Kỳ cuối: Những lá thư gửi người cảnh sát trẻ

Dưới đây là bài viết của Victor Letonoff đã nghỉ hưu vào năm 2020 tại Sở CS Rehoboth Beach (bang Delaware, Mỹ), nơi ông làm việc từ năm 2002. Những năm gần đây, ông trở thành cây bút được nhiều người biết đến chuyên viết về nghề CS của mình. Đoạn lược dịch dưới đây trích từ cuốn sách sắp xuất bản 'Bức thư gửi người cảnh sát trẻ' của ông, bày tỏ cảm xúc của tác giả vào ngày Giáng sinh với tư cách một người giữ gìn an ninh trật tự.

Giáng sinh đầu tiên của tôi với tư cách CS thực ra là đêm đầu tiên tôi làm nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp Học viện CS. Ca của tôi phụ trách từ nửa đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Tôi 39 tuổi, con gái hai tuổi rưỡi, còn vợ đang mang thai 4 tháng.

Đồng nghiệp đầu tiên của tôi là Charlie, anh ấy đã chỉ cho tôi cách làm việc vào đêm đó. Charlie cũng là một người cha, có 3 đứa con sinh ba 3 tuổi ở nhà. Khoảng 2 giờ sáng, chúng tôi lái xe đến nhà anh ở ngoại ô thị trấn, nơi các con và vợ anh đang ngủ. Căn nhà tối om ngoại trừ ánh đèn Giáng sinh. Như những "chú yêu tinh xanh" giúp việc cho ông già Noel, chúng tôi lặng lẽ lấy những món quà đã gói từ tủ quần áo và các nơi khác, sắp xếp chúng dưới gốc cây. Charlie biết anh có thể không về kịp để gặp các con khi chúng chạy xuống cầu thang vào buổi sáng để xem ông già Noel đã mang gì đến.

Cũng như tất cả những CS khác, tôi phải làm nhiệm vụ của mình trong những ngày lễ. Đã bao lần tôi loạng choạng bước vào phòng khách nhà mình với đôi mắt lờ đờ sau ca làm việc đêm trong lúc các con chờ tôi bên cây thông Giáng sinh. Tôi luôn rất biết ơn sự kiên nhẫn của chúng...

Tôi cũng từng bỏ lỡ những lần khác: sinh nhật của các con, kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng, Lễ Tạ ơn... Tôi chưa bao giờ ăn mừng Ngày 4 tháng 7 tại nhà mình - một ngày làm việc bắt buộc tại khu nghỉ dưỡng bãi biển khu vực tôi phụ trách, nơi pháo hoa trên biển thu hút nhiều đám đông đến nỗi giao thông tắc nghẽn nhiều giờ sau khi bắn... Tôi nói điều này không phải để phàn nàn, nhưng cũng không phải là không hối tiếc. Đó là một phần công việc của chúng tôi. Chúng tôi đã bỏ lỡ những khoảng thời gian đặc biệt bên gia đình, vì vậy những người khác sẽ có những khoảng thời gian ấy bên gia đình họ.

Tôi không chắc mọi người có quan tâm đến chuyện này hay không và tôi ước họ đã làm như vậy.

Lần cuối cùng tôi làm việc vào đêm Giáng sinh, tôi ghé qua nhà thờ để dự lễ nửa đêm. Tôi lẻn vào qua cánh cửa gỗ sồi lớn, cố gắng đứng kín đáo ngay bên trong, sẵn sàng lên đường nếu có cuộc gọi đến. Nơi này đông nghẹt và tôi cảm thấy ấm áp khi tất cả mọi người chen chúc nhau. Tôi thích nhìn những bộ trang phục Giáng sinh: áo len và cà vạt họa tiết cây tầm gửi, những bé gái mặc váy nhung và quần tất ren, những người phụ nữ mặc áo khoác len đỏ... Con cái đã lớn và tôi nhớ chúng - những đứa trẻ luôn tin tưởng vào ông già Noel.

Thật là một cảm giác kỳ lạ khi đứng giữa nhà thờ trong bộ cảnh phục, mặc áo chống đạn, mang thắt lưng súng. Và radio của tôi bất ngờ phát tín hiệu rồi tôi biến mất - để giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Nếu tôi làm tốt công việc của mình, sẽ không ai nhận ra tôi đã biến mất. Đến khi buổi lễ kết thúc và các gia đình ra xe, có lẽ tuyết đã bắt đầu rơi, và họ cũng quên mất những viên CS vẫn đứng ở phía sau nhà thờ.

Nhưng tôi không bao giờ quên lễ Giáng sinh đầu tiên với tư cách là CS, khi Charlie cùng tôi giấu quà dưới gốc cây và tôi luôn cảm thấy biết ơn khi được tham gia vào nhiệm vụ nhỏ bé đó. Không lâu sau đó, vợ của Charlie đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi.

Theo cách nào đó, việc chúng tôi là "yêu tinh" đã cho phép Charlie vẫn là một phần của lễ Giáng sinh cuối cùng bên nhau của gia đình anh ấy. Trong số rất nhiều điều anh ấy đã chỉ cho tôi vào đêm đó về cách trở thành CS, đây là điều quan trọng nhất.

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/nhung-la-thu-gui-nguoi-canh-sat-tre_172083.html