Kỳ cuối: Tin tưởng ở tương lai

Đất nước đã sang trang sử mới 77 năm, người Chứt cũng từ đấy có cơ hội hòa nhập, phát triển sánh vai cùng các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ những nhóm người du canh, du cư, thậm chí sống trong hang đá trên núi cao; hôm nay người Chứt đã định cư thành các bản làng sầm uất, biết thâm canh lúa nước, làm vườn, chăn nuôi; đời sống bà con không ngừng nâng lên. Con em của đồng bào Chứt đã có người là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên và ngày càng nhiều tham gia bộ máy nhà nước...

Lo cho đồng bào ăn no, mặc ấm

Đồng bào dân tộc Chứt cư trú trên dãy Trường Sơn trùng điệp, hiểm trở miền Tây Quảng Bình thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, giáp biên giới Việt - Lào. Địa mạo phần lớn là núi đá vôi, nhiều hang động, đồi đá nên đất canh tác thâm canh rất ít, khí hậu lại khắc nghiệt, hàng năm vào mùa khô từng đợt gió “Lào” khô hanh nóng bỏng tràn về gây thiệt hại lớn đến cây trồng, vật nuôi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà đồng bào vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Bình Ảnh: TL

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà đồng bào vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Bình Ảnh: TL

Hành trình làm nên những điều kỳ tích của người Chứt khẳng định đường lối, chính sách lãnh đạo đúng đắn cùng sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước đối với các dân tộc ít người nói chung và với dân tộc Chứt nói riêng. Qua rất nhiều năm, Đảng bộ và HĐND tỉnh Quảng Bình luôn trăn trở, làm sao để đồng bào Chứt có cái ăn, có cái mặc, rồi mới tính tới lo cho đồng bào ăn no, mặc ấm. Rất nhiều nghị quyết của các cấp ủy Đảng, của HĐND các cấp được ban hành và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành địa phương để giải quyết hai vấn đề then chốt cho người Chứt: Định cư và Định canh.

Từ thập kỷ 90, thế kỷ trước, trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn, Quốc hội cũng đã dành nhiều nguồn lực chăm lo cho đồng bào Chứt. Cụ thể là dành hơn 36 tỷ đồng cho việc tái định cư và định canh cho nhóm người Rục có nguy cơ tuyệt chủng, trở lại hang núi sống du cư sau lần được Bộ đội Biên phòng đưa từ rừng sâu ra lập bản.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình Võ Ngọc Thanh, cấp bách thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong vấn đề bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người, những năm qua, Quảng Bình đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ, đầu tư, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng, thu nhập và mức sống của đồng bào được nâng cao so với trước. Đặc biệt, 30 năm qua, từ khi Ban Dân tộc tỉnh được thành lập, bộ máy được kiện toàn đến các huyện miền núi, cán bộ của Ban đã “ba cùng”: cùng ăn, ngủ, cùng làm với bà con.

Kết quả đã tạo nên sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần, hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Quảng Bình, trong đó dân tộc Chứt. Các xã vùng đồng bào Chứt đã có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới quốc gia và năng lượng khác; điện thoại, mạng internet, trạm y tế, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trong đó phần lớn hệ thống trường học được xây dựng khang trang; được phủ sóng phát thanh, truyền hình.

Cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi của vùng đồng bào Chứt đã có sự chuyển dịch tích cực; các hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất; được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trình độ sản xuất được nâng lên rõ rệt, giúp người dân dần thay đổi thói quen về canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp. Công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe và học tập của đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều phong tục tập quán lạc hậu đã được bãi bỏ, nhiều truyền thống văn hóa, lễ hội đặc trưng được khôi phục bảo tồn.

Tiền đề cho những đổi thay

Theo ông Võ Ngọc Thanh, so với những năm trước, đời sống của người Chứt đã có nhiều thay đổi tích cực, nhiều thành tựu xã hội đã đến với đồng bào; tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan làm cho đời sống của đồng bào dân tộc Chứt còn không ít khó khăn; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và phúc lợi xã hội đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho vùng miền núi đặc biệt khó khăn, dân trí còn thấp sẽ là nguy cơ kéo người Chứt tụt hậu.

Giáo viên chăm sóc vườn hoa tại Trường Mầm non bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa Ảnh: Q.N

Giáo viên chăm sóc vườn hoa tại Trường Mầm non bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa Ảnh: Q.N

Thực hiện quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã gấp rút triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Chứt giai đoạn 2016 - 2025 với tổng kinh phí hơn 443 tỷ đồng và đã mang lại những kết quả bước đầu.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, tại toàn bộ 9 xã có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống đã có đường giao thông đến trung tâm; các điểm trường trung tâm xã, gồm trường tiểu học và trung học cơ sở đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, không còn tình trạng học sinh phải học 3 ca; một số điểm trường tạm được xây dựng khang trang; có 8/9 xã có điện lưới, xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) dùng năng lượng pin mặt trời để thắp sáng.

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đồng bào Chứt đã tích cực triển khai, hưởng ứng, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần. Các điểm bưu điện văn hóa xã, hệ thống thông tin liên lạc được xây dựng đã đáp ứng về cơ bản nhu cầu thông tin liên lạc; đồng bào có điều kiện tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào Chứt đã được chính quyền địa phương bảo tồn phát huy. Người Chứt nay vẫn duy trì tiếng nói của dân tộc mình và sử dụng thành thạo tiếng Việt phổ thông. Đã có nhiều cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc Chứt đảm nhận những chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền ở cấp xã, cấp huyện. Công tác phát triển tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên ở vùng đồng bào Chứt được chú trọng. Trong số 29 thôn bản người dân tộc Chứt sinh sống tập trung thì đều có tổ chức cơ sở Đảng.

Cuộc sống người Chứt hôm nay tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, con đường để đồng bào xóa đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống còn lắm gian nan, trường kỳ. Tuy nhiên, từ những kết quả đã đạt được trong suốt cuộc hành trình của mình; những gì Đảng và Nhà nước đã và đang quan tâm dành cho người Chứt sẽ là cơ sở để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho đồng bào.

Sự lạc quan của chúng tôi đã được Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn chia sẻ, nhờ những chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước mà đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc thiểu số nói chung, người Chứt nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương trong thời gian qua rất ý nghĩa, nhiều dự án hỗ trợ đồng bào hiện vẫn đang tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả rất lớn trong sự đổi thay cuộc sống của dân tộc Chứt.

Ghi chép của Quang Vũ - Quang Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/ky-cuoi%C2%A0tin-tuong-o-tuong-lai-i325751/