Kỳ 4. Học Bác… đơn giản thế thôi!

Có ý chí, có nghị lực nhưng chính Lò Hừ thừa nhận, chỉ khi vào Đảng, được học tập về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, anh mới có thêm lý tưởng để phấn đấu. Trước đây, sự nỗ lực của anh chỉ đơn giản là để đỡ đói, khỏi nghèo. Nhưng khi đã ở một 'tầm cao mới' về nhận thức, anh mới hiểu: cống hiến là trách nhiệm và là vinh dự của người đảng viên. Sự thành công của anh hôm nay, bí quyết của nó chỉ đơn giản là: học theo Bác.

Có học, lại là hạt nhân tiêu biểu trong cộng đồng, nên năm 2011 anh đã có được cái vinh dự ấp ủ bao lâu đó là đứng dưới Quốc kỳ, Đảng kỳ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giơ nắm tay thề để trở thành một đảng viên cộng sản chân chính. Ôi, Bác Hồ là người đứng đầu đất nước mà vẫn giản dị, yêu thương đồng bào và nhất là vẫn cần cù, chịu khó đến vậy. Tôi rất ấn tượng về hình ảnh Bác cuốc đất, làm vườn, và tự nhắc mình rằng, mình còn trẻ, phải học Bác mà làm. Trở thành đảng viên, tôi mừng lắm, nhưng cũng rất lo, vì tôi đã thề lời thề cộng sản. Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác run run, hồi hộp ấy nên càng nỗ lực, quyết tâm hơn để giúp mình, giúp đồng bào thoát nghèo, thoát khó. Vào Đảng, tôi còn được học tập tấm gương của Bác – Lò Hừ thật thà.

Kể về hình dung ban đầu của mình về Bác Hồ, Lò Hừ thật thà lắm: “Ngày bé tí, ngày còn đói ấy, tôi nghe ông ngoại tôi kể rằng có một cụ già nào ấy, cụ ấy giỏi lắm, tài lắm, cụ ấy đánh đuổi thằng tây, đánh đuổi thằng Mỹ, làm cho bọn chúng không về Mường Tè bắt người, bắt trâu, thu thóc của người dân mình nữa. Cụ ấy cũng lãnh đạo đất nước, hướng dẫn bà con cách làm ăn. Nhưng cụ ấy không phải là vua. Cụ ấy có tóc bạc, râu dài… Nghe thế, trong cái sự tưởng tượng non ấu của Lò Hừ, cộng với những truyền thuyết của người La Hủ, Lò Hừ thường hình dung về một ông tiên áo trắng, râu dài, cầm phất trần mà làm phép đánh đuổi ngoại xâm. Càng lớn, càng được tiếp xúc nhiều, anh mới nhận ra, Bác cũng là người trần như bao người, cái khác là Bác có tình yêu bao la đối với muôn người. Vào đảng rồi, trở thành “đồng chí” của Bác, được học hành đầy đủ, anh lại càng cảm phục Hồ Chủ tịch hơn. Bởi cũng là người trần mà Bác tài tình thế, Bác chẳng lo cho mình mà chỉ lo cho dân. Dù là nắm gạo cất đi, hay bữa ăn với cà muối, cái gì cũng là để cho đồng bào mình bớt khổ”. Nghĩ được vậy nên lòng anh cũng trong sáng hơn, muốn lao động, cống hiến nhiều hơn.

Cách mà Lò Hừ học và làm theo Bác Hồ ở đức tính cần cù, chịu khó thì chúng ta đã biết, còn một đức tính khác mà Lò Hừ khẳng định là được truyền cảm hứng từ vị “cha già” vĩ đại của dân tộc, ấy là lòng yêu thương con người. Khi chúng tôi đến thăm Lò Hừ, lúc ấy đã gần chính ngọ, tôi thấy một đoàn hơn chục người mang lu cở (gùi), cuốc, liềm từ nương về nhà anh chuẩn bị bữa trưa. Thoạt đầu anh em chúng tôi lại ngỡ đó là người làm thuê, nhưng được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đao Văn Thức giới thiệu: con nuôi của Lò Hừ đấy. Tìm hiểu chúng tôi mới ngỡ ngàng: Lò Hừ có tới 12 người con nuôi.

Câu chuyện nhận con nuôi của Lò Hừ cũng lắm ly kỳ. Hai người con nuôi đầu tiên là Phản Hà So (bố mẹ bỏ bản tha hương cầu thực tận đâu chả biết, để lại em bơ vơ ở bản), và em Thà Xe Bơ (mẹ mất, bố đi lấy vợ khác nên em cũng côi cút một mình). Thấy các cháu đáng thương, lại thầm mang trong mình lý tưởng của Đảng, Bác, Lò Hừ bàn với vợ nhận các cháu về nuôi. Vợ anh cũng chẳng hẹp hòi gì, nhưng nhà đã có tới 4 người con, tuy bắt đầu có của ăn của để nhưng nuôi thêm hai miệng ăn, lại phải chăm lo học hành nữa, chị cũng căng lắm. Nhưng “nói phải củ cải cũng nghe”, cứ thuyết phục mãi rồi cũng thuận vợ thuận chồng, hai cháu cũng được về sống trong tình thương yêu của bố mẹ nuôi và những người anh em nuôi như con cái trong nhà. Hai vợ chồng anh cũng đối xử với các con nuôi như con ruột, cũng cho học hành, cũng dựng nhà, mua xe, dựng vợ gả chồng như con ruột.

Tiếng lành đồn xa, các cháu ở trong bản Pha Bu và các bản khác cũng tự đến xin làm con nuôi của vợ chồng Lò Hừ. Có người thì bố mẹ nghiện ngập mà bỏ bản, bỏ con ra đi, có người thì nghèo đói cũng bỏ bản mà đi để lại đàn con nheo nhóc, có đứa trẻ thì ở bản khác, nghe tiếng Lò Hừ quảng đại cũng tự tìm đến nhà xin ở, xin ăn… Các cháu đến với anh, cứ tự nhiên như ở nhà, đến bữa thì ăn, ai làm được nương, thì lên nương, ai tuổi học thì đến trường. Ai anh cũng nhận hết, cũng thương hết. Và chúng cũng coi anh như cha, như mẹ, và chả đứa nào về nhà mẹ đẻ nữa. Anh cũng cưu mang, cho học hành (có chu cấp), mua xe, mua điện thoại, đến tuổi thì dựng vợ gả chồng như bố mẹ đẻ. Bên chân cầu thang, hai cháu Phản Ha Nu (lớp 9) và Phản Ha Na (lớp 6) ở bản Nậm Pặm (xã Mường Tè) đang tết tóc cho nhau. Các cháu kể đã đến ở nhà bố Lò Hừ được mấy năm, lâu lâu mới về thăm lại bố mẹ đẻ. Ở đây bố cũng yêu, cũng thương các con nuôi lắm, bố cho ăn, cho ở, đưa đi học (bán trú), có lúc còn cho tiền sinh hoạt nên các anh chị em nuôi ở đây đều không ai muốn về lại bản, về nhà nữa.

Khi chúng tôi trao đổi, còn có 4 cháu nhỏ đang bê bát ăn cơm, hỏi mới biết là trẻ con trong bản, lên ăn nhờ bác Lò Hừ. Trong sự ngạc nhiên và thích thú của chúng tôi, Lò Hừ giải thích: “Cơm ăn thì nhà tôi có thiếu đâu. Thức ăn thì có gì ăn nấy. Các cháu nó yêu, quý, đến nhà, đến bữa thì cùng ăn thôi. Cái này tôi cũng nghiệm ra từ việc học tập Bác Hồ đấy. Mình là đảng viên mà”. Cũng bởi tình thương mà nhà Lò Hừ cứ phải thay nồi cơm liên tục. Cả nhà anh chỉ có 7 người, một cái nồi cơm điện là đủ, sau này lượng con nuôi tăng dần, anh liên tục phải thay từ nồi cơm điện sang bếp củi. Cái xoong gang từ xoong 14 lên 18, rồi 20, 30 và bây giờ, khi tôi vào bếp thấy có đến 3 cái xoong quân dụng loại biên chế cho các đại đội bộ đội đang nấu nào cơm, nào canh cho cả nhà. Các con nuôi của Lò Hừ khi về đến nhà là mỗi người một chân một tay, người nhặt rau, người chụm lửa, cùng mẹ nuôi chuẩn bị bữa. Cô bé Pờ Lê Na con gái Lò Hừ kể: đây là nồi cơm dành cho người nhà thôi, còn nếu vào vụ, có bữa nhà cháu phải nấu 3 nồi cơm, hơn 40 bát gạo để dân bản ăn. Mẹ với bà nội cháu phải ở nhà chỉ lo chuyện bếp núc.

Mặt trời đã quá đỉnh đầu, hai bàn ăn được dọn ra, vợ chồng anh cùng một “trung đội” con cái cùng ăn trong sự đầm ấm. Thực ra bữa cơm ở bản cũng chẳng mấy thịnh soạn, nhưng cái không khí gia đình và tình thương chan chứa khi thấy những thành viên mời nhau ăn, gắp thức ăn cho nhau, người ngoài cũng có thể cảm nhận được.

Đó chẳng là đạo đức, là văn minh mà Bác đã dạy là gì? Và ở nơi cuối trời Tây Bắc, miền biên viễn xa xôi này, Bác có một “đồng chí” vẫn hàng ngày khắc ghi lời dạy của người và âm thầm làm theo, âm thầm cống hiến, chẳng cầu ghi công dù Bí thư Huyện ủy Lý Anh Hừ hết lòng khen ngợi: “Pờ Lò Hừ là một trong những đảng viên học và làm theo Bác Hồ xuất sắc nhất của xã!”

Khánh Kiên - Hà Dũng - Đồ họa: Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-l%C3%A0m-theo-b%C3%A1c/k%E1%BB%B3-4-h%E1%BB%8Dc-b%C3%A1c-%C4%91%C6%A1n-gi%E1%BA%A3n-th%E1%BA%BF-th%C3%B4i