách có hiệu quả, có nền nếp, giảm đến mức tối thiểu những sự vụ bạo lực học đường có thể xảy ra. Đặc biệt là những vụ việc giáo viên không đủ năng lực phẩm chất, không đủ tiêu chuẩn vẫn tham gia giảng dạy để rồi thực hiện các hành vi bạo hành, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng không có học sinh hư, mà chỉ có học sinh chưa được giáo dục đúng phương pháp. Thầy, cô giáo, nhà trường phải có niềm tin vào học trò. Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, trong đổi mới giáo dục hiện nay phải làm sao rõ được sứ mệnh của người thầy, để người giáo viên nhận thức được sứ mệnh của mình. Vì không có được người thầy tốt, thực hiện được sứ mệnh của mình thì không thể có một nền giáo dục tiên tiến và nhân văn được. Sứ mệnh của người thầy chính là phải thực sự hiểu học trò, khích lệ, động viên để mỗi học trò trong những điều kiện, hoàn cảnh của mình được đều phát triển được, chứ không phải sự áp đặt, buộc học trò phải tuân theo.
(Còn nữa...)