Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp: Nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên phát triển thịnh vượng
Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công tốt đẹp, đánh dấu quyết tâm và nỗ lực của Quốc hội trong ban hành những quyết sách mang tính đột phá, không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt pháp lý mà còn là nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của đất nước.

Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: media.quochoi.vn
Tháo gỡ “điểm nghẽn”, chuyển đổi tư duy quản lý
Phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, những nội dung được Quốc hội thông qua tại kỳ họp là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Tại kỳ họp, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - đạo luật “gốc” quy định thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật - được tiến hành với tư duy đổi mới về xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp. Việc sớm sửa đổi Luật này đã góp phần khơi thông “điểm nghẽn” đầu tiên của “điểm nghẽn” về thể chế, giúp đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng cải cách thể chế, tạo tiền đề cho đất nước tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Cùng với đó, ba đạo luật “gốc” về tổ chức, hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, chính quyền địa phương đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao sẽ là nền tảng vững chắc để tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.

Lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: media.quochoi.vn
Đặc biệt, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được xây dựng theo hướng “chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực” với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin - cho”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong các quy định pháp luật do Quốc hội ban hành; công việc giao cơ quan nào, cấp nào làm tốt nhất thì giao cơ quan đó, cấp đó làm.
Đáng chú ý, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), ngoài 2 kỳ họp thường kỳ mỗi năm, kỳ họp bất thường của Quốc hội có tên gọi kỳ họp không thường kỳ. Kỳ họp không nằm trong thường lệ đã được luật định, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu phát triển của đất nước. Để có được thành công của kỳ họp bất thường lần thứ chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc ngày đêm, nỗ lực tối đa, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh: media.quochoi.vn
Hành động quyết liệt để mở ra cơ hội phát triển
Tại kỳ họp, Quốc hội đã quyết nghị bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên nhằm kịp thời hoàn thiện thể chế pháp luật, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.
Quốc hội đã thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…
Cử tri Vương Hữu Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, đây là những chính sách, dự án có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia trên góc nhìn tổng thể, dài hạn, chiến lược, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Đây không chỉ là những vấn đề quan trọng quốc gia mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, cử tri Vương Hữu Phú nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng các đồng chí được Quốc hội tín nhiệm bầu, phê chuẩn vào cương vị mới. Ảnh: media.quochoi.vn
Công tác nhân sự đã được Quốc hội thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Quốc hội đã tiến hành bầu các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội khóa XV và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2025 và các năm tiếp theo, đáp ứng niềm tin, hy vọng của cử tri, nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài.