Kỳ cuối: Trên những hành trình giúp dân
Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành tặng giấy khen ghi nhận đóng góp của các cá nhân nỗ lực xây cầu giúp địa phương. Ảnh: THU THỦY
“Chú Đào ơi, tôi và bà con cảm ơn mọi người nhiều lắm. Tình cảm này đáng trân trọng, không biết khi nào trả cho hết…”. Nói xong, người đàn ông tuổi trên 70 ở xã An Hải (Tuy An) lại cảm động thút thít như một lời tri ân đến những tấm lòng đã kết nối xây cầu nhân ái. Còn kỹ sư Dương Xuân Đào thì nhẹ nhàng: “Bà con vui là chúng tôi vui rồi”.
Từ cầu Nhất Trí đến cầu Đồng Nổ
Ghi nhận sự nỗ lực đóng góp và huy động từ cộng đồng để xây những chiếc cầu cho địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, tại lễ khánh thành cầu Mỹ Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành tặng giấy khen cho 4 cá nhân gồm thầy Nghĩa Dũng, CLB Nghĩa Dũng Karatedo TP Huế; ông Dương Xuân Đào (Gia Lai); ông Võ Văn Quang, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng Thịnh Phát và bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Công ty CP Mắc ca Phú Yên.
Sau trận lũ cuối năm 2016, bà Nguyễn Thị Thu Vân, lúc bấy giờ là Chủ tịch LĐLĐ Phú Yên cùng với nhà báo Nguyễn Trung Hiếu phụ trách Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao Động đi trao quà cứu trợ cho bà con xã An Định. Nghe kể có những cụ già, em bé rơi xuống nước khi đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo; có người chết vì không cứu kịp, bà Vân tự nhủ: sao không vận động làm một chiếc cầu kiên cố giúp bà con? Nói là làm, bà và mọi người bắt tay vào vận động. Chiếc cầu được đặt tên là cầu Nhất Trí. Một kỹ sư xây dựng ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) tình nguyện thiết kế miễn phí cây cầu. Ngoài kinh phí hỗ trợ của huyện, các nhà hảo tâm cũng vào cuộc, đóng góp công sức và tiền bạc. Kỹ sư xây dựng Dương Xuân Đào (Gia Lai) và kỹ sư cơ khí Trương Anh cũng tự nguyện làm việc mấy tháng liền cho đến khi hoàn thành cây cầu mà không nhận tiền thù lao. Ngày khánh thành cầu Nhất Trí, mọi người vui mừng khôn tả.
Cũng tại buổi lễ đó, Trưởng thôn Phong Thăng bật khóc, mong bà Thu Vân giúp cho bà con vùng 6 một chiếc cầu, bởi mùa mưa, họ còn vất vả hơn ở đây nhiều. Được sự tán đồng của mọi người đang dự lễ, thông tin quyên góp kinh phí làm một cây cầu mới nữa được đưa lên mạng xã hội facebook. Hình ảnh cầu Nhất Trí xây trước đó và thông tin tài chính công khai, nên mọi người tin tưởng và tiếp tục ủng hộ.
Cây cầu Hòa Lạc đã hình thành từ sự đóng góp của những tấm lòng vàng khắp nơi trong nước và nước ngoài, chủ công là bà Thu Vân, kỹ sư Dương Xuân Đào, kỹ sư Võ Văn Quang, nhà báo Trung Hiếu và nhóm thiện nguyện, có sự ủng hộ của lãnh đạo huyện, xã. Bà con địa phương cũng góp công, góp sức hiến đất làm đường, Ban Công tác Mặt trận thôn luân phiên cử người tham gia phụ hồ và giám sát quá trình thi công. Chiếc cầu mới xây nằm lọt thỏm giữa vùng trũng, bao quanh là đồi núi hẻo lánh đủ để thấy sự vất vả biết nhường nào của đội ngũ xây dựng. Chiếc cầu bê tông vững chắc được bắc qua lòng suối, tạo điều kiện đi lại thuận tiện, an toàn khiến người dân nơi đây ai cũng phấn khởi.
Trở lại An Định trong chuyến cứu trợ bà con cuối năm 2017, bà Thu Vân bàn với nhóm thiện nguyện tiếp tục xây cây cầu Hoa Vàng Cỏ Xanh như tên phim để đạt yêu cầu giao thông và du lịch. Thiết kế cầu được Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng Thịnh Phát vẽ tặng cùng với 10 triệu đồng tiền mặt. Chị Đào Thị Thanh Viên, quê Phú Yên đang làm việc tại Công ty Tài chính online trong chuyến về thăm quê nghe thông tin làm cây cầu này đã bàn với công ty ủng hộ 300 triệu đồng. Các bác sĩ Trung Việt, Quốc Tuấn và nhóm Nha khoa Việt Khương - Sài Gòn - Đà Nẵng đã ủng hộ bước đầu 200 triệu đồng. Nhóm bonsai Đà Nẵng cũng đưa lên mạng đấu giá 4 cây kiểng đẹp, thu được 60 triệu đồng gửi đến ủng hộ. UBND huyện Tuy An cam kết hỗ trợ 150 triệu đồng. Một số nhà hảo tâm cũng đóng góp phần kinh phí đáng kể đủ để mua vật liệu xây cầu…
Ngày khánh thành cầu Hoa Vàng Cỏ Xanh, niềm vui lan tỏa khắp vùng. Tin nhanh đến với lãnh đạo xã An Dân, họ bày tỏ niềm mong ước lên Chủ tịch UBND huyện và nhóm thiện nguyện muốn có một chiếc cầu trên con đường liên thôn từ Phú Mỹ lên Mỹ Long. Con đường này chạy dọc theo bờ sông Cái, hễ đến mùa mưa là… tắc đường vì trên đường có nhiều con suối nước chảy xiết, không lội qua được. Vậy là thông tin xây cầu Mỹ Long lại lên mạng. Kinh phí hơn 233 triệu đồng được huy động từ những mạnh thường quân, địa phương và 100 ngày công của người dân. Đặc biệt, thầy Nghĩa Dũng, CLB Nghĩa Dũng Karatedo TP Huế tài trợ 120 triệu đồng để xây cầu. Có tiền, có vật liệu, nhóm thiện nguyện với kỹ sư Dương Xuân Đào lại dựng lán bên đường để làm cầu.
Cầu Mỹ Long vừa hoàn thành đầu năm 2019 thì nhóm lại nhận nhiệm vụ huy động làm cầu Đồng Nổ (xã An Hải) khi cầu cũ bị lũ cuốn vào cuối năm trước. Công trình dự toán khoản 1,17 tỉ đồng, kinh phí Nhà nước cấp chưa được 50%, số tiền còn lại nhóm vận động quyên góp. Tin nhắn lại rung trên điện thoại của bà Thu Vân để ủng hộ xây cầu Đồng Nổ với những con số, ít thì vài trăm ngàn, có người 5 triệu đồng, 10 triệu đồng… Ngay sau ngày khởi công, chị Mỹ Linh trong nhóm thiện nguyện Trái tim Việt và các bạn hữu đã ủng hộ 100 triệu đồng để xây cầu. Bà Thu Vân cho biết, song song với xây cầu Đồng Nổ là xây cầu Hòa Thạnh (xã An Cư). Vì làm cùng thời điểm nên nhóm dốc sức cho cầu Đồng Nổ, đồng thời làm cầu nối, hướng dẫn các nhà thiện tâm khác làm cầu Hòa Thạnh để kịp tiến độ, phục vụ dân sinh.
Duyên kết nối
Trong 3 năm, họ cùng vận động và bỏ công không lương trực tiếp làm 6 cây cầu. Cùng với đó là hàng ngàn mét đường bê tông, giúp tài trợ một ca mổ tim, tặng hệ thống lọc nước sạch cho trường tiểu học và trường mầm non, hàng ngàn tập vở học sinh nơi họ đến xây cầu.
Ông Dương Xuân Đào từ Gia Lai đi cứu trợ trận lũ năm 2016 tại xã An Dân cùng đoàn Hướng đạo sinh Việt Nam do ông dẫn đầu tặng 300 suất quà và 3.000 con gà giống. Lúc đó, lãnh đạo huyện Tuy An kêu gọi ông giúp xây dựng cầu cho bà con vùng lũ. Ông Đào là kỹ sư xây dựng cầu đường, có duyên từ năm 2000-2006 công tác ở đất Phú Yên, trực tiếp thi công dự án ADB nâng cấp quốc lộ 1 giai đoạn 1. Rồi từ năm 2017 đến nay, ông lên xuống Gia Lai - Phú Yên như cơm bữa cho những dự án xây cầu dân sinh.
Dấn thân đội nắng, dầm mưa trực tiếp nơi công trình, da ông rám đen vì nắng. Dấu chân ông in đậm trên những làng quê Tuy An. Ông tâm sự: “Chúng tôi tính toán sử dụng vật liệu phù hợp, giảm tối đa về chi phí. Đặc biệt, không có một đồng lương nào cho việc này. Anh chị em tự bỏ chi phí khảo sát, làm việc với địa phương, kiểm tra tiến độ xây dựng… Nhiệm vụ ai người đó làm, còn vận động là cả nhóm thực hiện dưới nhiều hình thức. Làm từ thiện mà đồng lòng như vầy thì ai cũng sẵn sàng làm. Đúng là chiếc cầu nối những bờ vui”.
Đỉnh cao của công tác thiện nguyện là “với” tới việc xây những chiếc cầu nối nhịp bờ vui. Sau mỗi chiếc cầu được bàn giao cho địa phương, anh em thiện nguyện định nghỉ ngơi chút, nhưng nhiệm vụ “không lương” này tiếp tục quấn lấy họ.
Những ngày cuối tháng 10, bà Vân nhận thêm tiền từ bạn bè tiếp tục hỗ trợ xây cầu Đồng Nổ, bà thấy an yên đến lạ khi mình được tin làm nơi trao gửi. Vì bà nghĩ, mưa về, lũ về, nhân dân nơi đây an lòng vì có cầu vững chắc để đi, nhà cửa an yên vì có kè che chắn. Bà xúc động vì trong 3 năm qua, rất nhiều lần thân nữ nhi ngày ra công trường, đêm về kết nối yêu thương xây cầu. Bà không nghĩ mình đã cùng chung tay vận động xây đến chiếc cầu thứ 6. Cũng như bà con, bà Vân òa trong niềm vui khi cầu Đồng Nổ hoàn thành kịp thời trước mùa mưa lũ. Bà chia sẻ: “Trong khả năng cho phép, trước đây là tổ chức công đoàn, sau đó là cá nhân tôi cùng một số anh chị em đã kêu gọi, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ để triển khai xây dựng những cây cầu dân sinh. Sự vất vả đã được đền bù lại bằng niềm vui chất ngất khi mỗi chiếc cầu được bàn giao. Vui vì hoàn thành ước nguyện của bà con”.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/231223/ky-cuoi--tren-nhung-hanh-trinh-giup-dan.html