Kỳ cuối: Tạo diễn đàn để đoàn viên gửi gắm nguyện vọng
Tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với công nhân lao động (CNLĐ) là cách làm hiệu quả mà các cấp Công đoàn Thủ đô đang triển khai nhằm tạo diễn đàn để lãnh đạo chính quyền lắng nghe đề xuất, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó, kịp thời giải đáp và chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Trong nhiều năm qua, người đứng đầu chính quyền huyện Đan Phượng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ trên địa bàn huyện. Qua tiếp xúc đối thoại, trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đã lắng nghe đề xuất, kiến nghị và trả lời những băn khoăn, thắc mắc của CNLĐ. Nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực được chỉ đạo giải quyết ngay tại hội nghị đối thoại. Đơn cử như trường hợp một công nhân thuê trọ trên địa bàn huyện có con nhỏ đến tuổi đi học, băn khoăn việc con học trái tuyến sẽ tốn kém, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Công an địa phương hỗ trợ gia đình công nhân này đăng ký tạm trú, tạm vắng, giúp con họ được đi học đúng tuyến.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng, hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với CNLĐ là hoạt động thường niên do LĐLĐ huyện phối hợp với UBND huyện tổ chức. Để tổ chức thành công hoạt động này, LĐLĐ huyện đã lựa chọn nội dung đối thoại liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống, việc làm của người lao động… Từ đó, tập hợp và đề xuất người đứng đầu chính quyền huyện đối thoại, trao đổi, trả lời trực tiếp. Ngoài ra, trong hội nghị đối thoại, LĐLĐ huyện cũng chú trọng đến việc tạo bầu không khí thoải mái, để người lao động có thể sẵn sàng hỏi, kiến nghị, đề xuất những vấn đề mà bản thân quan tâm.
Ở cấp Thành phố, vào dịp Tháng Công nhân hằng năm, LĐLĐ và UBND Thành phố đều phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với CNLĐ. Năm nay, Hội nghị được tổ chức tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu Công nghiệp Nội Bài) dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh. Tại Hội nghị, trong không khí cởi mở, CNLĐ đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với Thành phố và các sở, ngành liên quan, tập trung vào các nhóm vấn đề: Giải quyết nhu cầu nhà ở cho CNLĐ; đảm bảo đời sống, an sinh xã hội; cải cách thủ tục hành chính khi phục vụ nhu cầu của công nhân…
Sau khi lắng nghe đề xuất, kiến nghị của CNLĐ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị rất xác đáng của CNLĐ và chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp thu, trả lời. Người đứng đầu chính quyền Thủ đô cũng đã trực tiếp trả lời những vấn đề mà CNLĐ quan tâm, như đối với vấn đề nhà ở cho CNLĐ, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số dự án nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của CNLĐ. “Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà ở. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để CNLĐ với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Ngay sau Hội nghị, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 526/TB-UBND về kết luận của đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ Thủ đô năm 2023. Tại Thông báo, Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng được giao, chủ động phối hợp với LĐLĐ Thành phố xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho CNLĐ yên tâm sinh sống, làm việc.
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngay sau khi tiếp nhận ý kiến của CNLĐ tại Hội nghị về tình trạng ùn tắc và nguy cơ mất an toàn giao thông tại khu vực cổng Khu Công nghiệp Thăng Long, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có sự điều chỉnh giao thông tuyến đường Chính A (trước cổng Khu Công nghiệp Thăng Long) và yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện lắp đặt, bổ sung hệ thống đảo vòng xuyến, hệ thống biển báo giao thông và vạch sơn, gờ giảm tốc... để đảm bảo an toàn giao thông theo phương án tổ chức giao thông đã được duyệt; tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện, đề xuất và báo cáo để điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp.
Là một trong những CNLĐ tham gia và trực tiếp nêu đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với CNLĐ, anh Trần Huy Tiến - Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long) vui mừng chia sẻ: “Các ý kiến trả lời, giải đáp của lãnh đạo Thành phố và các sở, ban, ngành rất thỏa đáng. Đặc biệt, đối với đề xuất, kiến nghị của tôi về vấn đề điều chỉnh giao thông tại khu vực cổng Khu Công nghiệp Thăng Long để đảm bảo an toàn cho CNLĐ khi tham gia giao thông đã được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp thu và đã có sự điều chỉnh kịp thời. Tôi mong rằng sẽ có nhiều diễn đàn để lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị chính đáng của CNLĐ”.
Tin tưởng rằng, với việc lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của CNLĐ và sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Thành phố cùng với đó là sự vào cuộc nhanh chóng của các sở, ban, ngành của Thành phố, những đề xuất, kiến nghị của CNLĐ sẽ sớm được giải quyết dứt điểm.
Có thể khẳng định, thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có tính hành động cao, với phương châm hướng về cơ sở, vì người lao động, nhất là việc phối hợp tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền các cấp và CNLĐ, không chỉ thể hiện vai trò của Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động mà còn tạo sự quan tâm của chính quyền trong việc giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Qua đó, giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nói riêng, Thủ đô và đất nước nói chung.