Chính sách của Tổng thống Trump bắt đầu tác động tới kinh tế Mỹ

Khoảng thời gian mà chính sách của ông Trump không để lại tác động nào trong các dữ liệu kinh tế cứng có vẻ đã đi đến hồi kết...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Việc áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu bắt đầu ngấm tới giá hàng hóa bán tới tay người tiêu dùng. Hoạt động siết chặt quản lý nhập cư bắt đầu gây áp lực lên tăng trưởng việc làm.

Tác động từ các chính sách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai trong 6 tháng cầm quyền đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai đang dần hiện hữu trong nền kinh tế nước này - theo tờ báo Wall Street Journal.

Tờ báo cho rằng những tác động đó chưa đủ lớn để khiến kinh tế Mỹ đi chệch hướng, và trên thực tế, trên nhiều phương diện, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trụ vững trong thương chiến tốt hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia. Một cuộc khảo sát của Wall Street Journal cho thấy các nhà kinh tế học đánh giá rằng rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại thấp hơn so với cách đây 3 tháng.

Nhưng khoảng thời gian mà chính sách của ông Trump không để lại tác động nào trong các dữ liệu kinh tế cứng có vẻ đã đi đến hồi kết.

NHỮNG DẤU HIỆU ĐÁNG LO

Trong những năm gần đây, giới đầu tư đã quen với việc kinh tế Mỹ đương đầu với những cú sốc lớn, ban đầu là đại dịch Covid-19 vào năm 2020-2021, tiếp đến là chu kỳ tăng lãi suất dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2022-2023. Lần này, câu chuyện được đánh giá là khó lường hơn.

Số liệu lạm phát tháng 6 công bố ngày 15/7 khá khớp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, với mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 2,7%. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt như đồ nội thất và quần áo ghi nhận mức tăng mạnh, một dấu hiệu tiềm ẩn về sự leo thang của giá cả do thuế quan - điều mà nhiều nhà kinh tế cho rằng sẽ tiếp tục trong những tháng tới.

Theo một báo cáo của ngân hàng UBS, giá của các hàng hóa trong rổ hàng hóa tính lạm phát lõi của Mỹ, ngoại trừ mặt hàng ô tô, đã tăng với tốc độ hàng tháng nhanh nhất trong 3 năm trở lại đây. Trừ khi có suy thoái kinh tế hoặc thuế quan được nới lỏng, các nhà phân tích tại ngân hàng này dự báo rằng từ nay đến cuối năm 2027, lạm phát toàn phần của Mỹ sẽ không giảm trở lại mức 2,3% của tháng 4 năm nay.

“Báo cáo ngày hôm nay cho thấy thuế quan đang bắt đầu gây ảnh hưởng”, ông Omair Sharif - người sáng lập kiêm Chủ tịch của công ty phân tích Inflation Insights - viết trong một báo cáo.

Những dấu hiệu của sự suy yếu cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường lao động. Mặc dù dữ liệu về lực lượng lao động trái phép được coi là không đáng tin cậy, tăng trưởng việc làm trong số liệu chính thức dường như đã chậm lại trong các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư bất hợp pháp. Lực lượng lao động là người sinh ra ở nước ngoài đã giảm đáng kể kể từ tháng 3. Và gần đây, người nhập cư gần đây dường như ngại tham gia các cuộc khảo sát hàng tháng về tình hình việc làm do Bộ Lao động Mỹ thực hiện.

Các số liệu thống kê cho thấy người Mỹ vẫn đang chi tiêu và các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu tất cả những yếu tố tích cực đó có duy trì được hay không - và nếu không, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng này trong bao lâu.

Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu Yale Budget Lab, vào thời điểm cuối tuần vừa rồi, người Mỹ phải đối mặt với mức quan bình quân là 20,6%, mức cao nhất kể từ năm 1910.

Tác động đầy đủ của thuế quan có lẽ phải mất nhiều tháng nữa mới được cảm nhận rõ, bởi các nhà nhập khẩu đã tích trữ hàng hóa từ trước, thời gian vận chuyển hàng hóa nhập khẩu kéo dài và Tổng thống Trump dễ có những động thái thuế quan thất thường. Tuy nhiên, Yale Budget Lab dự báo việc giá cả hàng hóa tăng do thuế quan có thể tương đương một khoản thiệt hại thu nhập 2.800 USD mỗi năm đối với mỗi hộ gia đình Mỹ.

NỀN KINH TẾ VẪN SẼ ỔN?

Chi phí nhiều nguyên liệu đầu vào kinh tế quan trọng như thép và nhôm đã tăng mạnh do thuế quan. Giá kim loại đồng đạt kỷ lục sau khi ông Trump công bố mức thuế 50% đối với đồng nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/8, một dấu hiệu cho thấy việc xây dựng trung tâm dữ liệu, nhà ở và sản xuất linh kiện bán dẫn ở Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Bà Isabella Weber, giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts, Amherst, cho rằng một khi có được sự chắc chắn về mức thuế quan cuối cùng, nhiều công ty có thể tăng giá hàng hóa mà không lo mất thị phần. Bà nói thêm: “Một khi thực sự bắt đầu, động lực này có thể tự mạnh lên”.

Ngay cả khi thuế quan bắt đầu thể hiện rõ hơn trong giá cả, điều đó không có nghĩa là lạm phát toàn phần sẽ tăng với tốc độ tương tự. Báo cáo lạm phát ngày 15/7 cho thấy lạm phát dịch vụ đã suy yếu, đặc biệt là trong nhóm nhà ở. Giá vé máy bay và giá khách sạn cũng tăng chậm lại. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy một số hộ gia đình đang hạn chế các khoản chi tiêu tùy nghi. Dữ liệu như vậy có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đi đến kết luận rằng nhu cầu yếu hạn chế bớt hiệu ứng lạm phát do thuế quan, và do đó Fed vẫn có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Đến nay, giới chức chính quyền ông Trump vẫn phản bác quan điểm của giới chuyên gia rằng các nhà nhập khẩu rốt cục sẽ đẩy thuế quan về phía người tiêu dùng. Trong một bài đăng trên mạng xã hội sau báo cáo lạm phát công bố ngày 15/7, ông Trump đã mô tả lạm phát là “rất thấp” và một lần nữa kêu gọi Fed hạ lãi suất.

Dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu khổng lồ của ông Trump mà Quốc hội Mỹ thông qua gần dây cũng có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ ở một số phương diện, chẳng hạn tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư mới - theo ông Alan Cole, một nhà kinh tế cấp cao của tổ chức tư vấn Tax Foundation ở Washington. “Nền kinh tế vẫn còn nhiều khả năng duy trì hiệu suất tổng thể, ngay cả khi có chính sách kém hiệu quả ở đâu đó”, ông nói.

Các ngân hàng lớn và các công ty thẻ tín dụng gần đây đã báo cáo những dấu hiệu chi tiêu suy yếu ở nhóm thu nhập thấp - một sự tiếp nối xu hướng trong những năm gần đây. Nhưng chỉ riêng điều đó có thể không đủ để làm chậm lại một nền kinh tế mà giới nhà giàu đang tận hưởng thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới và thúc đẩy chi tiêu nói chung.

“Về cơ bản, người tiêu dùng dường như vẫn ổn”, Giám đốc tài chính Jeremy Barnum của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định khi công bố báo cáo tài chính quý 2 hôm 15/7.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chinh-sach-cua-tong-thong-trump-bat-dau-tac-dong-toi-kinh-te-my.htm