Kỳ họp chuyên đề lần thứ Nhất, HĐND tỉnh Đắk Lắk Khóa X: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu sở, ngành, cấp xã
Để đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, từ nay đến cuối năm phải đạt 8,64%. Để đạt mục tiêu này, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ Nhất, HĐND tỉnh Đắk Lắk, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An cho rằng cần nỗ lực và có giải pháp căn cơ, hiệu quả, quyết tâm cao, hành động quyết liệt hơn nữa đối với từng vị trí công tác.
Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành và chính quyền cấp xã; công tác phối hợp để khơi thông các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, công trình trọng điểm…
Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ yên tâm công tác

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Anh Minh
Kỳ họp diễn ra trong thời điểm bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 cơ bản đã ổn định, thông suốt đáp ứng nhiệm vụ đặt ra. Với tinh thần liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, cùng phương châm chủ động, linh hoạt, đồng hành và chia sẻ trách nhiệm, sau khi kết thúc Kỳ họp thứ Nhất, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk đã tập trung chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ họp chuyên đề thứ Nhất, nhằm kịp thời giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình vận hành mô hình chính quyền hai cấp, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Theo đánh giá tại kỳ họp, 6 tháng đầu năm, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đa số các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đạt, vượt so với kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, 6 tháng đầu năm ước đạt 7,14%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 8.718 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, tăng 53,6% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, có nhiều dự án quy mô lớn, tạo động lực phát triển, sức lan tỏa cho địa phương trong giai đoạn tới.
Công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công, giảm nghèo, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tiếp tục được quan tâm, triển khai kịp thời.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại kỳ họp. Ảnh: Anh Minh
Kỳ họp đã thảo luận, thống nhất cao thông qua 9 nghị quyết, tạo cơ sở, điều kiện để bộ máy chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu quả. Đáng chú ý là Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đến công tác tại trung tâm hành chính cấp tỉnh và cấp xã sau sắp xếp.
Theo đó, HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đến công tác tại Trung tâm hành chính cấp tỉnh được thành lập theo Đề án sắp xếp tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên. Cụ thể: hỗ trợ chi phí đi lại 2 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền thuê nhà ở 3 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người. Đối với các trường hợp đến công tác tại trung tâm hành chính tỉnh (không thuộc diện theo Đề án sắp xếp tỉnh) và các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, mức hỗ trợ chi phí đi lại được chia theo khoảng cách từ nơi thường trú đến cơ quan công tác.
Quyết tâm tăng trưởng kinh tế 8% trở lên

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Anh Minh
Sáu tháng cuối năm 2025 là giai đoạn then chốt hoàn thành các mục tiêu phát triển của cả năm. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An: để đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, từ nay đến cuối năm phải đạt 8,64%. Cần nỗ lực và có giải pháp căn cơ, hiệu quả, quyết tâm cao, hành động quyết liệt hơn nữa đối với từng vị trí công tác. Trong đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành và chính quyền cấp xã trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương; công tác phối hợp để giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn, khơi thông các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh; tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, đồng bộ.
Trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp rà soát, dự báo, đánh giá khả năng hoàn thành các mục tiêu trên từng ngành, từng lĩnh vực để chủ động có biện pháp thích hợp, thực hiện quyết liệt hiệu quả, gắn với kiểm tra, đôn đốc, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát huy lợi thế vùng, ngành sau hợp nhất để thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia và chủ động phương án phòng chống thiên tai, hạn hán, cháy rừng, lụt bão có thể xảy ra trên địa bàn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công và chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước; xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chất lượng điều hành. Nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, bảo đảm trật tự xây dựng, xử lý đơn thư; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế… ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp.
Đề nghị UBND tỉnh chủ động chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất các nội dung, cơ chế, chính sách cần trình HĐND tỉnh ban hành hoặc sửa đổi theo yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian, để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo đột phá về hành lang pháp lý cho sự phát triển – Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.