Kỳ cuối: Tôn giáo là văn hóa, là nguồn lực
Là tỉnh có gần 70% người dân là người có tín ngưỡng, tôn giáo, công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của đồng bào được tôn trọng, bảo đảm.
Tấm lòng vàng
Khi nói về những đóng góp của đồng bào có đạo ở Tây Ninh đối với xã hội, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến một người nông dân ở xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành- ông Ðặng Hữu Nghĩa. Những năm 2010-2012, tên tuổi của ông xuất hiện khá nhiều trên báo chí địa phương và trung ương bởi những đóng góp lớn lao của gia đình ông.
Năm 2010, ông Ðặng Hữu Nghĩa gửi tặng 30 triệu đồng để bộ đội Trường Sa đón Tết Tân Mão. Trước đó, năm 2009, ông cũng đã tặng cán bộ chiến sĩ Trường Sa 50 triệu đồng. Hàng chục trẻ em nghèo bị bệnh tim, bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống nhờ sự giúp đỡ của ông Nghĩa. Nhưng sự kiện đặc biệt nhất phải kể đến là việc ông chi ra một khoản tiền lớn dành cho giáo dục.
Năm 2012, được sự đồng ý của gia đình, ông Nghĩa tài trợ 8 tỷ đồng để xây mới hoàn toàn Trường mầm non Hiệp Ðịnh tại địa điểm cũ Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành- nay là thị xã Hòa Thành.
Vào thời điểm đó, mạnh thường quân này cho biết, việc bỏ ra 8 tỷ đồng để xây dựng một ngôi trường cho hơn 300 học sinh có chỗ học khang trang là niềm vui lớn nhất của đời ông. Ngoài ra, ông còn tặng hàng trăm triệu đồng để nâng cấp lưới điện cho một trường phổ thông.
Chỉ là một người nông dân bình thường nhưng ông Ðặng Hữu Nghĩa lại rất quan tâm đến vấn đề giáo dục. Ông cho rằng Việt Nam muốn hùng cường thì phải có một nền giáo dục có chất lượng như Ðài Loan hay Nhật Bản.
Theo ông, thế hệ trẻ có thể học Bác Hồ nhiều thứ, trong đó có tấm gương tự học của Bác. Trong cả nước, vài chục năm qua, nói về sự đóng góp vô cùng to lớn cho xã hội, cho đất nước của một cá nhân, một tín đồ tôn giáo không thể không nhắc tới ông Ðặng Hữu Nghĩa. Năm 2012, ông Nghĩa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Là tỉnh có gần 70% người dân là người có tín ngưỡng, tôn giáo, công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của đồng bào được tôn trọng, bảo đảm.
Trong hành đạo, các tôn giáo, tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh có sự gắn kết chặt chẽ, tôn trọng nhau và thực hiện tốt hướng dẫn của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp. Tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, các hoạt động từ thiện xã hội, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Văn kiện đại hội lần thứ XI Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định “Thực hiện tốt chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo, quan tâm hỗ trợ, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo còn nhiều khó khăn.
Ðảng, chính quyền luôn tạo điều kiện cho các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Hướng dẫn các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, tích cực đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, tín ngưỡng tôn giáo vi phạm pháp luật, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ðịnh kỳ hằng năm, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, gặp mặt giữa các tôn giáo, tạo sự đoàn kết, gắn bó. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên đối thoại, gặp gỡ với già làng, chức sắc tôn giáo, góp phần tạo niềm tin, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không để xảy ra “điểm nóng” liên quan đến dân tộc, tôn giáo, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Ðây là điểm sáng về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương”.
Phát huy giá trị văn hóa, ðạo ðức tôn giáo
Mỗi một tôn giáo trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển đều mang trong mình những giá trị tích cực nhất định. Ðó có thể là những giá trị về đạo đức giúp cho con người hướng thiện hoặc là những giá trị văn hóa giúp cho đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân trở nên phong phú hơn.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta không chỉ khẳng định chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ðặc biệt, đến Ðại hội XIII của Ðảng, vấn đề “phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong văn kiện Ðại hội. Ðiều này thể hiện tầm tư duy mới của Ðảng được đúc rút, kiểm nghiệm hết sức thận trọng, khách quan, khoa học.
Nguồn lực tôn giáo thể hiện ở hai phương diện cơ bản là nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nguồn lực tinh thần chính là giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp được thể hiện trong hệ thống triết lý, giới luật, lễ nghi có tác dụng điều chỉnh nhận thức, hành vi của tín đồ.
Giá trị đó, ngoài việc bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn hướng con người đến một thế giới “chân, thiện, mỹ”. Nguồn lực vật chất của tôn giáo được kết hợp bởi hai yếu tố nguồn nhân lực và nguồn vốn của giáo hội, tín đồ các tôn giáo. Họ chính là người làm ra của cải không chỉ phục vụ đời sống hằng ngày mà còn cùng với các thành phần xã hội khác góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH đất nước.
Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng cũng khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”.
Quan điểm này đã được thể hiện xuyên suốt thông qua nhiều kỳ đại hội. Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VIII và IX, Ðảng xác định: “Ðồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo”.
Sau 2 kỳ Ðại hội, quan điểm này có sự thay đổi cơ bản khi Ðảng chỉ đạo cần “động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo”. Ðại hội XI, Ðảng tái khẳng định quan điểm trên, đồng thời bổ sung thêm chủ thể cần vận động là “các tổ chức tôn giáo”.
Ðại hội XII quan điểm này tiếp tục được tái khẳng định. Ðáng chú ý, văn kiện Ðại hội XIII, cụm từ “vận động” được sử dụng thay cho “động viên” thể hiện rõ hơn sự ý thức trách nhiệm của các chủ thể làm công tác tôn giáo, không chỉ là tuyên truyền mà phải bằng các chính sách, việc làm cụ thể để vận động quần chúng tín đồ.
Cụm từ “đoàn kết”, “tập hợp” mới bổ sung đã khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Ðảng, không còn chỉ dừng lại ở “vận động” mà phải hướng đến mục tiêu đoàn kết được tổ chức, chức sắc, tín đồ trong cùng một tôn giáo và giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, để trước hết sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Kế tiếp, là tập hợp, quy tụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng. Như vậy, có thể hiểu “vận động” vừa là yêu cầu, vừa là nội dung trọng tâm được Ðảng ta xác định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng” để đạt được mục tiêu “đoàn kết, tập hợp” các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nội dung quan điểm này cũng là sự cụ thể hóa quan điểm xuyên suốt của Ðảng thể hiện trong toàn bộ Văn kiện Ðại hội XIII, đó là chỉ khi nào vận động, đoàn kết, tập hợp được quần chúng, trong đó có chức sắc, tín đồ tôn giáo thì khi đó mới có thể “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua, các tôn giáo phát triển toàn diện về mọi mặt. Nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế như Ðại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (VESAK), Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI, Lễ khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo, lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X…
Những kết quả đó thể hiện tính đúng đắn của việc đề ra và triển khai thực hiện đường lối, chính sách về tôn giáo của Ðảng. Ðó cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-cuoi-ton-giao-la-van-hoa-la-nguon-luc-a137478.html