Kỳ họp Quốc hội thứ 5: Kéo dài thời gian giảm thuế, quy định giá trần sách giáo khoa
Ngày 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các báo cáo và thảo luận ở hội trường về một số Dự luật và các nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT 2%
Chiều 24/5, Trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế GTGT đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%.
Năm 2023 Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn. Điều này có thể sẽ gây bị động cho quá trình điều hành thực hiện dự toán NSNN năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cũng chưa đánh giá cụ thể các tác động dự kiến của chính sách đối với khả năng kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2023 như mục tiêu đặt ra.
Về tác động chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi NSNN 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT là từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.
Quy định khung giá sách giáo khoa như các mặt hàng khác
Đưa quan điểm về quản lý giá sách giáo khoa, phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đề xuất Chính phủ quy định khung giá sách giáo khoa gồm giá trần và giá sàn như với các mặt hàng được Nhà nước định giá.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, trước đây, khi trao đổi về giá sách giáo khoa, đại biểu đã nêu lên một thực tế là việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh học sinh. Nguyên nhân chính là do các đơn vị phát hành sách thông qua nhà trường bao giờ cũng bán kèm sách giáo khoa với một số lượng sách tham khảo rất lớn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu ý kiến này và đã ban hành Chỉ thị yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng gói chung sách giáo khoa và sách tham khảo để buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Qua theo dõi, Chỉ thị này về cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình ra Quốc hội để xem xét thông qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy không thấy dự thảo phản ánh ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng, Trưởng Ban soạn thảo, cũng chẳng thấy giải trình dù Báo cáo số 480 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật này dài 112 trang.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị trong trường hợp Quốc hội khóa này thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88, chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.
Còn trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá (sửa đổi) để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương, không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau. Một đằng thì khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Làm rõ về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đều đồng thuận không quy định giá sàn sách giáo khoa, chỉ quy định giá trần để đảm bảo quyền lợi của người mua sách là học sinh, phụ huynh.
Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV hồi tháng 6/2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa đổi Luật Giá, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Liên quan đến giá sách giáo khoa, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Trong đó có nêu rõ, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào. Do đó, Bộ trưởng mong muốn các địa phương cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiểm soát việc này trong các trường học thuộc địa bàn của mình để tránh gây bức xúc trong dư luận.