Kỳ cuối: Không để các chủ xe 'nhờn luật'
Việc cấm hoàn toàn các loại xe ba gác, xe 3 - 4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh trên địa bàn TPHCM đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những nguyên nhân là do sự phụ thuộc của người dân vào những phương tiện này trong việc vận chuyển hàng hóa.
Bị bắt giữ, tịch thu xe thì... mua xe mới!
Do các loại xe ba gác, xe 3 - 4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh có khả năng di chuyển linh hoạt trong hẻm nhỏ hoặc khu vực nội thành vào khung giờ cấm xe tải lớn, nơi mà các loại xe tải lớn không thể tiếp cận nên việc thay thế các phương tiện này bằng loại xe an toàn hơn trở nên khó khăn. Với giá thành rẻ, tiện lợi trong vận chuyển cự ly ngắn, xe ba gác, xe 3 - 4 bánh tự chế vẫn là lựa chọn tối ưu cho cả người có nhu cầu thuê và người kinh doanh dịch vụ cần vận chuyển hàng hóa. Chi phí để mua hoặc thuê các loại xe này thấp hơn nhiều so với các loại xe tải lớn, phù hợp nhu cầu của người lao động hoặc có thu nhập thấp. Do đó, dù đã dừng đăng ký mới đối với xe 3 - 4 bánh tự chế từ lâu và bị cấm lưu hành tại các khu vực trung tâm, nhưng hiện nay còn một bộ phận người dân không chấp hành quy định của pháp luật, thường xuyên điều khiển các loại xe 3 - 4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh ngang nhiên lưu thông trên đường.
Để so sánh, đơn cử một chiếc xe ba gác tự chế "chạy được" giá chỉ từ 5 - 10 triệu đồng, trong khi một xe tải nhỏ đã qua sử dụng giá thấp nhất khoảng 200 - 300 triệu đồng. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn về chi phí đầu tư ban đầu và gây ra hiện tượng "nhờn luật". Điển hình là ông N.V.N (49 tuổi) chuyên chở hàng thuê tại Q.Bình Thạnh. Sau khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) bắt giữ, tịch thu xe ba gác tự chế do vi phạm về chở hàng quá tải, ông N. chỉ mất 2 ngày để gom góp, mượn tiền mua một chiếc xe ba gác tự chế mới với giá 7 triệu đồng và tiếp tục chở hàng. Ông N. nói: "Bị bắt xe thì mua xe mới thôi, chứ không có xe thì lấy gì mà sống?".
Tâm lý trên không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân mà đang tồn tại ở nhiều người làm công việc chở hàng thuê như ông N. Chị L.T.B (ngụ Q8) cũng ở trong tình huống tương tự khi bị phạt vì chở hàng quá khổ, bị tịch thu chiếc xe 3 bánh đạp. Chỉ trong vài ngày, chị B. đã kiếm đủ tiền mua chiếc xe 3 bánh đạp mới. "Xe ba gác thì giá cao thôi, chứ xe 3 bánh đạp hay xe lôi 3 bánh rẻ lắm, thậm chí sang tay có mấy trăm ngàn. Ban ngày tôi chạy chở hàng thuê, ban đêm thì đi nhặt ve chai, chỉ có một chiếc xe này để mưu sinh...".
Một ví dụ khác là anh P.V.C (ngụ TP.Thủ Đức) vừa bị tịch thu xe 3 bánh tự chế, xin lực lượng chức năng cho lấy xe ra không được đã quay về lấy xe khác tiếp tục chở vật liệu xây dựng đi giao hàng trên một tuyến đường khác. Anh C. cho biết chỉ chạy xe cho chủ vựa vật liệu xây dựng, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện và tạm giữ xe thì chủ mua xe mới, vì xe đâu có giấy tờ. "Chủ yếu là mình "né” đường để không bị bắt, còn lỡ xui gặp lực lượng chức năng bắt giữ, giam xe mà xin không được thì về báo lại chủ vựa rồi chịu trừ lương" - Anh C. nói.
Liên tiếp xử lý các vi phạm
Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó, Chính phủ yêu cầu từ năm 2008 đình chỉ lưu hành ôtô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe 3 - 4 bánh tự chế. Tại TPHCM, UBND TP cũng có chính sách hỗ trợ những người chạy xe 3 - 4 bánh chuyển đổi nghề. Bộ GTVT cũng có quy định cấm các loại xe tự chế, tự đóng như xe 3 - 4 bánh, xe đầu ngang, đầu dọc... hoạt động. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết không giải quyết đăng kiểm cho các loại xe này. Về nguyên tắc, lực lượng chức năng phải thu giữ các loại xe này để tránh phương tiện lưu thông gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM vào ngày 27/6/2024, Thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó Trưởng phòng Tham mưu - Công an TPHCM) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT đã xử phạt hơn 8.500 xe thô sơ, xe 3 - 4 bánh tự chế, "xe mù”. Trong đó, có tới 1.621 xe không đăng ký, gần 6.000 trường hợp chở quá khổ giới hạn, hàng hóa cồng kềnh. Song song với việc xử lý vi phạm, Công an TPHCM đã tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để nắm chặt nhiều cơ sở "độ chế" xe tự chế, xe thô sơ, xe 3 - 4 bánh. Trong 7 ngày ra quân gần nhất đã phát hiện 3 cơ sở "độ chế" xe, nhiều phương tiện không rõ nguồn gốc, việc phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm, hoạt động ngoài nội dung phạm vi ngành nghề đăng ký kinh doanh. Công an TPHCM đang tiếp tục truy xét, làm rõ, mở rộng, xử lý nghiêm những người vi phạm.
Quá trình thực hiện, Công an TPHCM sẽ phối hợp UBND cấp huyện vận động người dân, chủ cơ sở cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tự chế xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Đồng thời, lực lượng Công an phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các cơ sở sửa chữa, "độ chế" xe nhằm ngăn chặn từ gốc.
Theo Thượng tá Hà, thời gian qua Ban Giám đốc Công an TPHCM đã quan tâm theo dõi, chỉ đạo các giải pháp nhằm giảm quá tải đối với các kho bãi tạm giữ xe, tăng cường tịch thu, bán đấu giá tang vật vi phạm để thu nộp ngân sách nhà nước. Phòng CSGT - Công an TPHCM đang quản lý, sử dụng 9 vị trí kho bãi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, với tổng diện tích đất trên 59.000m2. Tổng số lượng phương tiện đang bị tạm giữ tại 9 kho bãi gồm: 62 ôtô, 34.072 xe máy 2 bánh, 1.279 môtô 3 bánh.
Mặc dù Phòng CSGT - Công an TPHCM đã cố gắng sắp xếp các phương tiện, tang vật vi phạm hành chính tại các kho bãi, tuy nhiên hiện nay diện tích kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, tạm giữ tang vật, phương tiện. Nhiều đơn vị thuộc Phòng CSGT - Công an TPHCM còn tận dụng khoảng trống tại trụ sở để làm nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Theo thống kê riêng của Phòng CSGT, hiện nay cần bổ sung khoảng 100.000m2 kho bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm, nếu không có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn số xe vi phạm vẫn được người dân đưa vào lưu thông.
Xe lôi, xe kéo tự chế tại một cơ sở "độ chế" bị xử lý
Theo quy định tại Nghị quyết số 32 năm 2007, được hướng dẫn bởi Chỉ thị số 1405/CT-TTg và Công văn số 4642/BGTVT-VT, xe tự chế được hiểu là loại xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, sản xuất, lắp đặt trái quy định khi tham gia giao thông, gồm:
- Xe công nông (còn gọi là xe đầu ngang, xe "độ chế", xe bục bịch...) là xe được lắp ráp từ các động cơ diesel một xi-lanh.
- Xe thô sơ 3 bánh, xe 4 bánh (trừ xe 3 bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người khuyết tật có đăng ký và biển số).
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 2 - 12 triệu đồng, tùy vào loại phương tiện; tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; tịch thu phương tiện. Trường hợp gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả, mức phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.