Kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong 1,5 tháng
Chiều 10/7, tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 9 và bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XV diễn ra trong khoảng 1,5 tháng với 30 ngày làm việc.
Số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp thứ 10 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, do đó đề xuất tiếp tục tổ chức kỳ họp thứ 10 theo 2 đợt để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Trong đó đợt 1 kéo dài khoảng 20 ngày, chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2 kéo dài khoảng 10 ngày, chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thời gian nghỉ giữa hai đợt họp khoảng 7-9 ngày.
Qua rà soát bước đầu, ông Tùng cho biết, kỳ họp cuối năm này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 19 dự án luật và cho ý kiến 2 dự án luật.
Ngoài ra, Chính phủ đã có văn bản đề nghị trình Quốc hội 21 dự án luật khác, trong đó có: Luật An ninh mạng (thay thế); Luật Thương mại điện tử; Luật Quản lý thuế; Luật An toàn thực phẩm (thay thế); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ…
Quốc hội cũng sẽ dành thời gian đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2025; kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công trung hạn; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và khóa XV về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Cùng với đó, Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, kỳ họp thứ 9 đã diễn ra thành công tốt đẹp chương trình đề ra, có ý nghĩa lịch sử cả về tính chất và số lượng nội dung, là những quyết sách quan trọng được sự thống nhất cao trong Đảng và nhân dân.
Về việc chuẩn bị bước đầu cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Văn phòng Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, rút gọn các nội dung trình tại kỳ họp thứ 10, chỉ trình Quốc hội những vấn đề vướng mắc, khó khăn cần giải quyết cấp bách nhằm phục vụ điều hành kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí các cơ quan Quốc hội sẽ chuẩn bị báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XV trình tại Kỳ họp thứ 10.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự kiến bước đầu chương trình Kỳ họp thứ 10, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp tại phiên họp sau.