Kỳ cuối: Góp phần nâng chất lượng nhân lực khu vực công
Điều chỉnh tỷ lệ nhóm công chức quản lý và công chức chuyên môn nghiệp vụ dùng chung của các cơ quan cấp tỉnh xuống thấp hơn hoặc bằng 20% nhưng tối thiểu không thấp hơn 5 công chức; cấp huyện thấp hơn hoặc bằng 15% so với tổng biên chế công chức của cơ quan, tổ chức.
Đề án “Rà soát, điều chỉnh biên chế gắn với vị trí việc làm công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh của tỉnh Tây Ninh” được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 986/QĐ-UBND ngày 26.4.2023. Trên cơ sở đó, việc rà soát, điều chỉnh biên chế gắn với vị trí việc làm sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh gắn với yêu cầu tiếp tục tinh giản biên chế theo quy định của Bộ Chính trị trong giai đoạn 2022-2026.
Kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy gắn với yêu cầu tiếp tục tinh giản biên chế
Với chủ trương tiếp tục tinh giản biên chế, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18.7.2022 về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Theo quyết định này, biên chế công chức các cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện, cấp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2026 là 1.701 biên chế, giảm 5% so với biên chế năm 2021.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Đồng thời, cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm bố trí, sử dụng phù hợp theo vị trí việc làm, năng lực của từng công chức.
Trên cơ sở tham mưu của Sở Nội vụ, UBND tỉnh ban hành Đề án “Rà soát, điều chỉnh biên chế gắn với vị trí việc làm công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh của tỉnh Tây Ninh” (theo Quyết định số 986/QĐ-UBND ngày 26.4.2023).
Nguyên tắc của Đề án là không cắt giảm mang tính bình quân; mức độ tăng, giảm số lượng công chức của từng cơ quan, tổ chức phụ thuộc vào sự thay đổi về khối lượng công việc và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đề án cũng tập trung nghiên cứu, xem xét tỷ lệ bố trí số lượng giữa các nhóm công chức “quản lý”, “chuyên môn nghiệp vụ” và nhóm “dùng chung” để đề xuất điều chỉnh tỷ lệ phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng biên chế công chức trong toàn tỉnh và đề xuất biên chế dự phòng trong thực hiện thu hút nhân tài.
Mục tiêu đến năm 2025, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng biên chế theo hướng: điều chỉnh tỷ lệ nhóm công chức quản lý và công chức chuyên môn nghiệp vụ dùng chung của các cơ quan cấp tỉnh xuống thấp hơn hoặc bằng 20% nhưng tối thiểu không thấp hơn 5 công chức; cấp huyện thấp hơn hoặc bằng 15% so với tổng biên chế công chức của cơ quan, tổ chức.
Đồng thời, tăng tỷ lệ biên chế công chức chuyên ngành; tăng cường kiêm nhiệm công tác chuyên môn, chuyên ngành đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp sở. Đến năm 2026, triển khai đồng bộ việc lập, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác (gắn với yêu cầu về kết quả công việc) của tổ chức, cá nhân trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện, cấp tỉnh làm cơ sở đánh giá theo kết quả công việc.
Đề án cũng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ điều chỉnh biên chế và sử dụng hiệu quả biên chế từ năm 2023. Theo đó, các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh từng bước tự điều chỉnh tỷ lệ biên chế công chức nhóm quản lý và dùng chung xuống mức thấp hơn hoặc bằng 20% so với tổng biên chế được giao; cấp huyện thấp hơn hoặc bằng 15%. Trường hợp cơ quan, tổ chức hiện đang sử dụng vượt các tỷ lệ trên thì cần bố trí, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu năng lực trước khi điều chuyển công chức sang vị trí việc làm công chức chuyên ngành.
Bên cạnh đó, điều chỉnh biên chế công chức các cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện, cấp tỉnh cho cả giai đoạn 2023-2026; xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhân lực của từng cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. Đồng thời, dự phòng biên chế nhằm bổ sung tăng thêm vào tổng biên chế đã được phê duyệt để thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo chính sách của Trung ương và tỉnh.
Từ kết quả nghiên cứu, phân tích thực trạng khối lượng công việc trong 3 năm (2019-2021), dự tính khối lượng công việc các năm tiếp theo, Đề án đề xuất quyết định điều chỉnh biên chế gắn với vị trí việc làm công chức từng cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2023-2026 là 1.694 biên chế (cấp tỉnh là 920 biên chế; cấp huyện là 774 biên chế) và dự phòng 7 biên chế để thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ theo Kết luận số 86-KL/TW của Bộ Chính trị.
Kiến nghị khắc phục hạn chế, bất cập của hệ thống vị trí việc làm công chức
Hệ thống vị trí việc làm là công cụ quan trọng trong đổi mới quản lý công chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành (cụ thể là Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ) không quy định tiêu chí xác định thế nào là một vị trí việc làm.
Do đó, khái niệm về một vị trí việc làm chưa rành mạch; luật cũng không quy định hướng dẫn cách xác định vị trí việc làm, năng lực. Về nguyên tắc, Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức các tỉnh, thành là như nhau nhưng phân cấp thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm cho các bộ, ngành và cấp tỉnh, dẫn đến việc xác định, phê duyệt vị trí việc làm ở mỗi tỉnh mỗi khác.
Điều này khiến tính khả thi của hệ thống vị trí việc làm không cao, chưa làm căn cứ cho xác định biên chế và bố trí, sử dụng, quản lý công chức trong cơ quan, tổ chức. Cụ thể, vẫn còn tình trạng công chức hưởng ngạch cao nhưng đảm nhận công việc của ngạch thấp và ngược lại; công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý (từ cấp phòng đến cấp sở) luôn đảm nhiệm công việc quản lý và cả công việc chuyên môn nghiệp vụ nhưng chưa được làm rõ trong hệ thống vị trí việc làm; không thể xác định chính xác đối tượng, mục tiêu và khung chương trình đào tạo bồi dưỡng gắn với vị trí việc làm; không thể quản lý thống nhất vị trí việc làm chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương…
Để Đề án thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh, Tây Ninh kiến nghị Bộ Nội vụ sớm sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện nhằm khắc phục hạn chế và bất cập của hệ thống vị trí việc làm công chức hiện nay; nghiên cứu ban hành khái niệm, quy định, hướng dẫn về khối lượng công việc của cơ quan, tổ chức, về điều chỉnh biên chế công chức… để địa phương thống nhất trong triển khai thực hiện.
Được biết, hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1.6.2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10.9.2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sửa đổi nghị định được kỳ vọng sẽ bảo đảm phù hợp với thực tiễn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về vị trí việc làm, biên chế công chức trong các cơ quan hành chính và thể chế hóa các quy định của Đảng về quản lý biên chế.