Kỳ cuối: Chính quyền và người dân cần chung tay
Các hoạt động tâm linh nói chung xuất phát từ nhu cầu tinh thần chính đáng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận Nhân dân. Song, thời gian qua, kẻ xấu đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm… với nhiều chiêu thức và những thủ đoạn khó lường, trở thành một loại hình dịch vụ phổ biến, khiến nhiều người dân rơi vào cảnh 'tiền mất tật mang'.
“Bẫy tâm linh” thời công nghệ

Chuyên gia tội phạm học, TS. Đào Trung Hiếu chia sẻ về lừa đảo tâm linh. Ảnh: nhân vật cung cấp
Để không rơi vào cạm bẫy
Chuyên gia tội phạm học, TS. Đào Trung Hiếu cho rằng, niềm tin tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng của con người, nhưng cũng cần có sự hiểu biết để không rơi vào cạm bẫy. Mỗi người cần tự tìm hiểu rõ về tín ngưỡng, tôn giáo chính thống, cần biết rằng phật giáo, đạo giáo, tín ngưỡng dân gian đều hướng con người đến cái thiện, không có chuyện phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để "mua bình an".
Cần nâng cao nhận thức, phân biệt rõ ràng giữa tín ngưỡng chân chính và mê tín dị đoan. Khi có nhu cầu tâm linh, hãy tìm đến các cơ sở thờ tự hợp pháp, tránh những điện thờ tự phát. Không nên vung tiền cho các dịch vụ tâm linh mập mờ, đặc biệt là những dịch vụ online không rõ nguồn gốc. Khi nghi vấn hay phát hiện những hành vi lừa đảo, người dân cần báo cáo với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
“Người thật sự có kiến thức tâm linh sẽ không gieo rắc sợ hãi mà khuyên con người sống tốt, hành thiện để thay đổi vận mệnh. Sống thiện lành, làm điều tốt, hành động đúng đắn sẽ mang lại bình an thực sự. Sự may mắn không đến từ bùa chú, mà đến từ chính cách sống và hành vi của mỗi người” – TS. Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia tâm lý, tình trạng “dịch vụ tâm linh” nở rộ là do lợi nhuận rất lớn của hoạt động này. Thói quen thực hiện nhu cầu tâm linh và hành vi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của một bộ phận Nhân dân cũng khiến việc kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Dù pháp luật có những chế tài cụ thể và nghiêm khắc xử lý hành vi lợi dụng thế giới tâm linh để trục lợi nhưng vẫn còn kẽ hở để các đối tượng xấu hoạt động.
Do đó, chính quyền và người dân cần chung tay để nghiêm trị mọi hành vi lừa đảo tâm linh. Trong thẩm quyền của mình, các cơ quan quản lý, đơn vị quản trị mạng xã hội cần chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng thuộc quản lý của mình, kịp thời lên án, chấn chỉnh, khóa vĩnh viễn các tài khoản có hành vi truyền bá, kinh doanh mê tín dị đoan... Người dân cần trang bị cho mình tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh; nhìn nhận đúng bản chất các hoạt động tâm linh, không tin theo bói toán vô căn cứ khiến tâm trí mê muội để tiền mất tật mang.

Ảnh minh họa.
Chung tay nghiêm trị mọi hành vi lừa đảo tâm linh
Về góc độ pháp luật, luật sư Đinh Thị Nguyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 đã quy định rõ hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi là hành vi bị nghiêm cấm (tại khoản 5 Điều 5). Theo đó hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể: tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Theo đó hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính lên đến 5 triệu đồng.
Hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ Luật hình sự 2015, người nào dùng bói toán hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, không chia sẻ hay tham gia các hội, nhóm trên mạng liên quan tới mê tín dị đoan, cảnh giác trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa bản sắc dân tộc để trục lợi. Hãy đặt niềm tin đúng chỗ, biết gạn đục, khơi trong để góp phần gìn giữ những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Cùng chính quyền bài trừ các hành vi mê tín dị đoan, khi phát hiện các đối tượng lợi dụng tâm linh để lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để có biện pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời.
Cán bộ điều tra Công an TP Hà Nội chia sẻ và khuyến cáo: niềm tin tín ngưỡng là chỗ dựa tinh thần giúp mỗi người thêm vững tin trong công việc và cuộc sống, chứ không phải là nơi để bám víu hay cầu may. Không có lá bùa hay phép giải nào đủ sức mạnh thay đổi vận mệnh của một con người nếu như bản thân không nỗ lực phấn đấu, không cố gắng thay đổi.
Thay vì mê muội tin vào những thứ "tốt lễ dễ kêu", mỗi người cần cẩn trọng, tỉnh táo, kiểm tra nguồn tin và giữ vững tâm lý. Đừng tự biến mình trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tâm linh trên mạng xã hội, tránh việc vừa mất tiền, mất thời gian, vừa rước thêm lo lắng, bất an cho bản thân và gia đình.