Kỳ cuối: 'Hô biến' thành tài năng thể thao để vào đại học

Một trong những bê bối giáo dục gây xôn xao nước Mỹ là vụ án 'nỗi buồn đại học' khiến gần 50 người bị truy tố vì các hành vi hối lộ, rửa tiền, dàn xếp cho con cái trúng tuyển vào các trường ĐH danh tiếng của Mỹ. Điều đáng nói là một trong những biện pháp gian lận là 'hóa phép' cho con thành vận động viên thể thao học đường với những chứng nhận giải thưởng không có thật về một môn thể thao nào đó.

"Phù thủy" của những cậu ấm, cô chiêu

Từ thực tế người Mỹ "cuồng" thể thao bậc ĐH, trong số những suất học bổng hay trường hợp được đặc cách tuyển thẳng vào các trường ĐH nước này trước đây, những ứng viên có thành tích xuất sắc về thể thao luôn chiếm phần lớn. Theo đó, cứ 5 sinh viên vào các ĐH danh tiếng sẽ có 1 em theo diện tham gia các đội tuyển thể thao học đường. Biết nhiều trường sẵn sàng đặc cách tuyển các sinh viên có tố chất nổi bật về phương diện này, phụ huynh (PH) có điều kiện đã "chạy" trường cho con mình theo kiểu tham gia đường dây gian lận tinh vi trên.Không ít HLV nắm "quyền sinh quyền sát" trong tay sẵn sàng tham gia đường dây chạy trường để tuyển "đặc cách" học sinh.

Theo các công tố viên liên bang, đường dây chạy tuyển sinh ĐH bị đưa ra xét xử ngày 13/3/2020 là vụ việc lớn nhất từng bị truy tố tại Mỹ. Tổng cộng, 25 triệu USD đã được chuyển đến một quỹ từ thiện trá hình để thanh toán cho các giao dịch "chạy" trường. Những người bị bắt gồm hai quản trị viên của kỳ thi SAT và ACT (đánh giá năng lực học tập của học sinh trung học trước khi đăng ký vào ĐH, CĐ tại Mỹ), 9 HLV ở các trường ĐH danh tiếng, 33 phụ huynh...

William Rick Singer (58 tuổi), trùm của đường dây, cho biết đã làm việc với hơn 761 gia đình từ năm 2011-2018, bao gồm gian lận trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn, hối lộ những người có thể can thiệp trong quá trình tuyển sinh. Một số giám thị bị cáo buộc nhận hàng chục ngàn USD để giúp khách hàng của Rick gian lận bằng cách cho sửa những câu trả lời sai. "Ông trùm" cũng giúp PH dàn dựng để chụp hình con cái họ chơi thể thao hoặc ghép vào hình ảnh các vận động viên thực thụ nhằm thổi phồng thành tích về thể thao trong hồ sơ.

Đối tượng William Rick Singer

Đối tượng William Rick Singer

Rick Singer quyết định mở công ty tư vấn tuyển sinh ĐH tại Los Angeles, California vào năm 2008, ban đầu chỉ thực hiện các dịch vụ thông thường như sửa các bài luận hoặc tổ chức ôn thi cho học sinh, trường hợp PH có nhu cầu, Rick sẽ "hỗ trợ" bằng cách tổ chức thi hộ hoặc móc nối với các HLV biến chất ở các trường ĐH để đưa các em vào trường dưới tư cách sinh viên có năng khiếu thể thao.

Rick sẽ bỏ ra khoảng 4.000 - 5.000 USD để mua giấy chứng nhận bệnh mãn tính cho các HS và các em sẽ nhận được hỗ trợ đặc biệt khi đi thi, đôi lúc là ở những địa điểm khác... Kì thi kết thúc, Rick sẽ thuê giám thị sửa bài để có thể đạt số điểm vào các trường PH mong muốn, dao động từ 10-100.

Chiêu lừa của Rick còn trắng trợn và tinh vi hơn khi yêu cầu 1 HS mặc trang phục thi đấu bóng nước, chỉ đạo nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp bộ ảnh cho cậu bé ở bể bơi và thuê người photoshop thành trận thi đấu hừng hực khí thế. Dĩ nhiên, sau đó cậu này nghiễm nhiên trở thành sinh viên năng khiếu thể thao mà chưa hề tham gia trận bóng nào trong đời.

Bản án thích đáng

Âm mưu tinh vi của Rick đã bị cô giáo Julie Taylor - Vaz của Trường Buckley School phát hiện một cách tình cờ vào mùa tuyển sinh năm 2017, khi bộ phận tuyển sinh của ĐH Tulane gọi cho cô và báo rằng họ sẽ nhận "thiên tài tennis da màu" Eliza Brass vào trường, trong khi Eliza Brass là một cô bé da trắng, con gái của vị luật sư kiêm thành viên Hội đồng quản trị trường Buckley School.

FBI vào cuộc và sau 1 năm đã bắt giữ ông trùm đường dây lừa đảo vào mùa hè năm 2018. Để được khoan hồng, Rick đã khai ra 33 khách hàng cũng như cung cấp hàng loạt bằng chứng quan trọng, và kết quả là vào năm 2019, FBI đã có cơ sở bắt giữ hơn 50 người bao gồm các HLV và những PH liên quan đến đường dây. Ngày 04/1/2023, William "Rick" Singer đã bị kết án 3 năm 5 tháng tù giam; hàng chục đối tượng khác cũng đã phải lãnh án trong vụ việc làm rúng động hệ thống giáo dục ĐH của Mỹ.

Để ngăn chặn tình trạng trên, những năm gần đây, hơn trăm trường ĐH ở Mỹ đã bỏ những câu lạc bộ bóng bầu dục; trong đó ĐH Washington tăng cường kiểm soát chất lượng của sinh viên thể thao thành tích cao được tuyển thẳng vào trường, sàng lọc những ứng viên mà HLV đưa lên trước khi xem xét đến việc cho phép vào học. Đưa ra quy chế bắt buộc ứng viên khi được nhận vào trường phải tham gia đội tuyển thể thao đã đăng ký ít nhất 1 năm và phải được giám sát nghiêm ngặt để đánh giá có đúng với chất lượng hay không.

Những hành vi vi phạm đã bị xử lý nghiêm, nhưng vấn đề khiến dư luận nước Mỹ băn khoăn là con cái của họ phải đối diện với những hậu quả nặng nề: đa số bị cho nghỉ hoặc các em tự bỏ học do xấu hổ với bạn bè. Hàng loạt trường ĐH buộc phải xem lại phương thức tuyển sinh đồng thời nỗ lực khôi phục hậu quả sau bê bối giáo dục gây chấn động nước Mỹ này.

NGUYỄN XUÂN (Theo The Paper, Fox News)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-cuoi-ho-bien-thanh-tai-nang-the-thao-de-vao-dai-hoc_164377.html