Ký được hợp đồng với Singapore, Thái Lan giành lại vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo
Thái Lan có thể đạt mục tiêu xuất 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2022 sau khi đàm phán thành công với Singapore về việc tăng nhập khẩu gạo từ Thái Lan trong các tháng còn lại của năm – Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan tuyên bố hôm 6-9. Với dự đoán này, Thái Lan chắc chắn sẽ giành lại vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới của Việt Nam trong năm nay, đẩy Việt Nam xuống vị trí thứ ba.Theo nền tảng dữ liệu thương mại OEC, trong năm 2020 Singapore nhập khẩu lượng gạo trị giá 289 triệu đô la Mỹ, gồm Thái Lan đứng đầu (123 triệu đô), Ấn Độ (59,8 triệu đô), Việt Nam (57,1 triệu đô), Trung Quốc (11,5 triệu đô) và Campuchia (8,57 triệu đô). Nhưng các nhà buôn của Singapore cũng bán sáng các nước khác lượng gạo trị giá 79,6 triệu đô la Mỹ với năm thị trường chính lần lượt là Indonesia, Mozambique, Benin, Malaysia và Philippines. Như vậy, lượng gạo Singapore nhập là 'mua đi bán lại'.
Báo The Nation dẫn lời Tổng cục trường Pitak Udomwichaiwat rằng các cuộc đàm phán gần đây giữa Cục với Tổng hội các nhà nhập khẩu gạo Singapore và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan tại Singapore đã thành công. Singapore đã đồng ý nhập khẩu nhiều gạo hơn từ Thái Lan trong các tháng còn lại của năm.
Ông Pitak cho biết nhu cầu về gạo của Singapore đang bắt đầu tăng lên sau khi gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống Covid để đón khách quốc tế. Lượng gạo nhập từ Thái Lan trong tháng 7 vừa rồi đã tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
“Singapore cũng nhập khẩu gạo từ các nước khác và họ có xu hướng sử dụng giá cả như một yếu tố để lựa chọn nhà xuất khẩu. May mắn là năm nay Thái Lan có thể đạt sản lượng gạo cao hơn trước do mưa nhiều. Vì thế, giá gạo Thái giảm hơn trước, tăng tính cạnh tranh so với các nước xuất khẩu khác. Hơn nữa, người tiêu dùng Singapore cũng có niềm tin vào chất lượng gạo của Thái Lan”, ông Pitak phát biểu.
Cục Ngoại thương nói rằng Thái Lan đã xuất khẩu 4,92 triệu tấn gạo trong tám tháng đầu năm nay, trị giá ước tính 86,06 tỉ baht (2,53 tỉ đô la), tăng 51,37% về lượng và 30,47% về giá trị so với cùng kỳ năm này. Cục này dự báo tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm nay của Thái Lan sẽ đạt 7,5 triệu tấn.
Giá gạo Thái Lan đang có xu hướng giảm sau sự suy yếu của đồng baht, mặc dù vẫn giữ giá cao hơn so với gạo cùng loại của các nước, đắt hơn so với gạo của các nước khác. Tính đến ngày 31-8, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan là 428 đô la/tấn, trong khi gạo cùng loại của Việt Nam có giá 397 đô la, Pakistan 382 đô la và Ấn Độ 342 đô la mỗi tấn. Hồi đầu tháng 4, theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 400-415 đô la/tấn, sau khi giảm từ khung 415-420 đô la/tấn vào cuối tháng 3. Các nhà buôn Việt Nam giải thích các cơn mưa đầu mùa bất chợt đã khiến chất lượng gạo thu hoạch tại Việt Nam bị giảm sút.
Loại gạo đồ của Thái Lan được bán với giá 442 đô la/tấn, trong khi Pakistan và Ấn Độ đang bán với giá lần lượt là 402 và 382 đô la mỗi tấn.
Trong khi đó, bản tin của Reuters hôm 31-8 Việt Nam xuất 4,7 triệu tấn gạo trong tám tháng đầu năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Reuters trích lời ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), rằng dự kiến lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ dao động trong khoảng 6,3 – 6,5 triệu tấn. Trong buổi họp báo thường kỳ hôm 5-9 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đưa ra dự báo cao hơn con số trên khoảng 200.000 tấn.
Năm ngoái, Việt Nam xuất 6,4 triệu tấn gạo, giành vị trí thứ hai khi Thái Lan chỉ xuất được 6,2 triệu tấn. Ấn Độ vẫn giữ vững vị trí quán quân với việc xuất 15,5 triệu tấn trong năm 2021.
Ông Nguyễn Ngọc Nam dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới do chi phí sản xuất cao hơn và do điều kiện thời tiết bất lợi tại một số nước trồng lúa, khiến sản lượng sụt giảm và đẩy giá gạo trên thị trường quốc tế lên.
“Chi phí sản xuất, đặc biệt là giá phân bón, gần đây đã tăng mạnh trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu. Hạn hán và lũ lụt đang diễn ra nghiêm trọng ở một số nước, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và ở một số nước châu Âu. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực toàn cầu”, Chủ tịch VFA nói với Reuters.
Cũng theo lời ông Nam, Philippines sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm nay. Reuters dẫn lời hai nguồn tin khác rằng Bangladesh đang hoàn tất các thỏa thuận với Việt Nam và Ấn Độ để nhập khẩu tổng cộng 330.000 tấn gạo để giao trong vòng ba tháng tới.
Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh (BSA) công bố vào tháng 7 vừa rồi cho thấy: Trong sáu tháng đầu năm 2022, các nước châu Á tiêu thụ phần lớn gạo Việt Nam với Philippines là thị trường lớn nhất chiếm gần 50%. Các thị trường xuất khẩu còn lại thuộc Top 5 là Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông và Ghana. Giá gạo trung bình xuất khẩu đến Philippines rơi vào khoảng 460 đô la/tấn, chủ yếu là các loại gạo trắng 5%, 10% và 25% tấm. Trong khi đó, gạo đến Singapore có giá trung bình là 523 USD/tấn – được giá nhất.
BSA cho rằng tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam trong sáu tháng đầu năm được hậu thuẫn phần lớn bởi các tác động liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine, khiến nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng lên nhằm đối phó với các bất ổn địa chính trị đang xảy ra.
“Dự báo giá gạo trên thị trường tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022, do tác động từ chiến tranh Nga – Ukraine. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng lúa trong nước sẽ giảm do giá phân bón và vật tư nông nghiệp gia tăng. Gạo Việt Nam còn gặp sự cạnh tranh của gạo Ấn Độ, bởi hai yếu tố: giá gạo Việt mắc hơn gạo Ấn 30% và chi phí vận chuyển từ Việt Nam đi châu Phi đắt hơn”, báo cáo của BSA viết.
Ricky Hồ