Kỳ 4: Pháp luật làm trung tâm, con người làm trọng tâm
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, Nghị quyết 66 có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là một định hướng về kỹ thuật lập pháp, mà là một bản thiết kế chiến lược để tái cấu trúc nền tảng thể chế quốc gia.
Nghị quyết số 66-NQ/TW - giải pháp đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế

Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ thông tin tại tọa đàm ''Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & những khuyến nghị cho doanh nghiệp''. Ảnh: T.H
Bước ngoặt trong việc thảo luận, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật
Với sự hoàn thiện xây dựng chính sách và thực thi pháp luật, một hệ thống pháp luật hiện đại, khả thi, minh bạch sẽ là lợi thế phát triển đặc biệt quan trọng, bệ phóng cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, văn minh và giàu mạnh.
Phát biểu tại tọa đàm “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & những khuyến nghị cho doanh nghiệp” do Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Trung tâm BSA tổ chức, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nêu, thời gian gần đây, Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi bước ngoặt trong việc thảo luận, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật, với một “tốc độ nhanh chưa từng có”.
Việc này có thể giúp giải quyết nhanh chóng, ngay lập tức các vấn đề cấp thiết của người dân, DN. Đòi hỏi DN phải nắm bắt nhanh, và hiểu sâu sắc hơn về các chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động của mình. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới được đánh giá “đột phá của đột phá” về xây dựng và thi hành pháp luật. Trước đây, để soạn một luật mất rất nhiều thời gian, thậm chí qua 2 - 3 kỳ họp Quốc hội. Rất nhiều tắc nghẽn trên thực tiễn mà không giải quyết kịp.
Nhưng nay, quy trình xây dựng pháp luật đã được thay đổi, nhiều đạo luật thông qua ngay trong 1 kỳ họp thay vì phải 2 kỳ như trước đây. Quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo đã rút ngắn hơn rất nhiều. Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định”.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, đây là ưu tiên trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Không đảm bảo quản lý hay siết chặt mà là thuận lợi, thúc đẩy. Tinh thần này có thể là mở đường cho các bộ, ngành trong thời gian sắp tới. Nhà nước hướng đến nhiều mục tiêu, nhưng hiện tại yêu cầu thông thoáng thuận lợi được nhấn mạnh.
Khẳng định một định hướng mang tính cách mạng về tư duy thể chế
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, yêu cầu đổi mới tư duy và phương thức quản trị Nhà nước ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc khẳng định rõ vai trò của pháp luật như là trung tâm của thể chế phát triển càng có ý nghĩa then chốt.
Nghị quyết số 66-NQ/TW nhấn mạnh: công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Nhiều năm qua, thể chế luôn được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược (bên cạnh phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng).
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế còn chậm, thiếu tính đồng bộ, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn nhiều bất cập. Những tồn tại đó không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, mà còn kìm hãm đổi mới sáng tạo, giảm niềm tin pháp lý của người dân và DN, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Do đó, việc Bộ Chính trị xác định công tác pháp luật là “đột phá của đột phá” không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn, mà còn khẳng định một định hướng mang tính cách mạng về tư duy thể chế.
Trong một Nhà nước pháp quyền, pháp luật không chỉ là công cụ cưỡng chế mà còn là thiết chế tổ chức quyền lực Nhà nước, điều chỉnh quan hệ xã hội, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Không thể nói đến thể chế phát triển nếu công tác xây dựng và thi hành pháp luật không được thực hiện tốt.
Một điểm tiến bộ của Nghị quyết 66-NQ/TW là khẳng định vai trò song hành của xây dựng và thi hành pháp luật. Trước đây, nhiều cơ quan, tổ chức tập trung vào khâu ban hành luật mà xem nhẹ khâu tổ chức thực hiện. Hệ quả là nhiều đạo luật sau khi được Quốc hội thông qua lại “nằm trên giấy”, không đi vào đời sống, không phát huy được tác dụng điều chỉnh xã hội. Chính vì vậy, nhận định “xây dựng và thi hành pháp luật là đột phá của đột phá” phải được hiểu trong tính tổng thể và liên kết chặt chẽ.
Giai đoạn xây dựng pháp luật cần nâng cao chất lượng lập pháp, tăng cường phản biện chính sách, đảm bảo thực tiễn, khoa học, dân chủ, khách quan. Giai đoạn thi hành pháp luật đòi hỏi hệ thống tổ chức, cán bộ, nguồn lực và cơ chế giám sát đồng bộ để pháp luật được triển khai nghiêm minh, hiệu quả.
Ở góc độ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vai trò của pháp luật càng trở nên quan trọng. Pháp luật là công cụ để ghi nhận, bảo đảm và giới hạn quyền lực Nhà nước trong tương quan với quyền và lợi ích của người dân. Một khi pháp luật được xây dựng dựa trên tư duy “lấy con người làm trung tâm”, tôn trọng giá trị nhân phẩm và tự do, thì pháp luật trở thành bệ đỡ cho phát triển con người toàn diện. Để biến chủ trương thành hiện thực, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm đổi mới từ tư duy đến hành động, lấy pháp luật làm trung tâm, con người làm trọng tâm và hiệu quả làm thước đo cuối cùng. Đó chính là con đường xây dựng thể chế phát triển vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và dân chủ.
(Còn nữa)
Nghị quyết 66-NQ/TW đặt ra các mục tiêu hết sức cấp bách, đến năm 2030 Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán. Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước. Pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội, quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.