Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Hàn Quốc
Chiều 23-10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Hàn Quốc. Kỳ họp do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Vũ Đại Thắng và Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Kang-hyeon đồng chủ trì.
Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển ở mức cao nhất trên mọi lĩnh vực. Mục tiêu của Kỳ họp lần này nhằm cụ thể hóa thỏa thuận giữa hai nước tại Đối thoại lần thứ nhất về Hợp tác kinh tế cấp Phó thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc ngày 21-6-2019 tại Seoul, Hàn Quốc; rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực từ Kỳ họp lần thứ 16 (10-2017); đồng thời đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới và chuẩn bị cho chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc tháng 11-2019.

Quang cảnh kỳ họp.
Thông tin tại cuộc họp cho thấy, năm 2019 đánh dấu 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực đều có sự phát triển vượt bậc, đem lại lợi ích và hiểu biết, tin cậy sâu sắc lẫn nhau cho cả hai phía, đánh dấu bằng Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Về thương mại, năm 2018, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 8-2019, Hàn Quốc đã có hơn 8.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 65 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2018.
Về viện trợ phát triển chính thức, Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển. Gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hằng năm đạt hơn 300 triệu USD trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại. Hợp tác phát triển Việt Nam-Hàn Quốc được ưu tiên cho những lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, đô thị; y tế; giáo dục, đào tạo; môi trường; năng lượng sạch, công nghệ thông tin… Trong giai đoạn 2016-2020, những nguyên tắc, định hướng chung trong hợp tác phát triển của Hàn Quốc đối với Việt Nam được thể hiện trong Chiến lược đối tác phát triển (CPS) với Việt Nam với ưu tiên được dành cho quản lý nhà nước, giáo dục, nước và y tế, giao thông…
Về hợp tác lao động, hiện có hơn 47.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc trong đó 37.000 lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (Chương trình EPS) trong 4 ngành chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp… Thời gian tới, Việt Nam đề nghị Hàn Quốc ký tiếp Biên bản ghi nhớ về EPS; tăng hạn ngạch và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam sang những lĩnh vực như điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình; chia sẻ thông tin về lao động Việt Nam tại Hàn Quốc…
Ngoài 4 lĩnh vực chính trên đây, Hàn Quốc và Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong các lĩnh vực như công nghiệp - năng lượng, hạ tầng - giao thông - xây dựng, nông nghiệp, văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, tài nguyên-môi trường… Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, nâng cao năng lực. Kinh nghiệm, năng lực, trình độ của Hàn Quốc là những thế mạnh mà phía Việt Nam cần tích cực khai thác, vận động phía Hàn Quốc hỗ trợ.