Kỳ cuối: Làm bài bản, mang tính chiến lược về phòng cháy
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, xây dựng triển khai nhiều mô hình phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP Hà Nội đang là một hướng đi đúng, đã vận dụng được sức mạnh toàn dân và không ngừng nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân trong công tác phòng ngừa, xử lý ban đầu các vụ hỏa hoạn. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC, giảm thiểu tối đa số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Trang bị kỹ năng cho người dân từ những mô hình phòng cháy tại cơ sở:
Nhiệm vụ cấp bách, quan trọng
Trước những hiệu quả mà các mô hình PCCC mang lại, để đảm bảo công tác PCCC tại các khu dân cư nằm trong ngõ nhỏ, TP Hà Nội nói chung và các quận, huyện đã đồng loạt triển khai các mô hình PCCC. Trong đó, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng đã góp phần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC, phát huy được hiệu quả nhất định, hỗ trợ không nhỏ trong việc khống chế, dập tắt các vụ hỏa hoạn trong thời gian qua.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CATP Hà Nội, bên cạnh 2 mô hình trên, việc triển khai đồng bộ và phù hợp các mô hình PCCC khác như: khu chung cư, tập thể an toàn PCCC; cụm liên kết Làng nghề an toàn; cụm liên kết an toàn trong khu/cụm công nghiệp; cụm liên kết an toàn PCCC rừng… cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả PCCC.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn TP Hà Nội về tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến quy trình tạo lập thông tin, dữ liệu về PCCC. Hà Nội sẽ thí điểm ứng dụng cảnh báo cháy tại 30 quận, huyện, thị xã; chia ra 2 giai đoạn với mục tiêu: xây dựng phương án phòng cháy; xây dựng phương án cảnh báo cháy và xây dựng được phương án thoát nạn, cứu nạn cứu hộ.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 25/4 đến 30/6, thực hiện đối với cơ sở chung cư mini (nhà ở nhiều căn hộ), nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; giai đoạn 2 từ ngày 1/7 đến 30/9 triển khai đối với cơ sở thuộc diện quản lý PCCC.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, TP Hà Nội xác định đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của năm 2024. Từ đó yêu cầu các địa phương rà soát, phân công cụ thể “5 rõ, 1 xuyên suốt”. Theo đó, rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân; rõ quy trình, tiến độ, rõ kết quả. Phân công nhiệm vụ xuyên suốt cho 1 người, giảm thời gian họp hành.
Các bước đảm bảo an toàn PCCC mùa nắng nóng
Hà Nội đang bắt đầu bước vào giai đoạn mùa nắng nóng của năm 2024. CATP Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo PCCC cụ thể, người dân, các cơ quan, đơn vị chú ý:
Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện nhằm tránh sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của thiết bị; kiểm tra, lắp đặt thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà…
Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn, ổ cắm. Phân bổ thiết bị để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn, tránh quá tải gây cháy; khi lắp đặt thêm thiết bị có công suất lớn, phải lựa chọn dây dẫn phù hợp; không sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện... qua đêm, khi không có người ở nhà.
Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy…
Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí, khói độc khi nổ máy; hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.
Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã, phải trông coi, có che chắn, tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, đặc biệt trước thời điểm đi du lịch, đi nghỉ... phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết...
Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống để thoát nạn an toàn khi có cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho mọi người trong gia đình sử dụng thành thạo dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
Khi xảy ra cháy, nhanh chóng gọi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114, Ứng dụng BAOCHAY 114, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH- CA quận hoặc CA phường gần nhất.
Box: Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an, công tác phòng cháy rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, phải làm bài bản, căn cơ, mang tính chiến lược và lâu dài về công tác phòng cháy. Trong đó, công tác chỉ đạo phải xuyên suốt đến tận cấp huyện, thị trấn/xã; chú trọng công tác xây dựng lực lượng; trang thiết bị phương tiện; xây dựng và nhân rộng các mô hình PCCC hiệu quả, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ"; huy động tiềm năng, tiềm lực của các tỉnh, ngành trong công tác PCCC.