Kỳ cuối: Dựng chuyện thừa kế để bán tranh giả
Trong vụ bê bối tranh giả lớn nhất nước Đức sau Thế chiến II, vợ chồng Wolfgang Beltracchi đã cùng đối tác bịa ra chuyện họ được thừa kế của ông bà mình một kho tranh quý mua được từ nhà buôn tranh Do Thái nổi tiếng.
"Đạo" tranh từ thủa thiếu niên
Năm 2012, ngay sau khi bị tuyên án 6 năm tù về tội bán 14 bức tranh giả (cáo buộc ban đầu của viện công tố là 55 bức), kiếm được 16 triệu euro, Wolfgang Beltracchi thừa nhận một cách cay đắng rằng chỉ khi bước vào tuổi nghỉ hưu, ông ta mới có công việc ổn định. Sự thật là Beltracchi và vợ (cũng bị tuyên án 4 năm tù) được tòa án cho phép ban ngày làm việc tại một studio thiết kế nghệ thuật của bạn ông ta, tối mới quay về phòng giam.
Beltracchi vốn con nhà nòi, cha là họa sĩ phục chế tranh tường nhà thờ. Cậu bé bắt đầu vẽ từ năm 10-12 tuổi, giúp người cha tái hiện những bức tranh cổ bị hỏng. Năm 14 tuổi, cậu đã vẽ lại bức tranh thuộc thời kỳ đầu của Picasso in trên tấm bưu thiếp do cha tặng. "Tôi không thích bản gốc của bức tranh vì tôi nghĩ nó buồn quá. Do vậy tôi đã lược bỏ một phần chất liệu và làm cho bức tranh bớt đơn sắc hơn", Beltracchi kể. Cũng theo lời Beltracchi, dù ông đã làm giả tranh của khoảng 50 họa sĩ nhưng không máy móc sao chép, mà nghĩ ra những họa tiết mới để bổ sung. Có khi ông vẽ những bức tranh mới gắn liền với các giai đoạn sáng tạo cụ thể trong cuộc đời của các nghệ sĩ, hoặc dựa theo tên của những bức tranh có trong danh sách tác phẩm của họa sĩ, nhưng được cho là đã thất lạc và không có hình ảnh nào còn tồn tại.
Năm 17 tuổi, sau khi bị đuổi khỏi trường trung học, Beltracchi xin làm bồi bàn trong một quán rượu thoát y vũ, sau đó đi học vẽ nhưng suýt không được nhận vào trường vì giám khảo không tin bài tập là do Beltracchi làm vì quá xuất sắc. Beltracchi thừa nhận bắt đầu "kiếm chút tiền" bằng việc vẽ và bán tranh giả, nhưng vào năm 1970 ông muốn tổ chức triển lãm những bức họa phong cảnh hoặc chân dung những người đặt ông vẽ trong các cuộc chu du Châu Âu bằng tàu hỏa. Nhờ nét cọ của mình, ông có thể kiếm khoảng 50 euro mỗi ngày, trong khi người cha chỉ nhận được 800 euro/tháng.
Phát hiện tranh giả từ chất bột titan trắng
Bước ngoặt diễn ra vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khi có một nhà buôn bất động sản bỏ vốn cùng Beltracchi mở phòng tranh, nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn; sau đó xuất hiện đối tác Otto S.-K., phụ trách việc bán tranh của Beltracchi. Mặc dù vài năm sau, Otto bị kết án, mối quan hệ giữa họ đứt đoạn và mãi tới năm 1997, hai bên mới cộng tác lại với nhau, nhưng chiêu mà Otto sử dụng vào những năm 1980 đã được Beltracchi và vợ là Helene áp dụng.
Theo lời Beltracchi thì Otto đã biến ông nội của anh ta, một thợ may bậc thầy của Đức vào đầu thế kỷ XX - thành nhà sưu tập nghệ thuật. Vậy là Otto đã có câu trả lời về xuất xứ của các bức tranh do Beltracchi vẽ. Nhưng vợ chồng Beltracchi thậm chí còn nghĩ xa hơn Otto, họ phát tán một "huyền thoại" rằng vào thập niên 20 của thế kỷ XX, ông của Helene Beltracchi - nhà công nghiệp Werner Jager giàu có, lúc sinh thời là bạn của nhà buôn tranh gốc Do Thái nổi tiếng Alfred Flechtheim. Sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, Flechtheim lưu vong sang Pháp, tiếp đó đến Anh và mất tại đây năm 1937. Vợ chồng Beltracchi loan tin rằng Werner Jager đã có bộ sưu tập tranh quý mua của Flechtheim trước khi ông ta lưu vong; thậm chí 2 người còn trưng ra bức ảnh chụp bà của Helene trong phòng khách có treo một số bức tranh nói trên. Sau này, Beltracchi khai rằng chính ông ta chụp bức ảnh này và Helene ngồi mẫu trong trang phục xưa. Nhờ vậy, suốt nhiều năm, vợ chồng Beltracchi đã qua mặt được nhiều chuyên gia, đưa ra thị trường một số tranh giả lớn.
Beltracchi bị bắt do một sơ suất nhỏ: Năm 2006, ông ta vẽ 1 tác phẩm hội họa dưới cái tên Bức tranh màu đỏ với những chú ngựa, có chữ ký của họa sĩ Heinrich Campendonk (1889-1957) và dán nhãn của bộ sưu tập Flechtheim. Trong danh sách tác phẩm của Campendonk để lại có tên bức tranh đó nhưng không thấy hình ảnh hoặc bất kỳ thông tin nào về kích thước lẫn nơi đặt tranh. Do Campendonk có rất nhiều tranh vẽ ngựa nên Bức tranh màu đỏ với những chú ngựa được giới buôn tranh chấp nhận, sau đó được Công ty Trasteco của Malta mua với giá 2,88 triệu euro và chủ nhân mới đã đem bức tranh đi phân tích. Kết quả cho thấy trong thành phần màu vẽ có bột titan trắng (TiO2) - sản phẩm được đưa ra sử dụng trên thị trường từ năm 1920, trong khi bức tranh nói trên được Campendonk vẽ vào năm 1914!
Về sau, Beltracchi kể rằng, thường thì ông dùng bột kẽm trắng (ZnO) rất thông dụng với các họa sĩ thời Campendonk để trộn màu vẽ, nhưng có một lần thiếu màu vẽ nên ông đã lấy 1 ống màu trộn sẵn của Hà Lan và rủi thay trong đó có titan trắng!
Sự kiện này khiến sản nghiệp từ tranh giả của vợ chồng Beltracchi tan thành mây khói, gồm: biệt thự 5 triệu euro (chỉ riêng bể bơi đã tốn 700 ngàn euro), đồn điền trồng nho, nhà cửa khác, xe hơi... đều phải bán đi để trả tiền bồi thường, án phí và trả nợ.